Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái do vốn tự nhiên tạo ra tại Vườn quốc gia Pù Mát – Nghệ An
Từ khóa: Vườn quốc gia Pù Mát, lượng giá, vốn tự nhiên, giá trị dịch vụ hệ sinh thái
Summary
The study evaluates the value of ecosystem services created by natural capital in Pu Mat National Park, part of the Western Nghe An Biosphere Reserve. By using valuation methods including: market price method, benefit transfer method, regional travel cost method, contingent valuation method (CVM)..., the research team evaluates the value of ecosystem services at the National Park, and at the same time assess risks and challenges due to pressure from socio-economic development to biodiversity in Pu Mat. Thereby, proposing recommendations for sustainable use of biodiversity and ecosystem conservation in Pu Mat National Park.
Keywords: Pu Mat National Park, valuation, natural capital, ecosystem service value
GIỚI THIỆU
VQG Pù Mát, tọa lạc ở vĩ độ 18o46’ Bắc và kinh độ 104o24’ Đông, thuộc tỉnh Nghệ An, là trung tâm của khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Nằm trong dải đất miền Trung, VQG này có diện tích rộng lớn và đa dạng sinh học cao với hàng ngàn loài động, thực vật. Được thành lập năm 1995, Pù Mát có hệ sinh thái rừng đặc dụng đại diện cho rừng nhiệt đới và Á nhiệt đới, chiếm trên 99,5% diện tích quản lý.
VQG Pù Mát đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, giữ 4 loài thú lớn mới cho thế giới. Với 61 km tiếp giáp với khu bồi hoàn đa dạng sinh học ở Lào, tổng diện tích khoảng 250.000 ha của cả hai khu đã tạo ra một khu vực bảo tồn lớn cho nhiều loài động vật quan trọng.
Ngoài giữ gìn đa dạng sinh học, Pù Mát cung cấp nhiều chức năng hệ sinh thái, từ cung cấp lâm sản, dịch vụ điều tiết nước, đến giá trị du lịch và giải trí. Tuy nhiên, đến nay, giá trị của hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học tại VQG này vẫn chưa được lượng giá đúng mức và đang đối mặt với nguy cơ suy giảm do các hoạt động như khai thác, săn bắt không hợp pháp. Việc lượng giá giá trị và đánh giá rủi ro từ áp lực phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết để bảo vệ và quản lý bền vững hệ sinh thái ở Pù Mát.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Theo TEEB (2010), các dịch vụ hệ sinh thái của một VQG rất đa dạng và có thể được chia thành 4 nhóm chính gồm: (i) Nhóm dịch vụ cung cấp (Provisioning services); (ii) Nhóm dịch vụ điều tiết (Regulating services); (iii) Nhóm dịch vụ văn hóa (Cultural services); và (iv) Nhóm dịch vụ hỗ trợ (Supporting services). Đối với VQG Pù Mát, trên cơ sở kết quả phân tích tổng quan, tham vấn cộng đồng dân cư, cán bộ tại các xã đại diện thuộc vùng lõi và vùng đệm, nghiên cứu này đã tổng hợp những dịch vụ hệ sinh thái chính theo 4 nhóm của TEEB tại Bảng 1.
Bảng 1: Các dịch vụ hệ sinh thái chính của VQG Pù Mát, Nghệ An
Nhóm dịch vụ cung cấp | Nhóm dịch vụ điều tiết | Nhóm dịch vụ văn hóa | Nhóm dịch vụ hỗ trợ |
---|---|---|---|
1. Thức ăn: thủy sản đánh bắt (cá, tôm, cua…), thủy sản nuôi trồng, măng rừng, hoa quả (hoa chuối, hoa lan rừng, quả rừng…), mật ong 2. Vật liệu thô: gỗ, củi 3. Nước ngọt 4. Dược liệu: nấm linh chi, cây cầu than, ráy, nghệ, bồ cốt toái, hương bài… | 1. Hấp thụ và lưu trữ các bon 2. Điều tiết nước cho thủy điện, sản xuất công nghiệp… 3. Điều tiết khí hậu và chất lượng không khí 4. Giảm nhẹ các hiện tượng cực đoan: lũ lụt, lở đất…
| 1. Du lịch 2. Các giá trị tinh thần | 1. Hỗ trợ môi trường sống cho các loài 2. Bảo tồn đa dạng nguồn gen |
Nguồn: Kết quả tham vấn, khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2020
Cũng theo nhiều nghiên cứu, việc lượng giá các giá trị dịch vụ hệ sinh thái từ vốn tự nhiên tạo ra là một công việc phức tạp và có nhiều sai số. Song nếu không xác định được giá trị và đối tượng khai thác sử dụng các giá trị đó, các nhà quản lý sẽ rất khó khăn trong thiết kế các chính sách hướng đến khai thác sử dụng vốn tự nhiên một cách hợp lý tại các VQG – nơi vốn lưu giữ một di sản tự nhiên vô cùng to lớn. Xác định các giá trị của vốn tự nhiên và dòng dịch vụ hệ sinh thái do vốn tự nhiên tạo ra góp phần quản lý bền vững các khu VQG, hướng tới tính “bền vững mạnh” tức không đánh đổi nguồn vốn tự nhiên cho phát triển kinh tế.
