Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 chiều tối ngày 3/6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ với báo giới về lý do vì sao chậm sửa đổi biểu đồ giá điện.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đang xây dựng biểu đồ giá điện hết sức kỹ lưỡng và thận trọng

Liên quan đến việc sửa đổi biểu giá điện, Thứ trưởng cho biết, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo hoàn thiện chính sách giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

Sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi các quy định tại Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo phù hợp thực tế tiêu dùng điện của người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong các năm 2018, 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định 28 nói trên.

Tuy nhiên, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá bán lẻ trong kinh doanh sang sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất; việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm khách hàng sinh hoạt để đảm bảo cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung.

“Việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường”, Thứ trưởng dẫn lý do.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và ổn đinh kinh tế vĩ mô.

Để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu cải tiến biểu giá điện bán lẻ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng, đánh giá tác động của phương án đến các nhóm khách hàng tiêu thụ điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

“Giá điện là vấn đề được người dân rất quan tâm, nhạy cảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, vì vậy Bộ Công Thương đang làm hết sức kỹ lưỡng và thận trọng, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng nói.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 12/3, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, hiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giá bán lẻ điện được xây dựng đảm bảo các yếu tố đầu vào, các chi phí trong toàn bộ chuỗi, dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, theo sơ đồ Quy hoạch điện VIII được thông qua trong thời gian tới, bên cạnh việc nghiên cứu đưa ra chi phí cận biên của nguồn thì Bộ Công thương cũng nghiên cứu xây dựng khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2021-2026 với nguyên tắc khung giờ sẽ bám sát các khối lượng đầu tư trong khâu phát điện cũng như truyền tải và khâu phân phối.

Đáng chú ý, nói về việc cải cách cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, giá bán lẻ điện được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào và chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện.

Trong năm 2020 Bộ CôngThương đã nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện. Trên cơ sở đánh giá góp ý của các bộ ngành, địa phương, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị xem xét quyết định tạm thời phù hợp cho năm 2021 - khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi.

Hiện Bộ Công thương đang chỉ đạo đơn vị nghiên cứu hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu bán lẻ điện phục vụ cho các đối tượng một cách phù hợp và sẽ một lần nữa lấy ý kiến rộng rãi của bộ ngành và đơn vị trước khi hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với nhiều kịch bản khác nhau (1 bậc, 3 bậc, 4 bậc, 5 bậc) và lấy ý kiến của các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong dự thảo biểu giá điện lần này, Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án (bao gồm 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc).

1/ Phương án 1 bậc - nghĩa là không chia các mức sản lượng mà giá điện sẽ áp dụng đồng giá cho mỗi kWh tiêu thụ.

2/ Phương án 2 có 3 bậc (bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên; bậc 2: cho kWh từ 101 - 400; bậc 3: cho kWh 401 trở lên).

3/ Phương án 3 có 4 bậc (bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên; bậc 2: cho kWh từ 101 - 300; bậc 3: cho kWh từ 301 - 600; bậc 4: cho kWh từ 601 trở lên).

4/ Phương án 4 có 5 bậc (bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên; bậc 2: cho kWh từ 101 - 200; bậc 3: cho kWh từ 201 - 400; bậc 4: cho kWh từ 401 - 700; bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên).

Ở mỗi phương án, Cục Điều tiết Điện lực đều đưa ra các phân tích về ưu điểm, nhược điểm và có số liệu, biểu đồ phân tích lợi, hại. Riêng phương án 5 bậc thang (phương án 4) có 2 kịch bản cụ thể.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang đã được thực hiện theo nguyên tắc:

1/ Đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

2/ Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt giữ nguyên (như tính toán theo cơ cấu tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg sát với giá bán lẻ điện bình quân được duyệt).

3/ Đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện, cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp.

4/ Đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện.

5/ Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội.

6/ Khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa.

7/ Định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc./.