Về với miệt vườn Vĩnh Long, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vương quốc gạch nung Mang Thít - thủ phủ của nghề gạch xứ Vĩnh Long với vẻ đẹp miên man, hoài cổ. Tuy nhiên, nhiều năm qua các tỉnh miền Đông được đầu tư xây dựng hệ thống lò công nghệ cao, nên nhiều lò gạch truyền thống của Vĩnh Long dần rơi vào quên lãng.

Mặc dù dọc kênh Thầy Cai ở Mang Thít hiện vẫn còn hàng trăm lò gạch nằm san sát nhau nhưng hầu như đã rêu phong, bám bụi. Nhìn từ trên cao những “tòa lâu đài” nung gạch đỏ cao vút ngày nào nay phủ màu thời gian trông như một thành phố cổ.

Vương quốc gạch nung Mang Thít nằm dọc theo dòng sông Cổ Chiên, sông Cái Nhum, dòng kênh Thầy Cai và các tuyến đường huyết mạch, trải nhựa thẳng tắp thuộc huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Các dòng sông ở huyện Mang Thít hầu như đều bắt nguồn từ 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Vì thế, vùng đất Mang Thít - Vĩnh Long hàng năm vẫn luôn nhận được lượng phù sa dồi dào, bồi đắp nguồn đất đỏ nguyên sinh giàu giá trị cho vùng đất nơi đây.

Làng nghề truyền thống làm gốm, nung gạch đã xuất hiện ở huyện Mang Thít từ lâu đời và là một trong những địa phương có lò gạch, gốm thủ công lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng làng gốm Vĩnh Long lại có nét độc đáo riêng, đó là dòng gốm không men. Không có màu đỏ ối của gạch, ngói, gốm Vĩnh Long có màu hồng tự nhiên, sau khi nung ửng lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài như sương. Không chỉ ấn tượng bởi màu gốm, ở Cổ Chiên, Vĩnh Long còn có công trình kiến trúc đặc sắc gần như có một không hai ở Việt Nam, đó là nhà gốm.

Trong chuyến tham quan Vĩnh Long, du khách sẽ được ngắm nhìn vương quốc gạch nung Mang Thít với gần 1000 cơ sở sản xuất gạch với khoảng 2000 miệng lò. Nhà nhà ở huyện Mang Thít hầu như đều có từ 2 - 3 miệng lò và cuộc sống của người dân địa phương đều gắn liền với từng viên gạch nung đỏ, từng lò gạch luôn cháy lửa bập bùng.

Đến những ngày nung gạch đốt lò, du khách du lịch Vĩnh Long - Mang Thít sẽ được nhìn thấy những ống khói nghi ngút. Một lò gạch thường cao tầm 12 mét và mất khoảng 5 ngày để tải và dỡ gạch, 15 ngày để nung và 10 ngày để xây cửa lò và chờ gạch nguội. Người dân Vĩnh Long thường dùng trấu để đốt lò và phải luôn túc trực canh lửa thường xuyên để đảm bảo gạch được nung chín đúng ngày. Trải qua hơn một tháng, mỗi mẻ gạch thường thu khoảng hơn 120.000 viên gạch và tùy vào từng kích thước lò.

Dọc theo những con đường tỉnh lộ ở huyện Mang Thít hẳn bạn cũng sẽ thấy những ngôi nhà gốm nhấp nhô giữa miền sông nước. Toàn bộ ngôi nhà gốm này từ mái che, hàng rào, các bức tường đến các vật dụng trang trí như bức phù điêu, bàn ghế đều nhuộm sắc màu gốm đậm nhạt độc đáo khác nhau.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, vương quốc gạch nung đã không còn giữ được những ngọn lửa rực đỏ cả ngày lẫn đêm hay hoạt động nung gạch, phơi gạch và tải gạch nhộn nhịp, sầm uất như ngày nào. Ông Hồ Văn Vàng, Chủ tịch Hội nghề gốm tỉnh Vĩnh Long bộc bạch: “Thời gian qua, giá nguyên liệu liên tục tăng cao, khiến đầu ra sản phẩm gạch gốm của Vĩnh Long bị “đội giá” sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với các nguồn hàng ở Đông Nam Bộ. Với tình hình này, nếu không có sự chuyển đổi, cải tiến công nghệ để tiết kiệm nhiên liệu, thì nghề gạch ở Vĩnh Long bị lụi tàn là điều trong nay mai”.

Xứ sở của những viên gạch ở tỉnh Vĩnh Long dần lụi tàn, bám bụi theo thời gian và mang vẻ hoài cổ, rêu phong tựa như những tàn tích còn sót lại của thành phố cổ xưa nào đó và những lâu đài thu nhỏ ngày nào giờ chỉ còn là hoài niệm, là dĩ vãng.