Phương pháp lượng giá
Trong phạm vi lượng giá của nghiên cứu này, chúng tôi tập trung vào 3 nhóm dịch vụ, đó là: Nhóm dịch vụ cung cấp; Nhóm dịch vụ điều tiết và Nhóm dịch vụ văn hóa (Bảng 2). Nhóm dịch vụ hỗ trợ (mà theo FAO (2020), cần bao gồm dịch vụ hỗ trợ môi trường sống cho các giống loài, duy trì đa dạng sinh học và nguồn gen) không được lượng giá do dữ liệu cập nhật để lượng giá các giá trị này chưa có tại VQG Pù Mát. Ngoài ra, một số quan điểm lượng giá gần đây cũng không thực hiện đánh giá nhóm giá trị này, do được các dịch vụ hỗ trợ được coi là nhóm dịch vụ “trung gian” (intermediate services) hỗ trợ cho việc tạo ra các dịch vụ “cuối cùng” (final services) (Hein, 2011; Smith, 2021). Vì thế, việc lượng giá nhóm dịch vụ hỗ trợ có thể dẫn đến tính trùng (double counting). Thay vào đó, nghiên cứu này sẽ thực hiện lượng giá giá trị bảo tồn, thông qua mức sẵn lòng chi trả của các hộ gia đình tại Pù Mát. Kết quả lượng giá này sẽ phản ánh phần nào giá trị của nhóm dịch vụ hỗ trợ kể trên.
Bảng 2: Các dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá tại VQG Pù Mát và phương pháp tương ứng
Dịch vụ hệ sinh thái | Loại giá trị | Phương pháp lượng giá | |
---|---|---|---|
1. Giá trị cung cấp | Gỗ (rừng sản xuất) | Giá trị sử dụng trực tiếp (Direct use value) | Phương pháp giá thị trường (Market Price) |
Măng rừng (tre, nứa tự nhiên)
| Giá trị sử dụng trực tiếp (Direct use value) | Phương pháp giá thị trường (Market Price)
| |
2. Giá trị điều tiết | Giá trị hấp thụ các-bon
| Giá trị sử dụng gián tiếp (Indirect use value) | Sử dụng phương pháp giá thị trường (market price) |
Điều tiết nước cho thủy điện | Giá trị sử dụng trực tiếp | Sử dụng phương pháp giá dịch vụ môi trường rừng cho thủy điện | |
3. Giá trị văn hóa | Giá trị du lịch
| Giá trị sử dụng trực tiếp (Direct use value) | Phương pháp chuyển giao lợi ích (Benefit Transfer Method) Phương pháp Chi phí du hành theo vùng (Zonal Travel Cost Method) |
4. Giá trị bảo tồn | Giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của rừng để duy trì các giá trị khác | Giá trị phi sử dụng | Phương pháp Đánh giá ngẫu nhiên (Contingent Valuation Method) |
5. Giá trị khác | a. Đánh giá rủi ro môi trường sống (Habitat risk assessment) b. Đánh giá chất lượng môi trường sống (Habitat quality) | Là điều kiện để duy trì hệ sinh thái, đa dạng sinh học ở VQG Pù Mát | Mô hình hóa và bản đồ |
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả
Phương pháp nghiên cứu
Ngoài việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống, như: phương pháp chuyên gia trong việc xác định các giá trị quan trọng mà nguồn vốn tự nhiên tại Pù Mát tạo ra; phương pháp thu thập thông tin thứ cấp; phương pháp khảo sát…, nhóm nghiên cứu sử dụng các phương pháp bản đồ, phương pháp mô hình hóa. Các phương pháp nghiên cứu truyền thống cũng được sử dụng linh hoạt khi áp dụng vào lượng giá cho từng loại giá trị.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Lượng giá dịch vụ cung cấp
Giá trị gỗ
Giá trị gỗ (từ rừng trồng sản xuất) của VQG Pù Mát ước tính là lợi ích trừ đi chi phí sản xuất, tức trung bình khoảng 0,868 triệu đồng/ha/năm, tương đương với 37,66 USD/ha/năm(1).
