Kinh nghiệm tăng năng suất lao động trong nông nghiệp ở một số nước và bài học cho Việt Nam
TS. Trịnh Xuân Việt
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
Tóm tắt
Được coi là điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua, song năng suất lao động (NSLĐ) vẫn là thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành nông nghiệp. Bài viết khái quát kinh nghiệm tăng NSLĐ trong nông nghiệp ở một số quốc gia, từ đó, rút ra bài học cho Việt Nam.
Từ khóa: năng suất lao động, phát triển nông nghiệp, kinh nghiệm quốc tế
Summary
Considered a bright spot of the economy for many years, labor productivity is still a major factor in achieving the goal of rapid and sustainable growth in the agricultural sector. This article explores the experiences of increasing labor productivity in agriculture in some countries, from which lessons can be drawn for Vietnam.
Keywords: labor productivity, agricultural development, international experience
GIỚI THIỆU
Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, NSLĐ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, là con đường ngắn nhất để kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Được coi là điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua, song NSLĐ vẫn là thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc bắt kịp NSLĐ của thế giới trong kinh tế nông nghiệp còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện phát triển tương đồng, từ đó rút ra bài học nhằm tăng NSLĐ trong nông nghiệp ở Việt Nam là điều hết sức cấp thiết.
KINH NGHIỆM TĂNG NSLĐ TRONG NÔNG NGHIỆP Ở MỘT SỐ NƯỚC
Kinh nghiệm tăng NSLĐ của Trung Quốc
Là quốc gia có diện tích lớn thứ 4 thế giới (9.390.784 km2), nhưng phần lớn đất đai ở Trung Quốc là hoang mạc, sa mạc, núi đá. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất ít, khoảng 100 triệu ha (Phạm Thị Bình (2018). Để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 1,4 tỷ dân trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp hạn chế, Chính phủ Trung Quốc thấy rằng, cách hiệu quả nhất để đáp ứng được nhu cầu của người dân là tăng NSLĐ nông nghiệp. Để thực hiện được điều đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều giải pháp. Dưới đây là một số kinh nghiệm mà Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện từ khi cải cách, mở cửa (năm 1979) đến nay.
Thứ nhất, đổi mới chính sách quản lý đất nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và tăng suất lao động nông nghiệp
Trước năm 1980, đất đai ở Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước hoặc tập thể. Để tồn tại, nông dân phải tham gia vào các công xã do nhà nước tổ chức, nhưng do công xã được thành lập ồ ạt, không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Hơn nữa, các công xã lại không được quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh; tổ chức quản lý trong các công xã rất lỏng lẻo; phân phối được thực hiện theo lối cào bằng, nên NSLĐ trong nông nghiệp ở Trung Quốc rất thấp. Để thúc đẩy NSLĐ trong nông nghiệp tăng lên, Nhà nước Trung Quốc đã từng bước thay đổi chính sách quản lý đất đai.
Trước hết, Nhà nước tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Theo đó, Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho nông dân, trong khi quyền sở hữu vẫn thuộc nhà nước. Trong những năm đầu thập niên 1980, các hộ nông dân được Nhà nước giao đất trong 15 năm và để nông dân tự chủ trong sản xuất. Quyết định này bước đầu đã tạo ra sự cạnh tranh giữa những người nông dân với nhau, buộc các hộ nông dân phải đẩy mạnh cải tiến sản xuất, nhờ đó mà NSLĐ trong nông nghiệp ở Trung Quốc được cải thiện trong những năm đầu cải cách, mở cửa. Nhưng do thời hạn giao đất ngắn (chỉ 15 năm), nên chưa tạo được nhiều động lực để nông dân đầu tư nhằm nâng cao NSLĐ.
