Làm rõ trách nhiệm của cơ quan đề xuất, đăng ký vốn cho các dự án thiếu khả thi
Số vốn đã phân bổ chi tiết đạt 97,22%
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 2 của Chính phủ làm việc với 29 bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong chiều nay (ngày 21/9), theo chinhphu.vn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 bộ, ngành, địa phương thuộc tổ công tác số 2 là 241.088,964 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết là 234.394,655 tỷ đồng, đạt 97,22%.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành bộ tiêu chí để hướng dẫn bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ sẵn sàng của các dự án đầu tư công trung hạn, để xác định nhu cầu và khả năng giải ngân của dự án. Ảnh: VGP |
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan là 104.915,882 tỷ đồng, đạt 43,52% (cao hơn mức bình quân cả nước là 39,41%).
Trong đó 10 cơ quan giải ngân trên mức bình quân của cả nước; 13 cơ quan giải ngân thấp (10-39,41%); 6 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu một số bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm, kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ với số lượng lớn phải giải trình rất rõ nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết. |
Một số bộ, ngành, địa phương kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ như: Bộ Giáo dục và Đào tạo (271,028 tỷ đồng); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (1.293,263 tỷ đồng); Bộ Tài nguyên và Môi trường (312,498 tỷ đồng); Quảng Bình: 81,25 tỷ đồng); Phú Yên: 241,498 tỷ đồng vốn nước ngoài và 164,169 tỷ đồng vốn từ nguồn bội chi ngân sách địa phương; Khánh Hòa: 304,832 tỷ đồng vốn nước ngoài…
Về nguyên nhân chậm giải ngân vốn, theo các bộ, ngành, địa phương là do công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số địa phương còn chậm, phát sinh nhiều vấn đề vượt thẩm quyền. Việc triển khai các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình phục hồi) chậm giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân kế hoạch vốn ngắn.
Do đặc thù chi ngân sách nhà nước giao kế hoạch vào thời điểm đầu năm, dự án phải có khối lượng mới có thể giải ngân, nên tiến độ giải ngân chung ở những tháng đầu năm tương đối thấp và sẽ đẩy mạnh vào các tháng cuối năm.
Công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao. Vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn, nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn được giao và có khối lượng để giải ngân.
Năng lực, trình độ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý dự án; hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước còn hạn chế..., dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành bộ tiêu chí để hướng dẫn bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ sẵn sàng của các dự án đầu tư công trung hạn, để xác định nhu cầu và khả năng giải ngân của dự án, từ đó khắc phục tình trạng đăng ký vốn nhiều nhưng không thực hiện được", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết.
Phân loại các dự án có thể tăng tốc để có giải pháp quyết liệt
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan phân loại những dự án có thể tăng tốc với các giải pháp quyết liệt từ nay đến cuối năm, còn những dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa sát yêu cầu thực tiễn, thiếu khả thi, thì làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề xuất, đăng ký vốn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xem xét gia hạn thời gian thực hiện, điều hoà các nguồn vốn đầu tư công trung hạn hoặc Chương trình phục hồi dành cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt. Ảnh: VGP |
"Riêng những dự án chưa giải ngân do nguyên nhân khách quan, chưa bảo đảm tính hiệu quả, nhưng vẫn cần thiết, thì xem xét phương án sử dụng một phần vốn đã phân bổ để chuẩn bị dự án mới thật tốt để triển khai trong năm tiếp theo", Phó Thủ tướng lưu ý.
Về hướng tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương làm việc với đối tác quốc tế để thống nhất cơ chế đền bù, đơn giản hoá thủ tục điều chỉnh dự án, đề xuất kéo dài dự án gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan…
Đối với khó khăn nguồn nguyên vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng nêu rõ: Trừ những dự án cấp bách, trọng điểm được áp dụng cơ chế riêng về khai thác, sử dụng mỏ vật liệu, các dự án khác phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường (nguy cơ sạt lở, ngập lụt), bảo đảm chất lượng tư vấn, khảo sát nguồn vật liệu phục vụ dự án, không được tạo ra trường hợp cá biệt./.
Bình luận