Kết quả thống kê từ hệ thống thông tin địa lý cho thấy, tổng diện tích rừng trồng sản xuất tại VQG là 3.604.41 (ha). Đây là diện tích rừng gỗ trồng núi đất với độ tuổi rừng khác nhau. Khu vực đã khai thác trong năm 2019 là 614,141 ha, với độ tuổi rừng phù hợp để khai thác. Như vậy, tổng giá trị gỗ từ rừng trồng sản xuất tại VQG Pù Mát trong năm 2019 tương ứng là 533,074 triệu đồng. Giá trị tạo ra trong năm 2019, nhưng chưa được khai thác (giá trị tiềm năng) là 1,25 tỷ đồng.
Giá trị măng rừng
Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập bình quân của một hộ gia đình khi tham gia khai thác măng là 4,450 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chi phí khai thác chủ yếu là công lao động (mỗi lần khai thác trung bình mất nửa ngày công) và một số dụng cụ khai thác đơn giản (như: dao, túi…) ước tính trung bình là 0,493 triệu đồng/năm. Như vậy, giá trị măng rừng ước lượng được là khoảng 3,957 triệu đồng/năm với mỗi hộ gia đình tham gia khai thác.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong phạm vi 5 km từ nơi cư trú, trung bình vùng có măng là khoảng 1,5-2,0 ha(2). Với quan điểm lượng giá thận trọng, nghiên cứu này sử dụng giá trị cận dưới để đánh giá, đó là 1,5 ha măng trong phạm vi 5 km từ nơi cư trú. Từ đó, diện tích măng đã được tiếp cận khai thác của mỗi hộ gia đình được tính toán tương ứng. Kết quả trung bình diện tích măng đã được tiếp cận khai thác là 10.05 ha. Vậy giá trị măng rừng đã khai thác được quy đổi theo đơn vị diện tích trên là 393,74 nghìn đồng/ha/năm, tương đương với 17,08 USD/ha/năm.
Giá trị du lịch
Với lượng khách tham quan trong năm 2019 là 35.783 người, tổng giá trị du lịch của VQG Pù Mát ước tính được là 87,57 tỷ đồng (tương đương 3,76 triệu USD) trong năm 2019. Trung bình giá trị là 924.153,67 đồng/ha/năm (39,7 USD/ha/năm).
Theo đó, giá trị du lịch tập trung chủ yếu ở 2 điểm du lịch chính của VQG là Thác Khe Kèm và Đập Phà Lài. Hiện nay, du lịch cộng đồng tại các bản Cò Phạt, Khe Rạn, Bản Búng, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm cũng đang dần phát triển, vì vậy giá trị du lịch tại các điểm này cũng đang dần tăng lên. Tuy nhiên, do lượng khách tới các điểm này vẫn còn khá nhỏ so với 2 điểm du lịch chính, nên phân bổ giá trị du lịch vẫn khá thiên lệch.
Giá trị dịch vụ điều tiết
Dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon
Kết quả lượng giá chi tiết giá trị lưu trữ các-bon của VQG Pù Mát cho thấy, tổng lượng các-bon lưu trữ của VQG Pù Mát là 26,227 triệu tấn, tương ứng với tổng lượng CO2 đã được hấp thụ bởi VQG Pù Mát là 96,167 triệu tấn. Ước tính giá trị lưu trữ các-bon của VQG Pù Mát lên đến 11.059,22 tỷ đồng. Trong đó, rừng gỗ tự nhiên núi đất LRTX giàu có giá trị cao nhất là 4.462,95 tỷ đồng (chiếm hơn 44% tổng lượng các-bon lưu giữ); Thứ hai là rừng gỗ tự nhiên núi đất LRTX TB có giá trị lưu trữ là 1.956,72 tỷ đồng (chiếm 17%); Rừng gỗ tự nhiên núi đất LRTX giàu nguyên sinh đứng thứ ba chiếm 16,22% tổng giá trị.
Dịch vụ điều tiết nước cho thủy điện
Tổng giá trị điện thương phẩm tạo ra ở khu vực VQG Pù Mát là 1.663 tỷ đồng/năm. Tổng giá trị dịch vụ môi trường rừng theo mức chi trả tối thiểu tính được trong khu vực VQG Pù Mát là 53,93 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trên thực tế các nhà máy thủy điện chi trả cho khu vực là 3 tỷ đồng/năm.