Để khắc phục tình trạng đó, năm 1993 Trung Quốc đã sửa Hiến pháp, trong đó quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý; nông dân được giao quyền sử dụng đất theo hợp đồng với Nhà nước, Nhà nước được phép thu hồi khi cần thiết. Trên cơ sở đó, năm 1994 Quốc hội Trung Quốc đã ban hành Luật Quản lý hành chính về đất đai, Luật này đã nâng thời gian giao các loại đất nông nghiệp cho nông dân lên 30 năm để khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất. Dù vậy, NSLĐ trong nông nghiệp Trung Quốc vẫn tăng lên vẫn rất chậm. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp ở Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn là sản xuất nhỏ. Điều này lại có nguyên nhân từ Luật Quản lý hành chính về đất đai (1994) chưa coi quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa nên nông dân chưa thể tập trung ruộng đất bằng các biện pháp của kinh tế thị trường để sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Đồng thời, nông dân cũng không thể thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn đầu tư sản xuất nên NSLĐ trong nông nghiệp Trung Quốc dù vẫn tăng lên nhưng không đáng kể.
Từ thực tế đó, Quốc hội Trung Quốc đã tiếp tục điều chỉnh Luật Quản lý hành chính về đất đai với ba điểm chính đó là: (i) Thừa nhận quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa, cho phép nông dân được trao đổi, sang nhượng, cho thuê không hạn chế để khuyến khích nông dân tập trung ruộng đất; (ii) Cho phép nông dân được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn hoặc đem quyền sử dụng đất góp vào công ty nông nghiệp; (iii) Nâng thời gian giao đất cho nông dân lên 70 năm (trước đó là 30 năm) nhằm đảm bảo đầy đủ hơn quyền lợi cho người nông dân. Những điều chỉnh này đã phát huy tác dụng rất lớn, vừa thúc đẩy nông dân tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, vừa tạo điều kiện cho nông dân có vốn để đầu tư vào sản xuất, nhờ đó mà NSLĐ trong nông nghiệp ở Trung Quốc tăng rất nhanh và liên tục đến nay.
Thứ hai, tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhằm tăng NSLĐ trong nông nghiệp
Chính phủ Trung Quốc coi thu hút đầu tư là một trong những cách thức tốt để thúc đẩy NSLĐ trong nông nghiệp tăng lên. Để thu hút đầu tư, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách khác nhau.
Đối với thu hút đầu tư tư nhân trong nước, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như: Trợ giá cho các sản phẩm nông nghiệp; miễn, giảm thuế cho nông dân; hỗ trợ nông dân bán hàng không thấp hơn giá thị trường; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp; giành một nguồn lực rất lớn từ ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất nhằm thúc đẩy NSLĐ tăng lên. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới tín dụng nông thôn với nhiều loại hình, nhiều tổ chức cùng tham gia, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là nòng cốt. Các tổ chức này đã hỗ trợ vốn tích cực, hiệu quả cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các tổ chức tài chính này tăng các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho các dự án liên quan đến nông nghiệp. Riêng với Ngân hàng Phát triển nông thôn, Chính phủ Trung Quốc chỉ thị phải mở rộng lĩnh vực hỗ trợ nông nghiệp và tăng tín dụng dài hạn cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn.
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động động xúc tiến đầu tư và ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ hiện đại trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng NSLĐ và chất lượng sản phẩm. Nhờ có chính sách này mà Trung Quốc đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, giúp NSLĐ trong nông nghiệp tăng lên. Chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2022, Trung Quốc đã thu hút được 8.665 dự án với tổng vốn đầu tư là 178.188,2 tỷ USD (Bảng).
Bảng: Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp Trung Quốc giai đoạn 2012-2023
![]() |
Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc |
Thứ ba, tập trung phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ gắn với phát triển các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng NSLĐ trong nông nghiệp
Nhận thức được vai trò của khoa học, kỹ thuật, công nghệ đối với NSLĐ trong nông nghiệp, ngay từ những năm 1990, Trung Quốc đã tích cực, chủ động học hỏi, tiếp thu các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm sản xuất của các nước có nền nông nghiệp phát triển. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc tăng cường đào tạo và gửi đi nước ngoài đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho ngành nông nghiệp. Đến nay, Trung Quốc có hơn 1,5 triệu nhà khoa học, cán bộ và kỹ sư nông nghiệp làm việc trong khoảng 1.600 cơ sở nghiên cứu, giảng dạy liên quan đến nông nghiệp (Phạm Thị Bình, 2018). Để đội ngũ này yên tâm cống hiến, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ như: đảm bảo nhà ở, nơi làm việc; có chính sách tiền lương, tiền thưởng hấp dẫn, thậm chí có chính sách cho thân nhân của họ.
