Room sẽ tự mở lên 100% hay doanh nghiệp phải quyết và trình lên?
Nghị định số 31 định danh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Trên TTCK, theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP,quy định, công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định về sở hữu nước ngoài tại danh mục. Trường hợp ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện tại danh mục không quy định cụ thể điều kiện tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại doanh nghiệp là 50% vốn điều lệ.
Trong 58 ngành nghề có tên tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, một số ngành nghề đã được pháp lý định danh tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại, ví dụ như ngành kinh doanh chứng khoán (là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng tỷ lệ đầu tư nước ngoài được đến tối đa 100%); ngành ngân hàng (tỷ lệ sở hữu 30%)… Hiện nay, tại danh mục trong Nghị định số 31 không quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu cụ thể, nên một số ý kiến cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư hiểu rõ về giới hạn tối đa, nhà quản lý cần tiến hành thêm một bước là cụ thể hóa tỷ lệ này theo các cam kết quốc tế và quy định pháp lý hiện hành tại Việt Nam.
Bên cạnh 58 ngành nghề được định danh (xem bảng), Nghị định số 31 cũng quy định, ngành, nghề đầu tư theo cơ chế thí điểm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng thuộc danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị định số 31 cũng công bố 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; dịch vụ điều tra và an ninh; dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận); dịch vụ điều tra, đánh giá và khai thác rừng tự nhiên; kinh doanh dịch vụ lữ hành, trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam…
Ngoài các ngành nghề bị cấm và hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định số 31 quy định, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Room sẽ tự mở lên 100% hay doanh nghiệp cần quyết rồi trình lên?
Trước đó, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/NĐ-CP, cho phép nới room lên 100% với các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, số doanh nghiệp chủ động nới room lên 100% còn rất nhỏ trong số 1.500 doanh nghiệp đang có cổ phiếu giao dịch trên TTCK Việt Nam. Kiến nghị với Chính phủ tại Diễn đàn doanh nghiệp cuối năm 2020, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic Scriven đề xuất nên nới room ngân hàng lên 40-49%, mở rộng khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhóm cũng kiến nghị đối với ngành nghề mà điều ước quốc tế/pháp luật không hạn chế sở hữu nước ngoài, nên áp dụng tỷ lệ sở hữu 100% so với tỷ lệ hiện tại là 49%.
Vấn đề về nới room ở Việt Nam chiếm 80% bức xúc của nhà đầu tư nước ngoài
Cùng với đó, nên cho phép các công ty được quyết định/giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong vốn điều lệ. Nhóm công tác cũng cho rằng, điều kiện để một tổ chức kinh tế được coi là nhà đầu tư nước ngoài cần được làm rõ theo hướng, khi tổ chức có trên 50% vốn nước ngoài trong ít nhất 180 ngày trong 1 năm và có 35% vốn điều lệ thuộc sở hữu của 1 nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan. Trong một chia sẻ khác, ông Dominic Scriven cho biết, vấn đề về nới room ở Việt Nam chiếm 80% bức xúc của nhà đầu tư nước ngoài vì thế, làm thế nào xử lý được những vướng mắc của khối ngoại là điều cá nhân ông cũng như Nhóm công tác thị trường vốn đã nhiều năm liền nêu lên.
Kiến nghị của Nhóm công tác xuất phát từ thực tế thời gian qua, việc doanh nghiệp muốn nới room lên 100% sẽ thực hiện theo quy trình, từ sự thống nhất của Hội đồng quản trị đến việc đưa ra Đại hội đồng cổ đông đồng thuận, sau đó, lãnh đạo doanh nghiệp làm hồ sơ trình đề xuất lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Khi nhà quản lý đánh giá thấy sự phù hợp về pháp lý và thủ tục, thì tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán sẽ được nới lên 100% (hoặc tỷ lệ khác, theo sự thống nhất trong doanh nghiệp). Cách làm này bảo vệ quyền chủ động của lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng khiến nhà đầu tư ngoại bị động, vì ngay cả với doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu doanh nghiệp không làm các thủ tục để đi đến quyết định nới room thì room trên sàn niêm yết của cổ phiếu vẫn chỉ tối đa 49%.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính đến cuối tháng 3/2021, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoàng 18-18,5% tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên TTCK Việt Nam. Con số này nhỏ hơn so với mức sở hữu khoảng 22% của nhà đầu tư ngoại trong một số năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong khi nhà đầu tư nước ngoài mong room mở tự động, thì với việc Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và các nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh bị cấm hoặc có điều kiện, room sẽ tự mở lên 100% hay doanh nghiệp phải quyết và trình lên nhà quản lý? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, rất cần hướng dẫn cụ thể từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
…
NGÀNH, NGHỀ TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG CÓ ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
1. Sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa, bao gồm các bản ghi hình.
2. Sản xuất, phân phối, chiếu các chương trình ti vi và các tác phẩm ca múa nhạc, sân khấu, điện ảnh.
3. Cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình.
4. Bảo hiểm; ngân hàng; kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán.
5. Dịch vụ bưu chính, viễn thông.
6. Dịch vụ quảng cáo.
7. Dịch vụ in, dịch vụ phát hành xuất bản phẩm.
8. Dịch vụ đo đạc và bản đồ.
9. Dịch vụ chụp ảnh từ trên cao.
10. Dịch vụ giáo dục.
11. Thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu và khí.
12. Thủy điện, điện gió ngoài khơi và năng lượng hạt nhân.
13. Vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường sông, đường biển, đường ống.
14. Nuôi, trồng thủy sản.
15. Lâm nghiệp và săn bắn.
16. Kinh doanh đặt cược, casino.
17. Dịch vụ bảo vệ.
18. Xây dựng, vận hành và quản lý cảng sông, cảng biển và sân bay.
19. Kinh doanh bất động sản.
20. Dịch vụ pháp lý.
21. Dịch vụ thú y.
22. Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam.
23. Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật.
24. Dịch vụ du lịch.
25. Dịch vụ sức khỏe và dịch vụ xã hội.
26. Dịch vụ thể thao và giải trí.
27. Sản xuất giấy.
28. Sản xuất phương tiện vận tải trên 29 chỗ.
29. Phát triển và vận hành chợ truyền thống.
30. Hoạt động Sở giao dịch hàng hóa.
31. Dịch vụ thu gom hàng lẻ ở nội địa.
32. Dịch vụ kiểm toán, kế toán, sổ sách kế toán và thuế.
33. Dịch vụ thẩm định giá; tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
34. Dịch vụ liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp.
35. Sản xuất, chế tạo máy bay.
36. Sản xuất, chế tạo đầu máy và toa xe đường sắt.
37. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá.
38. Hoạt động của nhà xuất bản.
39. Đóng mới, sửa chữa tàu biển.
40. Dịch vụ thu gom chất thải, dịch vụ quan trắc môi trường.
41. Dịch vụ trọng tài thương mại, hòa giải trọng tài.
42. Kinh doanh dịch vụ logistics.
43. Vận tải biển ven bờ.
44. Canh tác, sản xuất hoặc chế biến các loại cây trồng quý hiếm, chăn nuôi gây giống động vật hoang dã quý hiếm và chế biến, xử lý các động vật hay cây trồng này, bao gồm cả động vật sống và các chế phẩm từ chúng;
45. Sản xuất vật liệu xây dựng.
46. Xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật có liên quan.
47. Lắp ráp xe gắn máy.
48. Dịch vụ liên quan đến thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, và các hoạt động vui chơi, giải trí khác.
49. Dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không; dịch vụ kỹ thuật mặt đất tại cảng hàng không, sân bay; dịch vụ cung cấp suất ăn trên tàu bay; dịch vụ thông tin dẫn đường giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không.
50. Dịch vụ đại lý tàu biển; dịch vụ lai dắt tàu biển.
51. Dịch vụ liên quan đến di sản văn hóa, quyền tác giả và quyền liên quan, nhiếp ảnh, ghi hình, ghi âm, triển lãm nghệ thuật, lễ hội, thư viện, bảo tàng;
52. Dịch vụ liên quan đến xúc tiến, quảng bá du lịch.
53. Dịch vụ đại diện, đại lý tuyển dụng và đặt lịch, quản lý cho nghệ sỹ, vận động viên.
54. Dịch vụ liên quan đến gia đình.
5 5. Hoạt động thương mại điện tử.
56. Kinh doanh nghĩa trang, dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ mai táng.
57. Dịch vụ gieo hạt và phun thuốc hóa chất bằng máy bay.
58. Dịch vụ hoa tiêu hàng hải;
59. Các ngành, nghề đầu tư theo cơ chế thí điểm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(Nguồn: Nghị định số 31/2021/NĐ-CP)
Bình luận