Mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình
Chiều ngày 05/6/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, để phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Hòa Bình phải mạnh dạn đưa ra những đột phá, phải có cách tiếp cận với tư duy, tầm nhìn mới, phải có lộ trình cụ thể, xác định mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò, vị trí của mình. Ảnh: Lê Tiên |
4 điểm nghẽn chính trong quá trình phát triển của tỉnh Hòa Bình
Hòa Bình là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB), có diện tích tự nhiên 4.590,29 km2 với dân số năm 2020 là 861.216 người.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) của Tỉnh tính đến năm 2020 đạt 49.706 tỷ đồng; đứng thứ 6 trong vùng TD&MNPB và chiếm 7,3% GRDP toàn vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 57,72 triệu đồng/người, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2010 (đạt 20,77 triệu đồng), cao hơn trung bình của vùng TD&MNPB (sau Thái Nguyên, Lào Cai và Bắc Giang), tăng gần 18 triệu đồng so với năm 2015.
Tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2011-2020 của Tỉnh đạt 5,88%/năm, xếp thứ 6 trong vùng. Cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh Hòa Bình về cơ bản đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp song song với tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của Tỉnh còn gặp những khó khăn, điểm nghẽn.
Một là, địa hình chia cắt dẫn tới phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, khó khăn trong phát triển nông nghiệp; hệ thống thủy lợi còn nhiều bất cập: Dòng chảy bị cản trở cục bộ do hệ thống giao thông, hệ thống kè chống trượt lở được xây dựng ở cao độ đảm bảo không ngập lụt.
Hai là, xu thế xuất cư đã làm ảnh hưởng đáng kể tới quy mô dân số và lực lượng lao động của Tỉnh. Đào tạo lao động chưa bắt kịp xu hướng và nhu cầu việc làm, chất lượng nhân lực chưa cao, có sự chênh lệch đáng kể về trình độ và cơ hội tiếp cận khoa học, công nghệ giữa các vùng. Một bộ phận đồng bào dân tộc sống ở các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn vẫn duy trì các phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, chưa theo hướng hàng hóa, phương thức tiêu dùng chưa hướng tới phát triển thị trường.
Ba là, công nghiệp phát triển chưa mạnh và chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả còn thấp. Phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) chưa tạo được đột phá, ứng dụng KHCN chưa thực sự mạnh mẽ. Ngành du lịch chưa phát triển mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn nhỏ, phân tán, và thiếu kết nối. Tình trạng khai thác khoáng sản với cường độ cao và thiếu sự kiểm soát tổng thể, gây ảnh hưởng tới môi trường, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như hạ tầng giao thông.
Bốn là, hạ tầng giao đường thủy chưa đảm bảo cả số và chất lượng. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông liên kết phát triển với bên ngoài còn yếu kém, hành lang kinh tế nội tiểu vùng Tây Bắc chưa mạnh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhỏ lẻ, các dự án phần lớn có quy mô nhỏ, chưa tận dụng được lợi ích từ kinh tế quy mô. Hạ tầng thông tin truyền thông và công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu số hóa nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng kết nối internet ở một số vùng sâu, vùng xa vẫn chưa phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên |
Xây dựng quy hoạch phát triển: Cơ hội tốt để Tỉnh tìm ra điểm nghẽn, động lực mới, giá trị mới
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình trong công tác xây dựng quy hoạch. Đồng thời nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của công tác quy hoạch và cho rằng, càng ngày thấy công tác này quan trọng có lẽ là bậc nhất vì muốn phát triển, phát huy những cái đang có, tiềm năng, lợi thế, khắc phục những rào cản đó chính là công tác quy hoạch; đó là định hướng, sắp xếp, cụ thể hóa chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tìm giá trị, cơ hội mới.
Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, phải xác định đây là cơ hội tốt tìm ra điểm nghẽn, động lực mới, giá trị mới để phát huy, đột phá, đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Hòa Bình phải mạnh dạn đưa ra những đột phá, phải có cách tiếp cận với tư duy, tầm nhìn mới, phải có lộ trình cụ thể, xác định mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò, vị trí của mình.