Bên cạnh đó, để các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng vào quá trình sản xuất nhanh chóng, rộng rãi nhằm thúc đẩy NSLĐ tăng lên, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm kỹ thuật ở hầu hết các địa phương để hướng dẫn và chuyển giao công nghệ cho nông dân. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc chủ trương xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là khu kinh tế tổng hợp với nhiều khâu từ sản xuất giống cho đến khâu bán hàng và dịch vụ sau bán hàng. Chính phủ Trung Quốc coi đây là hạt nhân trong áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, là đàu tàu kéo NSLĐ trong nông nghiệp tăng lên. Để hình thành, phát triển các khu này, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ đầu tư ban đầu cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Mức hỗ trợ phụ thuộc vào quy mô của từng khu, lợi thế phát triển và nhu cầu của thị trường, đặc biệt là phải phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp. Nhờ đó, số lượng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng lên liên tục từ 405 khu vào năm 2006 lên hơn 6.000 khu vào năm 2009 và đóng góp hơn 40% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Trung Quốc (Phạm Thị Bình, 2018).
Hình 1: NSLĐ nông nghiệp ở Trung Quốc giai đoạn 2012-2022
Đơn vị: Nghìn Nhân dân tệ
![]() |
Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc |
Những chủ trương, chính sách, giải pháp trên của Chính phủ Trung Quốc đã góp phần quan trọng thúc đẩy NSLĐ nông nghiệp của Trung Quốc tăng lên liên tục trong một thời gian dài, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, thì năm 2012 NSLĐ nông nghiệp của Trung Quốc đạt 228,58 nghìn NDT/người, nhưng đến năm 2022 NSLĐ nông nghiệp đã tăng lên 569,16 nghìn NDT/người, tăng 2,48 lần so với năm 2012 (Hình 1).
Kinh nghiệm tăng NSLĐ trong nông nghiệp ở Thái Lan
Trước thập niên 1980, như các nước Đông Nam Á khác, Thái Lan là nước nông nghiệp lạc hậu với hơn 80% dân số ở nông thôn (Waleerat Suphannachart, 2017), NSLĐ nông nghiệp thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng NSLĐ
Để thúc đẩy NSLĐ trong nông nghiệp tăng lên, Chính phủ Thái Lan đã sớm xác định phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó lấy phát triển công nghệ sinh học là trung tâm. Để công nghệ sinh học phát triển, năm 1993, Bộ Khoa học Công nghệ và Năng lượng Thái Lan đã thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học và Năng lượng gen quốc gia, sau này được đổi tên thành Cơ quan Phát triển Công nghệ và Khoa học quốc gia. Cơ quan này có nhiệm vụ nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra một nền nông nghiệp không chỉ có NSLĐ cao mà còn là một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cơ quan này còn tài trợ cho các nghiên cứu của các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khác và có quyền cấp giấy phép sử dụng công nghệ cho tư nhân và đầu tư liên doanh mua bán công nghệ mới. Cơ quan Phát triển Công nghệ và Khoa học quốc gia dành 80% ngân sách hàng năm cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp (Suphannachart, 2016). Để các thành tựu khoa học, công nghệ được ứng dụng vào sản xuất nhanh chóng, cơ quan này đã thành lập một số công ty liên kết với tư nhân để thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ...
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bằng việc phát động phong trào nghiên cứu, sản xuất phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ phong trào này, Thái Lan đã chuyển trạng thái từ nhập khẩu sang tự sản xuất được hầu hết các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: máy kéo, máy cày, máy bừa, máy bơm nước, máy phun, máy gặt, máy đập, máy gặt đập liên hợp, máy làm sạch, máy sấy, máy xay xát và các thiết bị chế biến... Mỗi năm Thái Lan sản xuất khoảng 40.000 máy kéo 4 bánh và 3.000 máy gặt đập liên hoàn (Suphannachart và Warr, 2022). Để hỗ trợ phong trào này phát triển, Chính phủ Thái Lan đã thành lập các Trung tâm dịch vụ cơ giới ở các làng, có nhiệm vụ cung cấp các loại máy móc, thiết bị cho nông dân, đào tạo sử dụng, sửa chữa và bảo trì máy móc… Nhờ đó, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được thực hiện rất nhanh, bao phủ đến từng cánh đồng, thửa ruộng, kéo theo đó là lao động nông nghiệp được giải phóng và NSLĐ trong nông nghiệp Thái Lan tăng lên.
