9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trải qua đại dịch, những biến động mạnh mẽ của thị trường và giá cả nhiều vật tư đầu vào tăng phi mã nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn dự kiến đạt khoảng 2,7%-2,8%. Đặc biệt, ngành vẫn đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống.

Năm 2022, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD
Năm 2022, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực, như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đạt được sự tăng trưởng tốt. Cả nước đã gieo cấy được khoảng 5,2 triệu ha lúa, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực (xoài, bưởi, dứa, vải, nhãn, chuối...) và các loại cây công nghiệp (hồ tiêu, cao su, điều...) đều tăng cả về diện tích và sản lượng.

Đối với ngành thủy sản, mặc dù giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến khai thác thủy sản, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được triển khai hiệu quả… đã tạo động lực góp phần đưa tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 4,2 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt là nuôi trồng thủy sản đã có sự tăng khá mạnh với mức 7,4%.

Trong khi đó, ngành chăn nuôi đã thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên vật nuôi, phát triển mạnh theo hướng an toàn sinh học. Chất lượng con giống, nhất là giống lợn, gia cầm được kiểm soát tốt, nhờ đó đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển (trừ đàn trâu giảm 1,4%). Tổng sản lượng thịt các loại đạt 3,4 triệu tấn.

Về xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cho đến nay, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Trong đó: xuất khẩu cao su tăng 9,2% về khối lượng và tăng 12,2% về giá trị), xuất khẩu cà phê tăng 21,7% khối lượng, tăng 49,7% giá trị; gạo tăng 16,2% khối lượng, tăng 4,6% giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,2% khối lượng xuất khẩu, tăng 28% giá trị kim ngạch.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, với kim ngạch khoảng 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thằng thắn thừa nhận còn tồn tại những hạn chế, như: việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; bên cạnh đó giá thức ăn chăn, phân bón... tăng cao. Khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở

Năm 2022, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,8%-3,0%

Về mục tiêu phấn đấu trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2022, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,8%-3,0% (Chính phủ giao 2,5%-2,8%), giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,9%-3,1%, trong đó: Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,5%; sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; Giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm trên 1,9 triệu tấn; Giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%; tổng sản lượng thủy sản trên 8,7 triệu tấn (nuôi trồng 4,82 triệu tấn, khai thác 3,9 triệu tấn); Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 4,0%; sản lượng gỗ khai thác trên 18 triệu m3, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD).

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một số giải pháp trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể là:

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Thực hiện đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ xuất khẩu ngày càng tốt hơn. Từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất.

Phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, về hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay.

Phát triển, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử. Nâng cao hiệu quả truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Giải quyết các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil, Trung Đông… Phối hợp giải quyết khó khăn giao thương, thông quan, kiểm dịch; kiểm soát xuất nhập khẩu theo tiểu ngạch. Đối với thị trường trọng điểm khác (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…), xác định thời điểm để đẩy mạnh xuất khẩu…

Phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.

Về mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm, như: Nông sản chính 25 tỷ USD; Lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; Thủy sản 10 tỷ USD; Các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD./.