Mức sẵn lòng chi trả và giá trị bảo tồn của VQG
Sử dụng phương pháp điều chỉnh WTP theo trọng số thu nhập và cỡ hộ gia đình, với mức độ tin cậy 95% và sai số chuẩn là 64.351,19 (9,2%), mức sẵn lòng chi trả trung bình của các hộ dân cho việc bảo tồn VQG Pù Mát được ước tính được là 696.287,51 đồng/năm. Với tổng số 24.773 hộ dân sống trong và quanh VQG Pù Mát, giá trị tồn tại của VQG là 17,25 tỷ đồng/năm, tương đương với 748.373,1 USD/năm. Quy đổi theo đơn vị diện tích, thì giá trị này là 8,24 USD/ha/năm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đây mới chỉ là phần giá trị do người dân địa phương đánh giá. Đặc biệt, lý thuyết đã chỉ ra rằng, giá trị này thường bị giới hạn bởi thu nhập thấp của người dân địa phương (Turpie, 2003). Vì vậy, khi nghiên cứu có điều kiện khảo sát người dân ở các khu vực khác tại Việt Nam và cả nước ngoài, giá trị sẵn lòng chi trả này có khả năng sẽ cao hơn nhiều. Mặc dù vậy, kết quả ước lượng mức sẵn lòng chi trả của các hộ dân địa phương cho thấy nhận thức và đánh giá của họ đối với tầm quan trọng của đa dạng sinh học tại VQG Pù Mát.
Tổng giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái ở VQG
Hình: Tổng giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái được chọn ở VQG Pù Mát trong năm 2019
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả lượng giá từng phần, 2021 |
Căn cứ vào giá trị lượng giá từng phần của mỗi dịch vụ hệ sinh thái ở trên, nghiên cứu ước tính tổng giá trị của VQG Pù Mát được trình bày tại Hình đạt 12.813,36 tỷ đồng (Chưa bao gồm giá trị bảo tồn).
Giá trị bảo tồn không được tính tổng với các giá trị còn lại, bởi trong nghiên cứu này, các phương pháp ước lượng theo mức WTP của người dân và thực tế đầu tư ngân sách và ngoài ngân sách chỉ phản ánh được một phần giá trị bảo tồn. Mặc dù vậy, với kết quả ước lượng WTP khá cao (18.355,5 tỷ đồng/năm, tương đương với 796,3 triệu USD/năm), có thể thấy giá trị bảo tồn của VQG Pù Mát là khá lớn (bởi giá trị này còn có thể lớn hơn cả kết quả ước lượng WTP). Trong khi đó, mức đầu tư để bảo tồn (tính cả nguồn từ ngân sách và ngoài ngân sách) chỉ là 38,3 tỷ đồng, còn khá khiêm tốn so với giá trị bảo tồn của VQG.
Chất lượng môi trường sống (Habitat quality)
Kết quả phân tích sự thay đổi chất lượng môi trường sống như Bảng 3.
Bảng 3: Kết quả phân tích thay đổi về chất lượng môi trường sống ở VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An theo bản đồ 2015, 2020
Ngưỡng chất lượng | Diện tích 2015 (ha) | Diện tích 2019 (ha) | So sánh |
Chất lượng rất kém | 0 | 0 | 0 |
Chất lượng kém | 0 | 0 | 0 |
Chất lượng trung bình | 88 | 88 | 0 |
Chất lượng tốt | 6.811 | 6.866 | 55 |
Chất lượng rất tốt | 189.643 | 189.588 | -55 |
196.542 | 196.542 |
Nhìn chung kết quả phân tích sự thay đổi về chất lượng môi trường sống của các loài trên khu vực VQG Pù Mát cho thấy, đến nay những tác động từ các hoạt động kinh tế, dân sinh đến khu vực còn rất thấp, diện tích khu vực có chất lượng môi trường sống rất tốt giảm 55 ha xuống mức tốt.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Kết quả lượng giá một số giá trị của VQG Pù Mát cho thấy, những giá trị hữu hình mà vườn mang lại còn khá thấp so với tiềm năng thực tế mà vườn tạo ra. Sinh kế của người dân địa phương phụ thuộc nhiều vào khai thác các lâm sản trong vùng dẫn đến chưa ổn định. Đặc biệt, nguồn lực, đặc biệt là tài chính, để phục vụ cho công tác tuần tra, bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học ở VQG Pù Mát còn rất hạn chế.
Do vậy, để giải quyết bài toán giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế ở VQG Pù Mát một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện như sau:
Về nhiệm vụ cần phải thực hiện
- Xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, tạo cơ hội, thúc đẩy cộng đồng tích cực tham gia, đóng góp cho việc duy trì đa dạng sinh học.
