Mỗi năm, Việt Nam cần 17,2 tỷ USD cho phát triển hạ tầng
Cần 17,2 tỷ USD mỗi năm cho đầu tư phát triển hạ tầng
Phát biểu tại Đối thoại hợp tác phát triển PPP tại Việt Nam diễn ra chiều nay (2/5), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, để duy trì động lực và tốc độ tăng trưởng, trở thành nước công nghiệp hóa trong những năm tới, thì việc đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại là nhu cầu bức thiết.
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong giai đoạn 2015-2025, nhu cầu đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng ở Việt Nam trung bình là 16,7 tỷ USD/năm. Còn theo tính toán của Ngân hàng HSBC, con số này vào khoảng 17,2 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016-2030. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công nói chung, cũng như vốn đầu tư hạ tầng của Chính phủ Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP là giải pháp cấp bách và cần thiết, như một phương thức vừa để thu hút vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, vừa có thể tận dụng những kinh nghiệm quản lý từ bên ngoài.
Toàn cảnh đối thoại (Ảnh: Đức Trung)
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết thêm, trên thế giới, PPP đã chứng tỏ là một mô hình thành công trong thu hút đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Để tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, Chính phủ cần phát triển cơ sở vật chất hạ tầng. Song hiện nay, Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, do đó không còn dễ dàng huy động vốn tài trợ nước ngoài như trước. Vì vậy, việc huy động vốn tư nhân là rất quan trọng.
Hoàn thiện khung pháp lý PPP để thu hút đầu tư tư nhân
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khung khổ pháp lý về PPP tại Việt Nam đã manh nha từ năm 1997 với sự ra đời của Nghị định số 77/CP về BOT cho nhà đầu tư trong nước.
Tiếp đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm một số văn bản khác, bao gồm: Nghị định số 78/2007/NĐ-CP về BOT, BTO, BT; Nghị định số 108/2009/NĐ-CP khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài giam gia dự án BOT, BTO, BT; Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm PPP.
Hiện nay, hoạt động đầu tư theo hình thức PPP được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP cùng một số thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan.
Tại thời điểm ban hành, 2 nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài) vào đầu tư phát triển hạ tầng quốc gia.
Tuy nhiên, đến nay, cả 2 nghị định này đều bộc lộ những bất cập, số lượng dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 30 không nhiều, hầu hết vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Trước thực trạng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sửa đổi và dự kiến trong tháng 5 sẽ trình Thủ tướng ký dự thảo sửa đổi hai nghị định này.
Ông Trương cũng cho biết, quá trình xây dựng khung pháp lý về PPP tại Việt Nam đã nhận được hỗ trợ không nhỏ từ các đối tác phát triển, đặc biệt là: ADB, JICA, AFD… Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật cho từng mục tiêu riêng lẻ khác nhau, các đối tác phát triển còn hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án, chương trình ODA, viện trợ không hoàn lại, cũng như đóng góp ý kiến đối với nội dung dự thảo các nghị định, thông tư…
Mặc dù vậy, chương trình PPP tại Việt Nam và việc xây dựng Luật PPP đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Độ mở của thị trường ngày càng tăng, nhu cầu cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng lớn. Song, năng lực cung cấp hạ tầng và dịch vụ công của khu vực công Việt Nam có hạn.
Hơn nữa, một số chính sách, quy định cụ thể liên quan đến PPP còn gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề bảo lãnh và các hình thức hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án PPP, hợp đồng PPP, quy định về chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, vốn đầu tư nhà nước tham gia dự án còn nhiều vướng mắc.
Bổ sung thêm, theo đại diện của WB, tiến trình triển khai các dự án PPP ở Việt Nam còn chậm. Làm rõ hơn nội dung này, ông Nguyễn Hồng Văn, Trưởng phòng PPP – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2004 đến nay, Thành phố mới chỉ hoàn thành và đang triển khai thực hiện 23 dự án PPP. Hiện Thành phố còn 131 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư và tiếp tục kêu gọi 243 dự án PPP với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 869.420 tỷ đồng. So với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, thời gian thực hiện dự án PPP bị kéo dài. Khoảng thời gian chuẩn bị đầu tư lên đến 530 ngày.
Thực trạng đó dẫn tới yêu cầu về một kế hoạch tổng thể với tầm nhìn và mục tiêu dài hạn cho chương trình PPP. Bên cạnh đó, cần có sự quyết tâm thống nhất từ các lãnh đạo cấp cao đến các bộ, ngành, địa phương trong thu hút nguồn vốn tư nhân vào cơ sở vật chất hạ tầng theo hình thức PPP.
Theo ông Ousmane Dione, việc Chính phủ xây dựng Luật PPP cần đảm bảo cả yếu tố thời gian và chất lượng. Nếu thiết kế tốt, Luật PPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho thành công của các dự án PPP ở Việt Nam.
Chuyên gia WB cho rằng, để thực hiện thành công dự án PPP, điều quan trọng là khu vực công – tư cần có sự chia sẻ lợi ích và rủi ro. Thực tế cho thấy, khu vực tư nhân chỉ chấp nhận tham gia hợp tác nếu nhận thấy có sự chia sẻ này từ phía Nhà nước.
Và, để có thể chia sẻ rủi ro, hay nói cách khác là quản lý rủi ro, chủ đầu tư phải có chuyên môn và năng lực cần thiết để theo dõi tiến độ thực thi dự án trong tương lai. Mặt khác, việc xây dựng năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước cũng rất quan trọng để quản lý những rủi ro này. Phía WB cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực trong việc thúc đẩy PPP thời gian tới./.
Bình luận