"Tỉnh Hòa Bình có vị trí quan trọng, thuận lợi, trung tâm kết nối với Hà Nội, vùng Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, là cầu nối, bệ đỡ cho cả vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, Hòa Bình chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tài nguyên khoáng sản, thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý. Cần phải tìm ra động lực, cơ hội mới, yếu tố mới", Bộ trưởng lưu ý.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị chuyên gia, thành viên Hội đồng tập trung cho ý kiến vào các yếu tố cốt lõi để tỉnh Hòa Bình có được quy hoạch với tư duy, tầm nhìn, giá trị, chất lượng nhất để vững bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ quy hoạch.
Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên |
3 kịch bản phát triển của Hòa Bình trong giai đoạn 2021-2030
Báo cáo tóm tắt nội dung của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đề ra là Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhâp trung bình thuộc nhóm dẫn đầu vùng TD&MNPB, với vị trí là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Kinh tế phát triển dựa trên dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo, trong đó: công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là cơ sở, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh và đô thị xanh; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên, đảm bảo môi trường. Phát triển kinh tế gắn với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh.
Các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển cụ thể đến năm 2030 Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9%/năm; tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân hàng năm đạt từ 2 đến 2,5%; - Cơ cấu kinh tế: tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 51%; dịch vụ 32%; thuế sản phẩm 4,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 13%; - GRDP bình quân đầu người đạt 185 triệu đồng/người; - Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 8%/năm; - Kim ngạch xuất khẩu đạt 4.500 triệu USD, nhập khẩu đạt 3.580 triệu USD. - Thu ngân sách nhà nước đạt 16.000-18.000 tỷ đồng. |
Bản dự thảo Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản phát triển cho tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ quy hoạch.
- Kịch bản 1: Phát triển dựa theo xu hướng hiện trạng (trong 10 năm qua) và không có thêm yếu tố đột phá nào từ bên trong;
- Kịch bản 2: Tăng trưởng nhanh và hiệu quả với 4 trụ cột phát triển kinh tế được khai thác một cách hiệu quả dựa trên phát huy tối đa các mối liên kết kinh tế với Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc;
- Kịch bản 3: bối cảnh trong nước, quốc tế diễn biến thuận lợi, thực hiện thành công các khâu đột phá phát triển với mục tiêu phấn đấu cao thu hút được các nhà đầu tư lớn và triển khai thành công một số dự án mang tính đột phá cho phát triển kinh tế.
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2020 và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, cũng như tính khả thi của mỗi kịch bản phát triển, đề xuất lựa chọn là kịch bản 2 do những lý do sau đây:
- Đối với kịch bản 1: có tính khả thi cao, theo đó Hòa Bình có khả năng chủ động huy động các nguồn lực để đạt được các mục tiêu phát triển theo kịch bản này. Tuy nhiên, nếu lựa chọn kịch bản 1, Hòa Bình không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương khác trong vùng và cả nước, cũng như các mục tiêu phát triển đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Hòa Bình, bao gồm thu nhập bình quân đầu người và cơ cấu kinh tế.
Đối với kịch bản 2: khai thác, tận dụng hiệu quả các yếu tố bên trong, bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện kịch bản 2 đòi hỏi quyết tâm lớn hơn kịch bản 1, cũng như nguồn vốn đầu tư lớn hơn và phụ thuộc nhiều vào đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.
Từ xu thế phát triển của tỉnh Hòa Bình, việc đánh giá các yếu tố, điều kiện phát triển, cơ hội và thách thức trong thời kỳ quy hoạch tới cho thấy, Hòa Bình có khả năng thực hiện được các mục tiêu phát triển theo kịch bản này.
Với kịch bản 2, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9-9,2%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 90-92 triệu đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 183-185 triệu đồng; khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 3,3-3,5%/năm; khu vực công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng trưởng bình quân 10,8-11%/năm; khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng bình quân 9,7-10%/năm. Các chỉ tiêu đặt ra trong văn kiện đại hội lần thứ XXVII có thể đạt được, cơ cấu ngành chuyển dịch mạnh sang lợi thế công nghệ và dịch vụ, phát triển bảo đảm tính bền vững và hiệu quả.
Đối với kịch bản 3, đây là kịch bản mang tính khát vọng, có điểm mạnh là khai thác, tận dụng triệt để sức mạnh nội tại và các yếu tố thuận lợi từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện kịch bản tăng trưởng cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố từ bên ngoài, phụ thuộc vào việc thu hút được nhà đầu tư lớn. Kịch bản này cho phép thu hẹp nhanh khoảng cách thu nhập giữa Hòa Bình với cả nước, nhưng tính khả thi không cao và tiềm ẩn rủi ro cao hơn về môi trường. Đây có thể xem là mục tiêu phấn đấu của Hòa Bình và chỉ có thể đạt được khi có cơ hội đặc biệt thuận lợi.
