Năm 2019, số lượng dự án PPP giảm 67,77%
Năm 2019, số lượng dự án PPP được thực hiện giảm xuống còn 29 dự án
Dự án PPP được thực hiện giảm xuống còn 29 dự án
Theo báo cáo tình hình đấu thầu năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, năm 2019, cả nước có tổng số 403 dự án với 166.784 tỷ đồng, gồm 29 dự án PPP, với tổng mức đầu tư khoảng 7.834 tỷ đồng và 374 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 158.950 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, thông qua đấu thầu các dự án đầu tư PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, nguồn vốn tư nhân đã được huy động đáng kể để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua các dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích kinh doanh.
Điều đáng lưu ý là số lượng dự án PPP giảm 61 dự án (tương đương 67,77%) so với năm 2018, số đơn vị triển khai thực hiện dự án PPP giảm từ 24 đơn vị (năm 2018) xuống còn 14 đơn vị (năm 2019).
Trong năm 2018, trên cả nước thực hiện 90 dự án PPP (trong đó có 51 dự án BT), năm 2019, số lượng dự án PPP được thực hiện giảm xuống còn 29 dự án (trong đó có 11 dự án BT). Như vậy, các dự án PPP trong đó có các dự án BT nói riêng đều giảm đáng kể (giảm 80%, tương đương 40 dự án).
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đáng kể các dự án BT xuất phát từ việc tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư (tại văn bản số 3515/BTC-QLCS ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính). Việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT chỉ được tiếp tục cho đến khi Nghị định số 69/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 01/10/2019.
Số lượng dự án PPP được triển khai thực hiện chủ yếu tập trung ở các tỉnh An Giang (7 dự án), Thanh Hóa (4 dự án), Bình Phước (3 dự án), Hà Nam (3 dự án), Thái Nguyên (3 dự án).
Số lượng dự án PPP chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 29 dự án thực hiện năm 2019, có 10 dự án đã ký hợp đồng (chiếm 34%), 6 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư (chiếm 21%), 7 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (chiếm 24%) và 6 dự án đã công bố danh mục dự án (chưa tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).
Hiện có 27/29 dự án đã có thông tin về loại hợp đồng. Trong đó, các dự án đa phần áp dụng loại hợp đồng BT, cụ thể có 11 dự án (chiếm 40,74%), tương ứng với tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng. Còn lại là 07 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT (chiếm 25,93%) với tổng mức đầu tư khoảng 1.574 tỷ đồng; 07 dự án áp dụng loại hợp đồng BLT (chiếm 25,93%) với tổng mức đầu tư khoảng 1.425 tỷ đồng; 01 dự án áp dụng loại hợp đồng BOO (chiếm 3,07%) với tổng mức đầu tư khoảng 253 tỷ đồng và 01 dự án áp dụng hợp đồng kết hợp (chiếm 3,07%) với tổng mức đầu tư khoảng 542 tỷ đồng.
Như vậy, mặc dù số lượng dự án giảm đáng kể so với năm 2018, tuy nhiên các loại hợp đồng được áp dụng đa dạng hơn so với trước (đặc biệt là các loại hợp đồng mới như BLT, BOO, hợp đồng hỗn hợp).
Trong lĩnh vực đầu tư, số dự án thuộc lĩnh vực giao thông chiếm chủ yếu, với 12 dự án, chiếm 41,4%. Số dự án PPP còn lại trải đều ở các lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, có 3 dự án thuộc lĩnh vực hệ thống thu gom, xử lý nước thải (chiếm 10,4%), 3 dự án thuộc lĩnh vực hệ thống chiếu sáng công cộng (chiếm 10,4%), 2 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (chiếm 6,9%), 2 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị (chiếm 6,9%), 1 dự án thuộc lĩnh vực cung cấp nước sạch (chiếm 3,4%), 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế (chiếm 3,4%), 1 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục (chiếm 3,4%), 1 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (chiếm 3,4%), còn lại là lĩnh vực khác (xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng thương mại) chiếm 10,4%.
Như vậy, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai PPP ở các bộ, ngành, địa phương tập trung ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, có tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hoặc dự án đảm bảo an sinh xã hội của người dân.
Tỷ lệ áp dụng chỉ định thầu tại các dự án đầu tư có sử dụng đất lại tăng cao
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện có 22/29 dự án PPP đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, có 11 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi (chiếm 50%) với tổng mức đầu tư khoảng 1.633,15 tỷ đồng và 11 dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư (chiếm 50%) với tổng mức đầu tư khoảng 4.199,28 tỷ đồng.
Tỷ lệ áp dụng chỉ định nhà đầu tư trong năm 2019 đã giảm đáng kể so với năm 2018 cả về số lượng dự án và tổng mức đầu tư (theo số lượng dự án giảm từ 69% xuống 50%; theo tổng mức đầu tư giảm từ 92% xuống 76%).
Tuy nhiên, đối với hình thức chỉ định nhà đầu tư, 100% các dự án chỉ định thầu thuộc trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển. Điển hình như tại An Giang, Bình Phước và Thanh Hóa, mỗi tỉnh có 02 dự án áp dụng chỉ định nhà đầu tư (chỉ có 01 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển). Lạng Sơn, Quảng Nam, Hà Nam, Hải Dương, Lào Cao: Mỗi tỉnh có 01 dự án áp dụng chỉ định nhà đầu tư (chỉ có 01 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển).
Một hiện tượng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, đó là năm 2019, mặc dù tỷ lệ chỉ định nhà đầu tư các dự án PPP đã giảm, nhưng tỷ lệ này ở các dự án đầu tư có sử dụng đất lại tăng cao, dẫn đến tổng số dự án áp dụng hình thức này vẫn còn ở mức khá cao.
Trong tổng số 276 dự án đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư (22 dự án PPP và 254 dự án đầu tư có sử dụng đất), số dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư chiếm tỷ lệ 61% (chỉ định nhà đầu tư đối với dự án PPP là 50%, trong đó BT là 100%; đối với dự án đầu tư có sử dụng đất là 62%).
Đặc biệt, toàn bộ các dự án chỉ định nhà đầu tư đều thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển).
“Đây là biểu hiện khá rõ ràng của việc đấu thầu hình thức các dự án, lợi dụng chính sách để chỉ định nhà đầu tư”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhận định, việc phần lớn các dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư (với điều kiện chỉ có 01 nhà đầu tư qua sơ tuyển) và không có nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn cho thấy các dự án PPP hay các dự án đầu tư có sử dụng đất ở Việt Nam chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư.
Bình luận