Năm 2016, GDP tỉnh Vĩnh Long năm 2016 ước đạt 31.698 tỷ đồng
Những kết quả đạt được
Theo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của UBND tỉnh Vĩnh Long, tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh năm 2016 ước đạt 31.698 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 9.055,6 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 7.246,5 tỷ đồng và khu vực dịch vụ đạt 13.806 tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp trong năm 2016 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng hạn mặn, tổng diện tích lúa gieo trồng 3 vụ đạt 176.429 ha giảm 4.007 ha so với năm trước; đồng thời, năng suất và sản lượng lúa giảm mạnh, trong đó năng suất đạt trung bình 5,36 tấn/ha (giảm 11,65%), sản lượng đạt 945,8 nghìn tấn (giảm 13,6%, đạt 93,6% kế hoạch), đặc biệt năng suất vụ Hè Thu đạt thấp với 4,57 tấn/ha (giảm 22,19% so với cùng vụ năm trước).
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, dịch bệnh được kiểm soát, giá bán ổn định và đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi nên số lượng đàn gia súc, gia cầm đều tăng. Năm 2016, đàn gia súc đạt 451,745 nghìn con, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015 và đạt 104,3% kế hoạch, trong đó, đàn heo đạt 378 nghìn con, tăng 5,5%; đàn bò 73,48 nghìn con, tăng 0,9%; đàn gia cầm đạt 8,665 triệu con, tăng 14% so với cùng thời điểm năm 2015.
Năm 2016, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản bị thu hẹp, giá thu mua cá tra nguyên liệu thấp, sản lượng ước đạt 77.000 tấn, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2015. Ước tổng diện tích thủy sản trên địa bàn năm 2016 đạt 2.396 ha, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 112.281 tấn, tăng 0,1% so với năm 2015.
Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các ngành tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh phối hợp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã giúp sản xuất công nghiệp của Tỉnh có những bước phát triển phát triển tích cực.
Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất trong năm tăng cao so cùng kỳ năm 2015 như: cát tự nhiên các loại tăng 100,95%; thuốc lá có đầu lọc tăng 133,81%; giày dép thể thao tăng 132,13%... Ước chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 11,17% so với năm 2015.
Đồng thời, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch cũng phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 ước đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 8,92% so với năm 2015, trong đó ngành thương nghiệp bán lẻ tăng 8,97%; khách sạn, nhà hàng tăng 10,11%; du lịch lữ hành tăng 18,74% và dịch vụ tăng 7,00%. Xuất khẩu trong năm đạt kết quả khả quan hơn năm trước, ước đạt 330 triệu USD, đạt 117,85% kế hoạch năm, tăng 12,26% so với năm 2015. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 170 triệu USD, tăng 10,66% so với năm 2015.
Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
Hoạt động du lịch tiếp tục ổn định, ước hết năm 2016 có 980.000 lượt khách đến tham quan du lịch tại Tỉnh; trong đó, khách quốc tế đạt 210.000 lượt. Doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 230 tỷ đồng. Ước tổng giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ (theo giá so sánh 2010) năm 2016 đạt 13.806 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2015.
Bên cạnh đó, năm 2016, Tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, làm việc với 46 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu chính sách đầu tư, hợp tác đầu tư, trong đó có 21 lượt nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả, có 11 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 01 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 3.074 tỷ đồng, trong đó có 08 dự án FDI với vốn đăng ký 138,17 triệu USD. Tổng số vốn đăng ký của các dự án FDI được cấp mới và đăng ký bổ sung vốn là 159,17 triệu USD, tăng 10,3 lần so cùng kỳ năm 2015.
Tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo và triển khai xây dựng nhiều mô hình để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục được thực hiện tốt, kết quả phổ cập xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được giữ vững. Hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm, chất lượng tiếp tục được cải thiện, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Giải pháp phát triển cho năm 2017
Năm 2017, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra, tạo chuyển biến rõ nét về tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực cho giai đoạn đến 2020 theo hướng phát triển chuỗi ngành hàng (dự kiến: lúa, khoai lang, bưởi năm roi, bưởi da xanh, cam sành, dừa, cá tra, điêu hồng và heo).
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất và áp dụng, nhân rộng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu gắn với khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Hai là, tiếp tục triển khai hiệu quả quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển ngành; trong đó, tập trung đề án tổ chức lại sản xuất ngành gạch gốm, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi ngành nghề; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức khảo sát, đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Tỉnh.
Ba là, đa dạng hóa loại hình thương mại, dịch vụ, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động khuyến công. Thực hiện các hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường và kênh phân phối, thúc đẩy tiêu dùng; đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng mở rộng thị trường.
Triển khai có hiệu quả đề án phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; nâng cao năng lực xuất khẩu của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020.
Bốn là, tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách; tăng cường công tác quản lý thu, rà soát xác định rõ các nguồn và các khoản tăng thu có thể khai thác được, các khoản chi ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo dự toán được duyệt; cơ cấu lại các khoản chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, nâng tỷ trọng chi đầu tư trong cơ cấu chi.
Năm là, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung giải quyết các khó khăn trong việc thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư; chủ động, đẩy mạnh đổi mới phương thức xúc tiến mời gọi đầu tư phù hợp hơn với tình hình thực tế, mời gọi đầu tư vào các khu đất đã có mặt bằng sạch và vào các khu công nghiệp, tuyến công nghiệp.
Sáu là, tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục dàn trãi, lãng phí, tư tưởng hình thức, phong trào; đồng thời xử lý dứt điểm và không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Luật đầu tư công. Tiếp tục ưu tiên đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và gắn với xây dựng phát triển nông thôn mới.
Bảy là, thực hiện tốt, đầy đủ và kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách đối với người nghèo, chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng bị thiên tai,... Thực hiện chặt chẽ công tác rà soát, khảo sát và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tránh tình trạng bỏ sót hộ nghèo; thực hiện các giải pháp đảm bảo người nghèo tiếp cận được các dịch vụ tối thiểu, tiến tới thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng khám điều trị, chăm sóc và theo dõi bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn./.
Bình luận