Giảm hay không tùy theo nhu cầu vốn của thị trường

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 tăng 0,07% so với tháng 10 và tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, CPI cả nước mới chỉ tăng 0,58%, thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Với tốc độ tăng này, dự báo CPI năm 2015 sẽ dao động 1,5%-2%. So với chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2015 tăng dưới 5%, CPI năm nay sẽ tăng thấp hơn 3-3,5%, đây là điều trong 15 năm mới có vài năm đạt được.

Với lạm phát thấp, Chính phủ sẽ có nhiều dư địa hơn trong các chính sách vĩ mô. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng với mức lạm phát thấp như hiện nay thì phải tính toán giảm lãi suất ngân hàng để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp có thể tranh thủ thời cơ giá thế giới thấp để đẩy mạnh mua và dự trữ nguyên phụ liệu cho sản xuất.

Trả lời trang điện tử Diễn đàn doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, khả năng lạm phát cao trong thời gian tới là thấp, thậm chí, nguy cơ giảm phát nhiều hơn. Ông Độ nói: "Lạm phát cơ bản 1,7%, lạm phát tổng thể dưới 1%, do đó cần hạ lãi suất để kéo lạm phát lên mức 2-3%. Hiện lãi suất cho vay trung bình ở mức 8% so với 1% là mức cao".

Trước luồng ý kiến này trong dư luận, tại buổi họp báo Chính phủ ngày 27/11, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Điều hành lãi suất của NHNN phải dựa trên căn cứ về kinh tế vĩ mô tổng thể, tiền tệ, tỉ giá… Trong đó lạm phát cũng là một yếu tố".

Bà Hồng cho hay, năm 2015 lạm phát ở mức thấp do chịu tác động chủ yếu của việc giá hàng hóa trên thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu thô. Giá dầu thô theo dự toán từ đầu năm dự kiến là 100 USD/thùng nhưng giờ chỉ 40USD/thùng. Giá dầu biến động rất khó lường. Nếu như trong trường hợp giá dầu biến động tăng trở lại, lạm phát cũng sẽ tăng.

Phó Thống đốc nêu quan điểm, trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung và của NHNN nói riêng đều không chủ quan với lạm phát, nhất là trong bối cảnh cầu trong nước đang tăng trở lại. Với định hướng và chỉ tiêu của Quốc hội đưa ra cho năm 2016, lạm phát vẫn ở dưới mức 5%, thì thấy rằng khả năng lạm phát của năm 2016 vẫn thấp như năm 2015 là rất khó trong bối cảnh cầu đang tăng cao trở lại.

Phó Thống đốc cho rằng, đến nay so với mặt bằng lãi suất ở thời điểm cuối năm 2011 đã giảm rất nhiều nhờ những giải pháp của NHNN từ miễn giảm lãi suất mặt bằng các khoản cho vay mới... Hiện nay mức lãi suất đã trở về bằng với mức lãi suất năm 2005-2006, giai đoạn nền kinh tế phát triển ổn định.

Song, với một tinh thần không chủ quan với lạm phát, năm 2016, chính sách lãi suất cũng phải phù hợp với xu hướng của lạm phát trong tương lai. Phó Thống đốc cho biết, hiện nay NHNN quy định lãi suất trần, vì vậy tùy theo nhu cầu vốn của thị trường vẫn có thể tiếp tục hạ thấp lãi suất so với trần quy định của NHNN.

Như vậy, với nhiệm vụ điều hành lãi suất, NHNN cũng sẽ tiếp tục rà soát tình hình diễn biến nền kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có phương án điều hành phù hợp cũng như có chính sách cụ thể để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Lạm phát chỉ là điều kiện cần

Theo Báo Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, muốn tăng hay giảm lãi suất phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: Lượng cung tiền, nhu cầu tín dụng, khả năng huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng... CPI chỉ là một trong những yếu tố để xem xét tăng hay giảm lãi suất. Ông Lâm nói. “Theo tôi, CPI thấp chỉ là điều kiện cần để giảm lãi suất, nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, thúc đẩy tổ chức, cá nhân bỏ vốn vào đầu tư, kinh doanh, thay vì gửi ngân hàng”,

Còn TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo cán bộ BIDV, cho rằng muốn giảm lãi suất đầu ra thì bắt buộc phải kéo lãi suất đầu vào xuống. Với lạm phát ở mức thấp, đây là thời điểm tốt để xem xét có thể giảm một chút lãi suất đầu vào. Mặc dù vậy, không thể chủ quan với lạm phát vì chỉ cần giá dầu tăng thì tình hình sẽ xoay chiều.

Một đại diện của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng: Nếu muốn hạ lãi suất cho vay xuống nữa thì lãi suất huy động cũng phải hạ. Khi đó người gửi không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm nữa và chuyển sang đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, chứng khoán hay vàng... Như vậy, sẽ dẫn tới hậu quả là các ngân hàng khó huy động, thiếu nguồn và lãi suất lại phải tăng lên. Vì vậy nên giữ mức lãi suất cho vay như hiện nay./.

Nguồn tham khảo:

1. http://bizlive.vn/tai-chinh/pho-thong-doc-nguyen-thi-hong-to-chuc-tin-dung-co-the-tiep-tuc-ha-lai-suat-1476220.html

2. http://baotintuc.vn/kinh-te/lam-phat-thap-lai-suat-van-dam-chan-20151124204625531.htm