Hai là, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước vào ngành nông nghiệp
- Để thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như: xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, cảng, kho lạnh, sàn đấu giá); đầu tư vào nghiên cứu và phát triển…); giảm thuế, ưu đãi lãi suất, cho vay ngoại tệ... Quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Thái Lan đồng thời định hướng các nhà đầu tư đầu tư vào các vùng nông thôn khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển và đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất trực tiếp, chế biến nông sản, phát triển kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Với những chính sách này, Thái Lan đã thu hút được hàng nghìn dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp, riêng năm 2012 là 327 dự án và năm 2015 là 251 dự án (Suphannachart, 2016). Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của nông nghiệp Thái Lan góp phần làm cho NSLĐ nông nghiệp Thái Lan tăng lên.
- Để thu hút đầu tư tư nhân trong nước, Chính phủ Thái Lan cũng giành nhiều ưu đãi về thuế cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời điều hành các ngân hàng cho nông dân và doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, Chính phủ thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, nhằm giúp nông dân, doanh nghiệp bán được sản phẩm cho các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, một số mặt hàng, trong đó có lúa, gạo được Chính phủ cam kết bao tiêu, hoặc trợ giá để nông dân không bị thiệt khi phải bán dưới giá thị trường. Nhờ đó, đầu tư tư nhân vào sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan đã tăng lên liên tục, góp phần thúc đẩy NSLĐ nông nghiệp ở Thái Lan tăng lên thời gian qua.
Ba là, tổ chức một số mô hình kinh tế nhằm phát huy vai trò của các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp
Để giúp NSLĐ nông nghiệp tăng lên, Chính phủ Thái Lan đã tổ chức một số mô hình kinh tế và có chính sách hỗ trợ nông dân rất hiệu quả. Các mô hình tiêu biểu góp phần tăng NSLĐ nông nghiệp đã và đang được áp dụng ở Thái Lan hiện nay là mô hình Mỗi làng một sản phẩm, mô hình Quỹ làng.
- Đối với mô hình Mỗi làng một sản phẩm. Thực hiện mô này, mỗi làng chỉ trồng một loại cây, nuôi một loại con nhất định. Việc trồng cây gì? nuôi con gì? do chính quyền địa phương phối hợp với doanh nghiệp và nông dân lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên. Doanh nghiệp cung cấp cây giống, con giống có giá trị cao cùng quy trình nuôi trồng, chăm sóc và phân bón, thức ăn cho nông dân. Sản phẩm do nông dân làm ra được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Chương trình này không chỉ giúp tăng NSLĐ, mà còn khắc phục được tình trạng sản xuất tự phát, vô kế hoạch, đồng thời giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
- Đối với mô hình Quỹ Làng. Đây là một quỹ tài chính có mục đích cho nông dân vay để phục sản xuất. Tài chính của Quỹ đến do Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân đóng góp, trong đó phần lớn tài chính của Quỹ do Chính phủ Thái Lan tài trợ, số tiền tài trợ lên tới 1 triệu Baht/làng. Hiện nay, có 75.000 làng ở Thái Lan được nhận khoản tài trợ này (Suphannachart và Warr, 2022).
Bốn là, Chính phủ Thái Lan có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy NSLĐ nông nghiệp tăng lên
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhằm tăng NSLĐ, Chính phủ Thái Lan đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp như: miễn, giảm thuế, mở rộng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo nhu cầu vốn cho nông dân với lãi suất ưu đãi. Trợ giá cho các loại nông sản được xác định là chủ lực, như: gạo, cao su, trái cây....; trợ giá phân bón, miễn phí vận chuyển phân bón; miễn phí hoặc tài trợ một phần giống mới có năng suất cao. Việc trợ giá nông sản được Chính phủ Thái Lan thực hiện rất linh hoạt, tùy vào từng điều kiện cụ thể mà có chính sách hỗ trợ, trợ giá khác nhau. Đưa các chuyên viên cao cấp về các địa phương giám sát quá trình sản xuất, phân phối, chế biến, xác định giá cả, hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu mới. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho lực lượng lao động nông nghiệp. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp rộng khắp, như: hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống tưới tiêu… Đến nay, Thái Lan là quốc gia có kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, bảo đảm tưới tiêu cho hầu hết đất canh tác trên toàn quốc, các khu vực nông thôn đều có điện.
