Cần nêu đích danh địa chỉ nào gây lãng phí
“Việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, diễn ra ngày 25/4, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vẫn còn tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước lãng phí. Ảnh: QH |
Tuy nhiên, ông Phớc cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực như: việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện triệt để, còn 3/77 văn bản chậm ban hành; một số văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành, địa phương khi ban hành còn chưa đúng về nội dung, thẩm quyền; việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc tiết kiệm 76.000 tỷ đồng thì cần chỉ rõ địa phương nào, bộ, ngành nào làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần chỉ rõ ra chứ không nói chung chung. |
Thẩm tra nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, các tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã được UBTVQH, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại năm 2020, nhưng chưa được khắc phục triệt để như: chậm ban hành, việc ban hành còn hình thức, chưa sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ công tác chuyên môn, nội dung còn chung chung, thiếu chi tiết, khó triển khai thực hiện…
“Các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều có chung một mô típ, nên khi nghiên cứu để đánh giá về sự tiến bộ cũng như những hạn chế, bất cập, tồn tại và những khuyết điểm mới phát sinh của từng năm rất khó. Toàn bộ những vấn đề ưu điểm, khuyết điểm nêu trong báo cáo không rõ...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhìn nhận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại... Ảnh: QH |
Ông Vương Đình Huệ cũng góp ý cụ thể vào những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 liên quan đến từng lĩnh vực như: cải cách thủ tục hành chính; lĩnh vực đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia; cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Không thể nói một số nơi, một số bộ, ngành. Một số đó là ai? Cần nếu đích danh địa phương, cơ quan nào... Cần chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại để làm rõ những việc làm được, chưa làm được, từ đó, chỉ rõ nguyên nhân của từng hạn chế để có giải pháp phù hợp, triệt để.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, UBTVQH cho rằng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với năm 2020 có một số tiến bộ. Tuy nhiên, cả 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.
“UBTVQH cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 Chính phủ đã nêu trong báo cáo và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra. Đồng thời, đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó lưu ý: các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu…”, ông Hải cho biết./.
Bình luận