Năm 2018 có 1.778 dự án đầu tư công chậm tiến độ
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 tại Công văn số 4580/BKHĐT-GSTĐĐT, ngày 03/07/2019 cho biết, theo số liệu tổng hợp trên Hệ thống thông tin, tổng kế hoạch vốn nhà nước đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước là 631.695 tỷ đồng.
Giá trị khối lượng thực hiện 503.985 tỷ đồng, đạt 79,78% so với kế hoạch năm. Giá trị giải ngân 463.717 tỷ đồng, đạt 73,41% so với kế hoạch. Riêng nguồn vốn đầu tư công: Kế hoạch năm là 359.104 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện 269.896 tỷ đồng, đạt 75,16% so với kế hoạch năm. Giá trị giải ngân là 281.162 tỷ đồng, đạt 78,3% so với kế hoạch.
Dự án chậm tiến độ chủ yếu do “nghẽn” giải phóng mặt bằng
Một số cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch vốn đã được bố trí như: các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn... và các cơ quan: Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài Truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...
Trong năm 2018 có 56.567 dự án thực hiện đầu tư (năm 2017 có 51.947 dự án, năm 2016 có 45.147 dự án, năm 2015 có 29.506 dự án), trong đó có 23.618 dự án chuyển tiếp, chiếm 41,8%; 32.949 dự án khởi công mới, chiếm 58,2% (trong số các dự án khởi công mới có 16 dự án nhóm A, 601 dự án nhóm B, dự án nhóm C với 32.332 dự án); trong năm 2018 có 30.521 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng, chiếm 54% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (trong đó có 15 dự án nhóm A, 553 dự án nhóm B, 29.953 dự án nhóm C). Trong số các dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng có 245 dự án có vấn đề về kỹ thuật, không có hiệu quả.
Trong năm 2018 có 56.567 dự án đầu tư công thực hiện
Trong đó, Lào Cai là cơ quan có số dự án khởi công lớn nhất với 1.219 dự án khởi công mới, chiếm 50% so với số dự án thực hiện). Đứng thứ 2 là tỉnh Phú Thọ với 830 dự án khởi công mới, chiếm 51,2% so với số dự án thực hiện. Sau đó là Bắc Giang với 1.244 dự án khởi công mới, chiếm 75,5% so với số dự án thực hiện…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018 có 1.778 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (trong đó số dự án nhóm A là 32 dự án, nhóm B là 382 dự án, nhóm C là 1.364 dự án).
Cơ quan này chỉ ra các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là: do công tác giải phóng mặt bằng (863 dự án, chiếm 1,5% số dự án thực hiện trong kỳ); do thủ tục đầu tư (372 dự án, chiếm 0,7% số dự án thực hiện trong kỳ); do bố trí vốn không kịp thời (278 dự án, chiếm 0,49% số dự án thực hiện trong kỳ); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (142 dự án, chiếm 0,25% số dự án thực hiện trong kỳ) và do các nguyên nhân khác (759 dự án, chiếm 1,34% số dự án thực hiện trong kỳ).
422 dự án gây thất thoát, lãng phí
Trong năm 2018 có 2.434 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, chiếm 4,3% tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó chủ yếu là: điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (1.147 dự án, chiếm 2% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (881 dự án, chiếm 1,58% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh vốn đầu tư (798 dự án, chiếm 1,4% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh do các nguyên nhân khác (790 dự án, chiếm 1,37% số dự án thực hiện trong kỳ).
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, trong năm 2018 có 43.344 dự án trên tổng số 56.567 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, đạt tỉ lệ 76,6%.
Trong năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra 15.639 dự án (chiếm 27,8% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ), tổ chức đánh giá 22.265 dự án (chiếm 39,57% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ).
Qua kiểm tra, trong năm đã phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện.
Không chỉ tổng hợp số lượng dự án có vi phạm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn “điểm mặt, chỉ tên” các địa phương có nhiều dự án gây thất thoát, lãng phí. Nhiều nhất là tỉnh Bắc Giang có 196 dự án, tiếp đó là Phú Thọ có 111 dự án, Quảng Ngãi có 58 dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra nguyên nhân khiến các dự án gây thất thoát lãng phí chủ yếu là do các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.
Ngoài ra, theo số liệu tổng hợp của các cơ quan trên Hệ thống thông tin, trong năm 2018, số nợ đọng xây dựng cơ bản là 12.554 tỷ đồng. Một số đơn vị còn nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn như: Hà Giang (709 tỷ đồng), Thái Nguyên (2.035 tỷ đồng), Phú Thọ (1.463 tỷ đồng)…
“Các đơn vị trên cần rà soát, làm rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản đến thời điểm hiện nay có thuộc đối tượng được thanh toán theo Điều 106, Luật Đầu tư công hay không. Trường hợp số nợ đọng phát sinh sau ngày 01/01/2015 là không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, công tác quản lý đầu tư từ ngân sách Trung ương được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn vốn ngân sách được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. Việc đầu tư từ các nguồn vốn nhà nước khác, đặc biệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu có chuyển biến.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn dài, một số quy định còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm; nhiều dự án còn chậm tiến độ, phải điều chỉnh…
Vì vậy, cơ quan này kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan các cấp cần bố trí đủ vốn theo kế hoạch cho các chương trình, dự án đầu tư; xem xét việc phân cấp cho các cơ quan cấp dưới được điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư trong cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân cấp quản lý.
Đối với công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư, cần xem xét phân cấp trong việc thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán./.
Bình luận