Nhiều thách thức

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam ước đạt 10,7 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của dệt may xuất khẩu trong nhiều năm qua và chỉ mới đi được 1/3 chặng đường so với mục tiêu.

Theo một số doanh nghiệp trong ngành dệt may, những tháng đầu năm 2016, đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chững lại, đặc biệt đơn hàng giảm trong quý I và đầu quý II.

Xuất khẩu dệt may đang gặp nhiều khó khăn, thách thức

Dẫn lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) trên Báo Đầu tư Onlien cho biết, thời gian gần đây hàng loạt khách hàng quen thuộc của Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào bởi họ được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang Mỹ và EU.

Không chỉ Myanmar, Lào đang hút đơn hàng dệt may của Việt Nam mà cả Campuchia cũng vượt Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc vào EU (một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam).

Cụ thể, Campuchia đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình GSP dành cho các nước kém phát triển, trong khi Việt Nam chỉ được hưởng ở nhóm các nước đang phát triển là 9,6%.

Trong khi đó, thuế suất hàng dệt may vào Mỹ của Việt Nam trung bình là 17%, vào EU gần 10%. Lộ trình để được hưởng thuế về 0% với cả TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), không có gì thay đổi, phải giữa năm 2018 hai hiệp định này mới có hiệu lực. Với lợi thế về thuế suất vào khu vực thị trường lớn như Mỹ, EU thì đơn hàng đổ về các nước này có xu hướng gia tăng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, dẫn lời Phó Chủ tịch Vitas, ông Phạm Xuân Hồng trên Báo Người lao động điện tử cho biết, trong khi kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chững lại thì nhiều nước lại tăng khá. Trước đây, Bangladesh chỉ may xuất khẩu, giờ có cả dệt và nhuộm. Pakistan trước đây chỉ làm sợi, nay làm cả vải, nhuộm. Đáng lưu ý, một bất lợi với doanh nghiệp Việt Nam là trong khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta tham gia chưa biết khi nào có hiệu lực thì các nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp dệt may xuất khẩu với Việt Nam lại “đi trước một bước” với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa của họ.

Cụ thể, doanh nghiệp của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... có thuận lợi khi thuế thu nhập doanh nghiệp của các nước này thấp hơn Việt Nam; các chi phí bảo hiểm xã hội cũng thấp hơn và phá giá đồng tiền nhiều hơn. Ấn Độ từ đầu năm đến nay phá giá đồng tiền hơn 14% so với năm ngoái, giúp doanh nghiệp nước này vẫn xuất khẩu tốt. Việt Nam theo xu hướng ổn định tỷ giá nên xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi chi phí từ vận chuyển, thủ tục, bảo hiểm đều cao khiến khả năng cạnh tranh rất khó so với các nước.

Bên cạnh đó, tác động khách quan từ việc Anh rút khỏi EU (Brexit) đang khiến những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường này lo ngại về khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Anh là thị trường có độ mở tương đối cao với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với 2 nhóm hàng dệt may và da giày. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, Anh cùng với Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha là top 5 thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam trong 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Anh đạt cao nhất trong top 5, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 205 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất khả quan nếu đặt trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới năm nay, khi mà sau 5 tháng, xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng chỉ tăng khoảng 5,5%, còn sang thị trường Nhật Bản tăng 1,7%.

Phân tích về mức độ ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may trong nước qua tác động của Brexit, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas trả lời trên Thông tấn xã điện tử cho rằng, về lý thuyết, khi đồng bảng Anh mất giá, hàng hóa nhập khẩu sẽ bị đắt lên so với sản xuất trong nước, từ đó, sẽ làm giảm cầu sử dụng hàng hóa. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ yếu đi, làm giảm khả năng tiêu thụ hàng hóa, nguy cơ khiến dệt may xuất khẩu khó giữ được mức tăng trưởng 6%-7% như trong 5 tháng đầu năm 2016.

Tháo gỡ khó khăn

Để tăng xuất khẩu cũng như thu hút đơn hàng, đồng thời để tận dụng được một số lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, các chuyên gia trong ngành cho rằng, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải tập trung vào rất nhiều khâu; trong đó, khâu đột phá là làm thế nào để tăng năng suất và đảm bảo quy tắc xuất xứ từ xơ sợi trở đi phù hợp quy định của TPP và từ vải trở đi theo quy định của FTA Việt Nam – EU.

Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu nguyên liệu, cơ cấu lại ngành dệt may.

Các doanh nghiệp dệt may cùng cần từng bước chuyển dần từ gia công sang hình thức FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) và hạn chế việc xuất khẩu qua khâu trung gian.

Đặc biệt mới đây, để gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may, Vitas đã kiến nghị Nhà nước nghiên cứu giãn thời gian tăng lương tối thiểu, từ năm 2017 không tăng hàng năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi Thông tư 37/2015/TT-BCT vì có nhiều nội dung quy định không rõ ràng như kiểm tra hàm lượng formaldehyt (các công đoạn kiểm dịch không cần thiết đối với các lô hàng nhập khẩu vải để làm mẫu có trị giá thấp, số lượng ít)…/.

Trong khi đó, về ứng phó trước tác động của Brexit, ông Lê Tiến Trường cũng khuyến nghị, do Anh là một nước phát triển cao, trong khi hàng hóa may mặc lại là loại hàng hóa thiết yếu, đã từ lâu không còn sản xuất trong nước, nên khả năng thay thế của hàng hóa trong nước sẽ không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn. Do đó, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường này vẫn làm hoàn thành tốt các đơn hàng phục vụ đối tác nhập khẩu tại Anh, tiếp tục xúc tiến thỏa thuận đơn hàng quý IV như điều kiện bình thường để có thể tiếp nhận sát nhất các thông tin từ thị trường Anh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục theo dõi tình hình để tìm giải pháp ứng phó phù hợp./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baodautu.vn/det-may-da-giay-lo-brexit-d47722.html

http://bnews.vn/doanh-nghiep-det-may-bi-don-hang-/19204.html

http://nld.com.vn/kinh-te/det-may-ngam-don-20160630215212577.htm