Những chính sách trên của Thái Lan đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành nông nghiệp của Thái Lan phát triển mạnh mẽ, đồng thời NSLĐ nông nghiệp của Thái Lan cũng không ngừng tăng lên. Cụ thể là: giai đoạn 1981-1990, NSLĐ nông nghiệp đạt bình quân 11.988,10 Bath/người, giai đoạn 1991-2000 tăng lên 16.450,72 Bath/người; giai đoạn 2001-2014 là 24.406 Bath/người (Waleerat Suphannachart, 2017).
Kinh nghiệm tăng NSLĐ nông nghiệp của Israel
Israel là một quốc gia nhỏ bé, có diện tích khoảng 2.000 km2 (bằng 1/16 diện tích Việt Nam), nhưng 75% diện tích đất Israel là sa mạc khô cằn, nắng nóng quanh năm, lượng mưa trung bình hàng năm thấp (khoảng 500mm, bằng 1/3 của Việt Nam). Ở Israel chỉ có duy nhất hồ nước ngọt Hồ Galile. Địa hình của Israel phức tạp với nhiều gò, đụn cát... Dù vậy, Israel vẫn là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển với NSLĐ nông nghiệp cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Để có được thành quả đó, Israel tập trung vào thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cải tạo các vùng sa mạc trên quy mô lớn để mở rộng diện tích đất và quy mô sản xuất nông nghiệp
Trong điều kiện diện tích đất có thể sử dụng để sản xuất nông nghiệp ít, Chính phủ Israel đã tiến hành cải tạo các vùng sa mạc khô cằn thành đất có khả năng sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ Israel thuê máy móc san phẳng các đồi cát và vận chuyển đất thịt đến phủ lên trên những vùng đất cát đã được san phẳng với độ dày từ 0,5-1m. Sau đó, Chính phủ Israel cho trồng cỏ hoặc các loại cây lên những vùng đất này trong vòng 3-5 năm để cải tạo đất. Sau thời gian cải tạo, các vùng đất này sẽ được Chính phủ cho nông dân hoặc doanh nghiệp thuê để sản xuất. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, NSLĐ cao, Chính phủ Israel chỉ cho các doanh nghiệp hoặc người dân có tiềm lực và khả năng đầu tư quy mô lớn thuê đất. Đồng thời, Chính phủ Israel đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn như: hỗ trợ tài chính, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ…
Thứ hai, đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp
Ở Israel, sản xuất nông nghiệp luôn gắn chặt với các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và là ngành được hưởng lợi rất nhiều từ những hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Minh chứng là, 95% kết quả sản xuất nông nghiệp dựa vào khoa học, công nghệ, chỉ 5% kết quả sản xuất dựa vào lao động (Phạm Thị Bình, 2018). Để có kết quả này Ixraen tập trung vào thực hiện hai nhiệm vụ, đó là:
Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển. Nguồn vốn của các quỹ mạo hiểm gồm vốn của chính phủ, vốn của tư nhân và vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, vốn chính phủ chiếm khoảng hơn 40% tổng vốn đầu tư. Các quỹ này thuộc sở hữu nhà nước và được Chính phủ Israel ủy quyền cho Bộ Công nghiệp và Thương mại quản lý. Các quỹ này trợ cấp cho các dự án nghiên cứu và phát triển của các công ty công nghệ, các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các vườn ươm công nghệ. Mức hỗ trợ chiếm từ 30%-60% chi phí nghiên cứu (Phạm Thị Bình, 2018).
Thành lập các tổ chức nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu nhất trong lĩnh vực nông nghiệp là Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp (Agricultural Research Organization) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Tổ chức này có 6 viện nghiên cứu và 4 trạm nghiên cứu thực địa chịu trách nhiệm tới 75% các nghiên cứu nông nghiệp ở Ixraen (Jewish Virtual Library, 2022). Các viện, trạm nghiên cứu này đảm nhiệm nghiên cứu các mảng khác nhau của nông nghiệp. Tất cả các kết quả nghiên cứu đều được đem vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp nhờ đó NSLĐ trong nông nghiệp tăng lên.
