Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW), Nghị quyết 140/NQ-CP, ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược phát triển năng lượng) và Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐCM) của Chiến lược phát triển năng lượng.
Phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 9% vào năm 2030 và khoảng 20% vào năm 2045. |
Ngày 31/12/2021, Bộ Công Thương có công văn số 8597/BCT-DKT gửi các cơ quan về việc tham gia ý kiến đối với Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng và ĐCM của Chiến lược phát triển năng lượng. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, tổng hợp và hoàn thiện Dự thảo lần 2 Chiến lược phát triển năng lượng và Dự thảo Báo cáo ĐCM của Chiến lược.
Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan nghiên cứu cho ý kiến góp ý đối với các dự thảo nêu trên.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong bối cảnh thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các mục tiêu chính của Chiến lược phát triển năng lượng được đề xuất để phù hợp và đạt cao hơn so với với Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Cụ thể như đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE. Tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp từ 20% - 25% năm 2030 và từ 60% - 65% năm 2045.
Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.
Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc Top 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc Top 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 9% vào năm 2030 và khoảng 20% vào năm 2045.
Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 25% vào năm 2030, lên mức 70% vào năm 2045.
Tầm nhìn đến năm 2045: bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao. Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại./.
Bình luận