Theo đó, trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3,0%, trong đó lĩnh vực trồng trọt đạt tối thiểu 2,2%, chăn nuôi 3%, thủy sản 5,5%, lâm nghiệp 6%. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 37% và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Năm 2018, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tăng trưởng tối thiểu 3%

Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, nên ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đã hoàn thành Kế hoạch nhiệm vụ đề ra; trong đó, có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như kim ngạch xuất khẩu (đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016), xây dựng nông thôn mới (có 2.884 xã, tương đương 32,3% và 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 524 xã và 13 huyện so với năm 2016), xây dựng thể chế và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất ngành tăng 3,16% so với năm 2016, là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần phải có giải pháp cấp bách trước mắt và các giải pháp chiến lược căn cơ lâu dài để tập trung khắc phục trong năm 2018 và thời gian tới.

“Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của cả nước và của ngành; bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức”, Nghị quyết nhấn mạnh.

Nghị quyết 341 cũng nêu rõ, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2018, thời gian tời, ngành Nông nghiêp và Phát triển nông thôn cần thực hiện một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Tập trung xây dựng, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội khóa 14 xem xét thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản (sửa đổi) và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan. Hoàn thành tốt các văn bản quy phạm pháp luật được giao.

Hai là, hoàn thiện, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống tổ chức quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương theo Nghị định 15/2017/NĐ-CP, ngày 17/02/2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết (Năm 2018 phấn đấu giảm 2,5% biên chế công chức, viên chức so với năm 2017). Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 và Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ giai đoạn 2016-2020.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh cụ thể, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tạo sự chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14/10/2015 của Chính phủ, trọng tâm là tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Hải quan một cửa liên thông; tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước.

Ba là, tập trung thúc đẩy thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg, ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tại các Quyết địnhsố 1600/QĐ-TTg, ngày 16/08/2016 và Quyết định số 1760/QĐ-TTg, ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác để thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả giai đoạn 2017-2020... Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Năm là, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại. Huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, hợp tác sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái.

Sáu là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản; thực hiện kiểm tra tận gốc hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu tạo thuận lợi cho việc thông quan tại cửa khẩu và giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trong giai đoạn thông quan./.