Thứ ba, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ khởi nghiệp
Cùng với đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học cơ bản, Israel rất quan tâm đến hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nhằm giúp sản xuất nông nghiệp Israel vừa thích ứng tốt với điều kiện sản xuất khắc nghiệt vừa thúc đẩy NSLĐ tăng lên. Nhưng do chi phí mua sắm các thành tựu khoa học, công nghệ, máy máy móc hiện đại là rất lớn, trong khi nguồn lực của nông dân có hạn. Vì vậy, Chính phủ Israel đã phối hợp cùng các tổ chức dành một khoản tài chính lớn khoảng gần 100 triệu USD mỗi năm, tương đương 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia để hỗ trợ nông dân mua sắm. Trong đó, ngân sách quốc gia và cộng đồng đóng góp khoảng 50%; khu vực tư nhân đóng góp khoảng 25%; các chương trình hợp tác quốc gia song phương đóng góp khoảng 12%, các tổ chức nông nghiệp cấp địa phương đóng góp khoảng 6% thông qua nguồn lợi từ thu hoạch cây trồng (Jewish Virtual Library, 2022). Nguồn kinh phí này được cung cấp trực tiếp cho việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng và các nhà đầu tư giữ bản quyền sáng chế. Nhờ đó, hầu hết nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ở Israel được tiếp cận và sử dụng thành thạo các công nghệ, máy móc hiện đại trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, Chính phủ Israel còn có chính sách hỗ trợ sinh viên ngành công nghệ khởi nghiệp. Theo đó, Văn phòng Khoa học trưởng (Office of the Chief Scientist) thay mặt chính phủ xem xét và quyết định hồ sơ vay vốn ưu đãi của các công ty khởi nghiệp của sinh viên ngành công nghệ. Số tiền hỗ trợ có thể lên tới 500.000 USD (Jewish Virtual Library, 2022). Nếu công ty khởi nghiệp thành công, thì Văn phòng khoa học trưởng sẽ thu hồi vốn và lời từ bán cổ phần, còn nếu công ty thất bại thì cơ quan này coi đó là một khoản đầu tư rủi ro. Bên cạnh Chính phủ, ở Israel hiện có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp theo hình thức trên. Nếu tính theo số tiền đầu tư/người, thì Israel thu hút được từ các quỹ mạo hiểm lớn gấp 30 lần châu Âu.
Những giải pháp trên của Israel đã giúp NSLĐ nông nghiệp Israel tăng lên mạnh mẽ. Minh chứng là, nếu năm 1950, một lao động nông nghiệp làm việc toàn thời gian có thể đáp ứng được lương thực cho gần 18 người. Con số này tiếp tục tăng lên theo thời gian, đến năm 1990 đáp ứng được cho 68 người, đến năm 2000 đáp ứng được cho 88 người, 2010 đáp ứng được cho 160 người và 2022 đáp ứng được cho 286 người. NSLĐ trong nông nghiệp của Israel cũng không ngừng tăng lên theo thời gian, đặc biệt trong mười năm. Nếu 2013, NSLĐ bình quân mỗi lao động nông nghiệp đạt 439,85 nghìn ILS, thì đến năm 2022 đã tăng lên 560,58 nghìn ILS (1,27 lần so với năm 2013) (Hình 2).
Hình 2: NSLĐ nông nghiệp ở Israel giai đoạn 2012-2022
Đơn vị: Nghìn ILS
![]() |
Nguồn: Jewish Virtual Library (2022) |
BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM
Tại Việt Nam, dù đã có nhiều nỗ lực, song theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn sản xuất của người nông dân còn chưa hiệu quả, NSLĐ thấp. Nhìn chung, NSLĐ nông nghiệp vẫn thấp nhất trong các ngành kinh tế, đạt hơn 80 triệu đồng/lao động (năm 2022). Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế; trong đó, tư duy, cách làm lạc hậu, thủ công của người nông dân là yếu tố bao trùm khiến cho NSLĐ nông nghiệp chậm cải thiện. Nguyên nhân là do, chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp thấp, với phần lớn người lao động chưa qua đào tạo. Cụ thể, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên còn thấp, chiếm khoảng 5% tổng số lao động nông nghiệp. Tỷ lệ người học đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015... (Nguyễn Lộc, 2024). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến và đổi mới nông nghiệp...
