KIS dự báo VN-Index sẽ chạm ngưỡng 1.300 điểm
Nhận diện lực đỡ cho thị trường chứng khoán
Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 do KIS tiến hành, tuy đối mặt với không ít khó khăn, nhưng nền kinh tế năm nay dự báo vẫn được không ít yếu tố khả quan hỗ trợ.
Theo đó, trong giai đoạn khởi đầu của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc và trên toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu, với vai trò chủ đạo của ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, trên bờ vực bị sụp đổ bởi lệnh phong tỏa toàn quốc của Chính phủ Trung Quốc. Từ đó, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với các công ty đa quốc gia. Việt Nam, với tiềm năng là công xưởng sản xuất và lắp rắp toàn cầu sau Trung Quốc, đứng trước cơ hội lớn từ việc chuyển dịch này. Trên thực tế, không lâu sau lời kêu gọi của Apple, Luxshare ICT và Foxxconn, 2 nhà cung cấp của Apple cho dây chuyền sản xuất IPhone và AirPods, đã tăng mức đầu tư vào Việt Nam trong năm qua...
Ngoài những cái tên kể trên, những công ty cung ứng của Apple, bao gồm Wistron Corporation, Hon Hai Precision Industry Co. Ltd, Goer Tek và Compal Electronics đều đã có mặt tại Việt Nam. Quá trình này vừa giúp Việt Nam thúc đẩy chuyển hóa ngành công nghiệp sản xuất sang ngành công nghiệp công nghệ cao, vừa trở thành điểm thu hút vốn FDI hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Những lợi ích lớn mà Tập đoàn Samsung đem lại là minh chứng cho việc có thể có một cơ hội tương tự đến với nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Samsung, một trong những nhân tố tiếp tục tạo ra sức hút dòng vốn FDI vào Việt Nam
Một yếu tố tích cực nữa được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay, theo nghiên cứu của KIS là dòng vốn ETF ngoại vào Việt Nam đã tăng mạnh từ năm 2010 đến nay. Việt Nam đã trở thành một trong những động lực chính cho dòng tiền dương trên khắp Đông Nam Á. Cụ thể, dòng tiền đổ vào Việt Nam ghi nhận đạt 105 triệu USD (từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 1/2021), cao gấp 3 lần Thái Lan. Trong khi đó Indonesia, Malaysia, Phillipines ghi nhận dòng tiền âm. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường vốn Việt Nam, nơi đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia...
Sau khi tham gia hai hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA năm 2018 và 2020, nền kinh tế Việt Nam đánh dấu một cột mốc quan trọng vào cuối năm 2020 khi Việt Nam tham gia vào hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP. Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu và FDI, Chính phủ Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc trong nâng cao tính chủ động của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế nhằm mở rộng thương mại và thu hút FDI. Tuy nhiên, lợi ích trực tiếp có phần bị hạn chế vì Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định với tất cả các nước trong RCEP. Để tận dụng được lợi ích từ tham gia sân chơi này, Việt Nam cần nâng cấp quy trình thông quan nói riêng, môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung để đáp ứng các chuẩn mực cao hơn của các nước tiên tiến. Những sự thay đổi như vậy sẽ cản thiện môi trường thương mại về lâu dài, nhưng nó sẽ phát sinh chi phí và sự bất tiện trong khoảng thời gian ngắn...
Có cửa để VN-Index chạm ngưỡng 1.300 điểm
Với bối cảnh kinh tế như trên, KIS nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I/2021 có thể điều chỉnh để tạo đáy ngắn hạn. Sau đó, thị trường tiếp tục chu kỳ tăng giá dài hạn trong phần còn lại của năm. Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 có thể được ủng hộ từ một số dữ liệu lịch sử.
Theo đó, chu kỳ tăng trưởng 3 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới bắt đầu từ đáy tháng 3/2020. Dựa trên phân tích chu kỳ của Raymond Merriman, chỉ số VN-Index đang dao động theo mô hình, cứ sau 3 năm sẽ hình thành một đáy quan trọng (đáy kết thúc của chu kỳ). Vào tháng 3/2020, VN-Index hình thành đáy chu kỳ 3 năm thứ sáu, nên chỉ số đang trong chu kỳ tăng trưởng 3 năm thứ bảy. Điều này có nghĩa VN-Index sẽ còn hơn 2 năm tăng giá. Đây là một chu kỳ tăng mới, nên chỉ số này tiếp tục đi lên trong năm 2021.
Biến động chu kỳ 3 năm của VN-Index
Mẫu hình tăng trưởng một năm sau năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Theo thống kê của KIS từ năm 2000, thị trường chứng khoán thường tăng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ. Điều này hàm ý về một mẫu hình đi lên trong một năm. Tỷ suất sinh lợi của thị trường dao động từ mức 11,8% - 58,3% trong năm đầu sau bầu cử ở Hoa Kỳ. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống gần nhất, thị trường đã tăng 47,8% sau khi Tổng thống Donald Trump chiến thắng. Hiện tại, các chính sách của tân Tổng thống Joe Biden tiếp tục có tác động đến sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, KIS kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021, với VN-Index có thể đạt 1.300 điểm./.
Bình luận