Báo cáo tóm tắt nội dung của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đề ra là Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhâp trung bình thuộc nhóm dẫn đầu vùng TD&MNPB. Ảnh: Lê Tiên |
Từ những phân tích nêu trên, Kịch bản 2 là phương án chọn (được lựa chọn) của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kịch bản này được xây dựng trên quan điểm phát triển nhanh và bền vững, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các vấn đề xã hội, môi trường, phát triển đồng đều các yếu tố nội tại của kinh tế Tỉnh, thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, chú trọng đưa các cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng KHCN vào sản xuất và phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
5 khâu đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm
Bản Quy hoạch cũng đề ra 5 khâu đột phá phát triển của Tỉnh trong thời gian tới, bao gồm: (1) Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và Nền văn hóa Hòa Bình; (2) Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (3) Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; (4) Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (5) Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh. Trong 5 khâu đột phá này, 2 khâu được xác định là đột phá có vị trí then chốt là: phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, và phát triển nguồn nhân lực.
6 nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra gồm:
- Tạo dựng và phát triển các ngành sản phẩm động lực (ngành quan trọng) cho tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Động lực của Tỉnh trong dài hạn sẽ là các ngành sản phẩm liên quan đến: ngành công nghiệp điện và sản xuất cơ khí, thiết bị điện, công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và sản phẩm “ngôi nhà thứ hai” theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện; nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, sản phẩm thực phẩm sạch chất lượng cao.
- Tập trung phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh dựa trên ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn để các vùng này trở thành đầu tàu tăng trưởng, có vai trò lan tỏa đến các vùng khác.
- Giải quyết tốt mối liên kết kinh tế, đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và các kết cấu hạ tầng khác để thực hiện các mối liên kết kinh tế này.
- Đẩy mạnh và phát triển đồng bộ, phù hợp và phát huy có hiệu quả kinh tế số. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc đầu tư, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế số và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có khả năng vận hành, sử dụng kinh tế số.
- Phát triển hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh cả về số và chất lượng để tăng cường năng lực cạnh tranh đối với các ngành sản phẩm động lực. Đây được xác định là các hạt nhân tăng trưởng kinh tế, biến các nhiệm vụ ở trên thành hiện thực.
- Tạo sự lan tỏa tích cực các thành quả của phát triển kinh tế đến nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường sống của người dân và được bảo đảm bằng nền an ninh, quốc phòng vững mạnh. Cần có sự phân phối hợp lý các kết quả kinh tế cho các mục tiêu phát triển con người, an sinh xã hội, giảm thiểu chênh lệch mức sống giữa đô thị - nông thôn, giữa các dân tộc trong Tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2003, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo 2 hành lang kinh tế gồm:
- Hành lang kinh tế Đông – Tây (gắn với QL.6 và CT.03): Phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây tỉnh Hòa Bình là một bộ phận của hành lang kinh tế Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên.
- Hành lang kinh tế phía Đông (gắn với đường Hồ Chí Minh và CT.02): Phát triển hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Hòa Bình gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc CT.02 qua Lương Sơn (giáp Thủ đô Hà Nội) - Lạc Thủy - Yên Thủy - Lạc Sơn (giáp tỉnh Thanh Hóa).
Thông qua dự thảo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia cũng đã góp ý hoàn thiện cho Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cảm ơn ý kiến góp ý thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, quý báu của các chuyên gia, thành viên Hội đồng đối với sự phát triển của tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long thẳng thắn, Tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cố gắng để khắc phục, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đẩy mạnh thu hút đầu tư; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tạo cơ chế, chính sách phát triển.
Ông Nguyễn Phi Long cũng làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến điều chỉnh cơ cấu kinh tế; hành lang phát triển của Hòa Bình; các ngành, lĩnh vực trọng yếu; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; quy hoạch sử dụng đất… và khẳng định, Tỉnh sẽ khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện quy hoạch với chất lượng cao nhất trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi thảo luận, cho ý kiến, Hội đồng thẩm định đã tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý, tỉnh Hoà Bình nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, trong đó làm rõ các ý kiến thành viên Hội đồng nêu; khẩn trương lập báo cáo tiếp thu, giải trình bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và môi trường; chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch..../.
Bình luận