Phần lớn nhà ở cho người lao động KCN chưa đạt tiêu chuẩn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo về “Kết quả nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 01/07/2016.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhận định, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ, bên cạnh các kết quả tích cực, vấn đề xây dựng môi trường sống cho người lao động trong KCN chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn nhà ở cho người lao động KCN chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng, thiếu dịch vụ công cộng, chưa đảm bảo an ninh xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sống của công nhân KCN.

Báo cáo kết quả nghiên cứu của JICA, ông Kenichi Hashimoto, Trưởng đoàn nghiên cứu JICA nhấn mạnh, công nhân hiện phải sống trong các khu nhà chất lượng thấp là một trong những trở ngại đối với doanh nghiệp sản xuất trong các KCN giữ chân người lao động có tay nghề cao.

Sự đình trệ trong việc cải thiện môi trường sống, với kết quả là công nhân thường xuyên bỏ việc có thể ảnh hưởng tới môi trường làm việc và quá trình đào tạo lao động lành nghề.

“Hiện tượng này làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia xung quanh trong vai trò là một thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài và gây ảnh hưởng tiêu cực tới các vấn đề xã hội như gia tăng khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam”, báo cáo của JICA chỉ rõ.

Các vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực môi trường sống của công nhân KCN là chất lượng của nhà ở; việc hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà; lợi nhuận đầu tư thấp ảnh hưởng tới “khả năng chi trả cho nhà ở” của nhóm đối tượng mục tiêu.

Báo cáo cũng cho biết, từ năm 2010, việc đầu tư vào các nhà máy quy mô lớn có sự suy giảm dẫn tới nhu cầu phải xây dựng và nâng cấp môi trường sống cho công nhân cũng suy giảm.

Về vấn đề nhà ở, dẫn kết quả cuộc khảo sát về đời sống công nhân do Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tiến hành năm 2015 tại 10 tỉnh/thành phố trên cả nước, ông Trịnh Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, mới chỉ khoảng 20% công nhân có chỗ ở ổn định, còn lại phần lớn phải thuê trọ.

Thực tế, mức lương trung bình của công nhân được trả hiện nay gần 4 triệu đồng/người/tháng. Dù đã cải thiện khoảng 10% so với năm 2014 song mức lương này mới chỉ đáp ứng được 78%-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động như: ăn, mặc, thuê nhà trọ, đóng bảo hiểm....

Toàn cảnh Hội thảo

Cấp bách giải quyết chỗ ở cho công nhân

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho rằng cần thực hiện định hướng phát triển KCN bền vững trong giai đoạn tới, trong đó việc tạo ra một môi trường sống xung quanh các KCN đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của người lao động nhằm tăng năng suất và gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp là cần thiết.

Thực tế, với mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân lao động làm việc tại các KCN còn thấp, chỗ ở tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và tình hình trật tự an toàn xã hội tại nhiều KCN. Chính vì vậy, việc giải quyết chỗ ở ổn định cho công nhân lao động tại các KCN là rất cấp bách và cần thiết.

Trong Chiến lược Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các KCN xác định chỉ tiêu cần đạt trong giai đoạn 2016-2020 là có khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Để thực hiện được Chiến lược này, ông Trịnh Trường Sơn cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là kế hoạch trung hạn về nguồn vốn từ ngân sách cấp bù cho các dự án.

Quy hoạch phát triển KCN phải bao gồm nhà ở cho công nhân lao động và các công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần cải cách chế độ tiền lương cho người lao động, đề cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong việc chăm lo nhà ở cho công nhân lao động.

Còn ông Kenichi Hashimoto lại nhấn mạnh tới phương thức đầu tư đối tác công - tư, trong đó làm rõ vai trò của Chính phủ và đối tác công – tư.

Thay mặt nhóm nghiên cứu của JICA, ông Kenichi Hashimoto đề xuất, Việt Nam nên xây dựng mô hình “nhà cho thuê chất lượng cao, được hỗ trợ tài chính”. Theo đó chính quyền địa phương, doanh nghiệp sản xuất tại các KCN hỗ trợ tiền thuê nhà, chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp sản xuất trong KCN hỗ trợ tài chính qua các khoản vay dành cho nhà ở.

Ngoài ra, cần thành lập Trung tâm thông tin nhằm cung cấp và tư vấn cho người có nhu cầu thuê nhà ở có chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất gỡ bỏ quy định về lợi nhuận định mức doanh nghiệp trong đó gỡ bỏ quy định về lợi nhuận định mức 10% (đối với nhà để bán và 15% (đối với nhà cho thuê) trên tổng mức đầu tư được nêu trong nghị định số 100, quy định này làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư bất động sản vào dự án xây dựng nhà ở xã hội.

“Cần hỗ trợ các khoản vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án đạt yêu cầu về xây dựng và cải thiện quy định cho phép xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội”, vị Trưởng đoàn nghiên cứu JICA nhấn mạnh./.

Trong khuôn khổ Triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V, ngày 05/01/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết Biên bản thỏa thuận về Dự án nghiên cứu Cải thiện điều kiện sống cho công nhân các KCN tại Việt Nam. Theo đó, JICA hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, khảo sát hiện trạng về điều kiện sống cho người lao động xung quanh các KCN, thực hiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải thiện môi trường sống cho công nhân các KCN tại Việt Nam nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề nhà ở cho người lao động. Đoàn chuyên gia của JICA gồm các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về quy hoạch, tài chính, pháp lý đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hưng Yên và các Bộ, ngành liên quan hoàn thành Báo cáo cuối kỳ của Dự án./.