Xuất khẩu nửa đầu năm 2018 tăng 16,49% so với cùng kỳ

Số liệu do Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Hiệp định CPTPP và EVFTA: Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam” hôm 18/7 vừa qua cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017.

Với tốc độ tăng trưởng trên, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.

Trong 2 quý đầu năm 2018, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 6,4 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng thời một năm trước đó và chiếm 46,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường EU đạt trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 12,2%; thị trường Nhật Bản đạt trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 23,9%; thị trường Hàn Quốc đạt trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2017...

Như vậy, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng trưởng mạnh với tốc độ vượt trội so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 16,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm

Có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018 là áo thun, quần và áo jacket. Ngoài ra, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tương đối cao, từ 700 triệu USD trở lên gồm có: váy, quần áo trẻ em, vải, quần soóc…

Tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp cũng rất khả quan, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết năm, điển hình như Công ty TNHH May Tinh Lợi, Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến, Công ty TNHH Regina Miracle, Công ty TNHH Worldon...

Các chuyên gia trong ngành dệt may nhận định, thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do mang lại với lộ trình giảm thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc "từ sợi trở đi”. Cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này.

Sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết hồi tháng 3/2018, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ có thêm 2 thị trường rất tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này là Canada, Úc, bên cạnh các thị trường truyền thống là Nhật Bản, Mỹ...

Ngoài ra, khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai bên. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ.

Chủ động ứng phó với thách thức

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết trên VnEconomy, có được những kết quả trên là nhờ cộng đồng doanh nghiệp đã thích ứng được với sự chuyển dịch thị trường. Kết cấu thị trường xuất khẩu dệt may chuyển dịch nhanh, không bị phụ tuộc vào thị trường đơn lẻ. Doanh nghiệp đã và đang có giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng giá trị tăng cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu dành một nguồn lực đầu tư lớn vào các công nghệ hiện đại để bắt kịp xu hướng của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Hiện đã có nhiều nhà máy đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại, robot…

Cùng chung nhận định, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, điều này thể hiện ở số lượng các đơn hàng tiếp tục gia tăng và xuất khẩu dệt may vẫn đạt giá trị 2 con số. Vì vậy, có thể nói thuận lợi vẫn là xu hướng chung của ngành dệt may Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, về dài hạn, ông Hải chỉ ra một số khó khăn mà ngành dệt may phải đối mặt, đó là dệt may Việt Nam chủ yếu tập trung vào gia công các công đoạn, việc đảm bảo nguyên phụ liệu như sợi, vải, dệt nhuộm vẫn còn yếu ở khâu tiếp thị sản phẩm, trong khi đây là khâu đem lại giá trị cao cho sản phẩm dệt may.

Hơn nữa, ngành dệt may đang phải đối mặt với một số khó khăn, bao gồm chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam...

Trong bối cảnh đó, “muốn đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may cần đầu tư một cách bài bản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu thì cần có sự liên kết chặt chẽ với các thị trường tham gia hiệp định thương mại tự do có nhiều ưu đãi lớn. Chúng ta vẫn đang có một số hiệp định có ý nghĩa rất lớn đối với dệt may như CPTPP, EVFTA… Tất cả những hiệp định này đang ở phía trước và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho ngành dệt may Việt Nam” - Báo điện tử VOV dẫn lời ông Trần Thanh Hải./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://vov.vn/kinh-te/det-may-viet-them-co-hoi-neu-my-tang-thue-nhap-khau-hang-det-may-trung-quoc-788591.vov

http://vneconomy.vn/kim-ngach-xuat-khau-det-may-ca-nam-co-the-dat-35-ty-usd-20180719150239683.htm

http://www.vinatex.com/Portal/Detail.aspx?Organization=vinatex&MenuID=72&ContentID=15079