Lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp hiến kế, cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng Phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2021

Phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên sáng 21/02/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Diễn đàn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến tham dự và phát biểu chỉ đạo, qua đó, thể hiện tinh thần hành động quyết liệt và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng chào mừng các đại biểu, đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, bà Amy N. Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế, các vị đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, đại diện các nhóm công tác, cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành cùng tham dự.

Dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2021

Bộ trưởng cho biết, năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng khi là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trên thế giới, đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và tăng trưởng thiếu vững chắc. Trong nước, đợt bùng phát dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm đã xảy ra tại nhiều địa phương. Một số trung tâm kinh tế, đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm đã bị ảnh hưởng nặng; tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.

Lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp hiến kế, cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng
Năm 2021, Việt Nam có gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động

Trước bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chiến lược ứng phó dịch bệnh Covid-19 theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp, như quy định việc duy trì sản xuất, kết hợp phòng, chống dịch của các doanh nghiệp, lưu thông hàng hóa, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, hỗ trợ người lao động… nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng và lao động; đồng thời, ban hành nhiều chính sách về gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định. Thu ngân sách nhà nước vượt 16,4% dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực. Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh, quy mô vốn hóa tăng trên 46% so với năm 2020, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2021, gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam. Về đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

“Để đạt được kết quả đáng khích lệ trên có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2022 – là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”, Bộ trưởng nói.

Lắng nghe doanh nghiệp hiến kế cho nền kinh tế đạt mục tiêu 2022-2023

Lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp hiến kế, cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm nay chọn chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”
Lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp hiến kế, cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Diễn đàn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP, đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam...

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, với tinh thần làm việc quyết liệt, không ngừng nghỉ, vào 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nghị quyết này được đánh giá là văn bản quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để cụ thể hóa Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung trong 2 năm 2022 - 2023.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm nay chọn chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Được biết, Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện được, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có việc tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững…/.

Nhóm công tác VBF khuyến nghị 4 vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng Nhóm công tác VBF khuyến nghị 4 vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng
Nhóm công tác VBF: Ngành nông nghiệp cần hướng tới xu thế phát triển tuần hoàn, thông minh Nhóm công tác VBF: Ngành nông nghiệp cần hướng tới xu thế phát triển tuần hoàn, thông minh
Thảo luận 11 nhóm vấn đề chuẩn bị cho Diễn đàn VBF 2022 Thảo luận 11 nhóm vấn đề chuẩn bị cho Diễn đàn VBF 2022