Vì vậy, từ kinh nghiệm tăng NSLĐ nông nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan và Israel, theo tác giả, cần rút ra một số bài học như sau:
Thứ nhất, đổi mới chính sách quản lý đất nông nghiệp phù hợp với mô hình kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn để tăng NSLĐ. Để tăng NSLĐ trong nông nghiệp, Trung Quốc, Thái Lan, Israel đều phải tổ chức sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Tuy nhiên, cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn có sự khác nhau. Như ở Trung Quốc và Thái Lan người dân, doanh nghiệp tiến hành tập trung ruộng đất trên quy mô lớn bằng các biện pháp của kinh tế thị trường. Nhưng để thực hiện được điều đó, Chính phủ Trung Quốc đã đổi mới chính sách quản lý đất đai như: tách rời quyền sử dụng đất và quyền sở hữu đất; coi quyền sử dụng là một tài sản có thể đem trao đổi mua - bán trên thị trường và kéo dài thời gian giao đất cho nông dân để nông dân yên tâm sản xuất. Đối vưới Israel, do diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp rất ít, nên Chính phủ Israel quản lý rất chặt chẽ diện tích đất có thể sản xuất nông nghiệp, mặt khác đẩy mạnh cải tạo đất sa mạc không có khả năng sản xuất thành đất có khả năng sản xuất, sau đó tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm lực lớn để giao đất chứ không giao đất cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ.
Vì vậy, với Việt Nam, muốn tăng NSLĐ trong nông nghiệp, Nhà nước cũng phải khuyến khích sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Để làm được điều đó, trước mắt Nhà nước cần gỡ bỏ hạn mức giao đất, cho thuê đất và kéo dài thời gian sử dụng đất hoặc có thể gỡ bở quy định về thời hạn sử dụng đất. Đồng thời, Nhà nước cần đầu tư cải tạo những nơi đất khô cằn, sau đó cho các nhà đầu tư có tiềm lực thuê lại, hoặc giao đất cho các nhà đầu tư có tiềm lực cải tạo, sản xuất kèm theo các ưu đãi đặc biệt.
Thứ hai, quy hoạch, bảo vệ và phát triển quỹ đất sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy NSLĐ nông nghiệp tăng lên. Kinh nghiệm của Trung Quốc và Israel đã chỉ ra rằng, cần hạn chế tối đa lấy đất nông nghiệp phục vụ cho mục đích phi nông nghiệp trong điều kiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít ỏi. Cũng như hai quốc gia trên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không lớn. Vì vậy, Việt Nam phải ban hành cơ chế, chính sách quản lý và giám sát chặt chẽ việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên cả nước. Kiên quyết giữ các vùng đất tốt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong trường hợp người dân chuyển sang các ngành nghề khác, thì Nhà nước phải thu hồi và cho người khác thuê để đất nông nghiệp không bị bỏ hoang, hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Mặt khác, để tăng NSLĐ nông nghiệp, cần phải khai thác hiệu quả quỹ đất còn lại. Theo đó, cần phải rà soát, cơ cấu lại đất nông nghiệp để có quy hoạch chi tiết cho từng địa phương, từng vùng trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi nơi, tạo ra vùng chuyên canh. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cần phải thường xuyên đầu tư, cải tạo đất chống xói mòn, đảm bảo độ phì nhiêu của đất. Tránh tình trạng sản xuất theo phong trào dẫn đến được mùa mất giá như đã xảy ra với cây cao su, sắn, dưa hấu mía đường, hành tím... khiến người nông dân rơi vào vòng xoay được mùa mất giá.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Để tăng NSLĐ nông nghiệp, các nước Trung Quốc, Thái Lan, Israel đều tìm cách thúc đẩy cơ giới hóa, tự động hóa và ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp, coi đây là yếu tố cốt lõi, có tác động lớn nhất đến NSLĐ nông nghiệp. Vì vậy, chính phủ các nước này đã có nhiều cơ chế, chính sách khác nhau để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp của nước mình.