- Hướng đến mối quan hệ hài hoà giữa con người và thiên nhiên, cùng phát triển thông qua những cải thiện về thịnh vượng kinh tế, công bằng xã hội và quản lý môi trường.
- Quản lý mối tác động qua lại giữa con người và hệ sinh thái nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho thế hệ hiện tại và vẫn duy trì tiềm năng của hệ sinh thái để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các thế hệ tương lai.
Đề xuất, khuyến nghị cơ chế, chính sách
- UBND tỉnh, các sở cần có chính sách tạo điều kiện cho các khu rừng đặc dụng thực hiện các chương trình, đề tài điều tra, nguyên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học từ nguồn ngân sách bảo vệ môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách, đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ phụ trách; mở rộng đối tượng tham gia thực hiện đề án bảo tồn nguồn gen của tỉnh Nghệ An. UBND Tỉnh ban hành quy định về điều kiện cho phép các đoàn nước ngoài vào công tác tại các địa bàn thuộc vùng biên giới trên cơ sở đơn giản hóa các thủ tục cấp phép.
- Cần xây dựng một chính sách đảm bảo tài chính hoạt động ổn định cho các chủ rừng thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng. Đặc biệt, cần mạnh dạn thí điểm những cơ chế tài chính dựa vào thị trường mới, như: đền bù sinh thái, bồi hoàn đa dạng sinh học và tín dụng đa dạng sinh học để huy động nguồn lực của xã hội cho công tác bảo tồn, tăng cường sinh kế bền vững cho người dân để giữ rừng, giữ những giá trị cho nhân loại.
- Tăng cường giáo dục nhận thức cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, bao gồm cả trường học; tư liệu hóa về hệ thống bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học bản địa và thực hành nông nghiệp thân thiện môi trường của người bản địa; thực hiện giao đất và quyền sử dụng đất tại các xã vùng đệm, sao cho cả vợ và chồng đứng tên đăng ký sổ đỏ.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học một cách hoàn chỉnh; Xây dựng một hành lang xanh kết nối các vùng lõi VQG với khu bồi hoàn đa dạng sinh học của Lào và các khu bảo tồn của Nghệ An.
- Xây dựng về thể chế hóa cơ chế đồng quản lý và chia sẻ lợi ích từ rừng và bảo vệ rừng; nghiên cứu và tìm hiểu khả năng thúc đẩy, chuyển hướng hệ thống bảo vệ rừng dựa vào hộ gia đình sang hệ thống quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng; xây dựng hệ thống bảo vệ động vật hoang dã dựa vào cộng đồng và xây dựng và vận hành mạng lưới theo dõi/giám sát việc chặt cây trái phép tại địa phương
- Phát triển các mô hình nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu để làm các điểm học hỏi tại các vùng tiểu khí hậu khác nhau (ví dụ ở vùng sinh kế ở trung du phụ thuộc trồng lúa; vùng trung du sống phụ thuộc rừng, vùng núi cao sống phụ thuộc vào rừng); chia sẻ các lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm từ chương trình trồng rừng REDD+./.
ThS. Nguyễn Quang Hồng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
TS. Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 36, tháng 12/2023)
Tài liệu tham khảo
1. FAO (2020), Ecosystem Services & Biodiversity (ESB).
2. Hein (2011), Criteria and Tentative Ranking of Ecosystem Services for Inclusion in Ecosystem Accounting, Issues Paper, Prepared for the WAVES Project and the UNSD/World Bank/EEA Expert Meeting on Ecosystem Accounting of December 2011, Wageningen University, The Netherlands.
3. TEEB (2010), Chapter 5: The economics of valuing ecosystem services and biodiversity, in The Economics of Ecosystems and Biodiversity Ecological and Economic Foundations, P. Kumar Ed. London and Washington: Earthscan.
4. Turpie (2003), The existence value of biodiversity in South Africa: how interest, experience, knowledge, income and perceived level of threat influence local willingness to pay, Ecological Economics, 46(2), 199-216.
5. Smith (2021), Determining Sample Size: How to Ensure You Get the Correct Sample Size, retrieved from https://www.qualtrics.com/blog/calculating-sample-size/.
6. Rouquette (2013), Ecosystem services and flood and coastal erosion risk management, Natural Environment Research Council and Environment Agency, University of Sheffield, United Kingdom.
7. UNEP (2007), Guidelines for Conducting Economic Valuation of Coastal Ecosystem Goods and Services (UNEP/GEF/SCS Technical Publication No. 8.), Thailand.
[1] Tỷ giá quy đổi trung bình năm 2019 là 1 USD = 23.050 VND
[2] Kết quả này cũng được đối chứng với các thông tin từ bản đồ và ảnh vệ tinh.
Bình luận