Đối với Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là mang tính khách quan, vừa là yêu cầu cấp bách, bởi NSLĐ nông nghiệp ở Việt Nam rất thấp. Từ những kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, Israel, Nhà nước Việt Nam cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng ngày càng nhiều các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Cơ chế, chính sách mà Việt Nam có thể học tập và áp dụng như: Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các dự án khoa học, công nghệ, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; Nhà nước mua lại các sáng chế, các kết quả nghiên cứu sau đó chuyển giao cho nông dân với chi phí thấp; Nhà nước miễn giảm thuế nông nghiệp, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các trung tâm nghiên cứu khoa học, các cơ sở chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc trợ cấp một phần tài chính cho dự án chế tạo, hoặc mua máy móc mới; Nhà nước hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp một phần kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước cho các nhà sản xuất nông nghiệp nâng cao NSLĐ phù hợp với thông lệ quốc tế. Do Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài có nhiều điều kiện thuận lợi để vào thị trường Việt Nam. Ngược lại, các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam cũng có nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra nước ngoài. Nhưng các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài ở cả thị trường trong nước và ngoài nước do mức độ hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cho các nhà sản xuất nông nghiệp rất thấp. Trong khi đó, các nhà sản xuất nông nghiệp ở các nước phát triển trong đó có Trung Quốc, Thái Lan, Israel lại được Chính phủ hỗ trợ tài chính rất lớn, nên nông sản của họ có giá cạnh tranh hơn. Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, Chính phủ cần thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp phù hợp với quy định của WTO và các tổ chức kinh tế khác mà Việt Nam đã tham gia cũng như các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết.
Thứ năm, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Quy mô đầu tư có ảnh hưởng rất lớn đến NSLĐ trong nông nghiệp. Quy mô đầu tư càng lớn thì NSLĐ trong nông nghiệp càng có điều kiện tăng lên. Nhưng thực tế cho thấy, vốn đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam được còn ít, ít nhất trong các ngành kinh tế. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, Israel, để thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư vào nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam cần:
Trước hết, cần phải dành nhiều nguồn lực hơn để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống hồ chứa nước, hệ thống tưới tiêu, hệ thống giao thông nông thôn giao thông nội đồng, hệ thống điện. Bởi đây là yếu tố căn bản phục vụ cho chính quá trình sản xuất nông nghiệp của các nhà đầu tư. Nếu kết cấu hạ tầng không đầy đủ, sẽ gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần phải cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư như: thủ tục đăng ký, cấp giấy phép đầu tư nhất là đối với đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài được chuyển một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận về nước phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, do đặc điểm của các dự án trong nông nghiệp thường là các dự án dài hạn, nhưng lại có rủi ro lớn. Vì vậy, để khuyến khích đầu tư, Chính phủ nên miễn hoặc ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian dài để đảm bảo các dự án đầu tư đạt được hiệu quả cao./.
Tài liệu tham khảo
1. Jewish Virtual Library (2022), Vital Statistics: Latest Population Statistics for Israel.
2. Ministry of Agriculture and Rural Development (2021), The Agricultural Reform-Israeli Agriculture is a national priority, retrieved from https://www.gov.il/en/departments/ news/farmers_benefits.
3. Nguyễn Lộc (2024), Nâng cao năng suất lao động nông nghiệp: Bắt đầu từ người nông dân, truy cập từ http://baokiemtoan.vn/nang-cao-nang-suat-lao-dong-nong-nghiep-bat-dau-tu-nguoi-nong-dan-29667.html.
4. Phạm Thị Bình (2018), Nghiên cứu so sánh chính sách nông nghiệp ở Trung Quốc, Thái Lan, Ixraen và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
5. Suphannachart, W. (2016), Returns to Major Agricultural R&D Sources in Thailand, American Journal of Economics, 6, 22-26.
6. Suphannachart, W., Warr, P. (2022), Research and Productivity in Thai Agriculture, Australian Journal of Agricultural and Resource Economics, 55(11).
7. Waleerat Suphannachart (2017), What Drives Labour Productivity in the Ageing Agriculture of Thailand, Advances in Management and Applied Economics, SCIENPRESS Ltd, 7(1), 1-6.
Ngày nhận bài: 09/01/2025; Ngày phản biện: 09/2/2025; Ngày duyệt đăng: 10/3/2025 |
Bình luận