Năm 2030, đưa Hà Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ cao của Vùng
Ngày 19/01/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo Dự thảo Báo cáo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý tỉnh Hà Nam cần quan tâm đến quan điểm, mục tiêu phát triển, trong đó các trụ cột phát triển cần phân tích chi tiết để rõ nét định hướng trong thời gian tới. Ảnh: MPI |
Hà Nam có lợi thế nằm ở vị trí địa chiến lược là cửa ngõ của vùng Thủ đô Hà Nội; gần nguồn nhân lực chất lượng cao, các cảng hàng không và cảng biển trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tuy nhiên, Hà Nam có cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Hạ tầng khu công nghiệp, khu logistic, khu du lịch, đô thị, chuyển đổi số chậm được đầu tư mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh), quan điểm phát triển là quy hoạch tỉnh Hà Nam phải phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam dựa vào khai thác các vị thế về vị trí địa lý của tỉnh liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện, trong đó tập trung phát triển 04 động lực tăng trưởng quan trọng: Công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, đô thị, dịch vụ (du lịch, giáo dục – đào tạo, y tế) và nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế của Tỉnh đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và chủ yếu dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và chuyển đổi số. Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học…
Mục tiêu chung đặt ra là đến năm 2025 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của cùng đồng bằng Bắc Bộ, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Mục tiêu cụ thể phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,7%; phấn đấu duy trì khoảng 12%/năm giai đoạn 2026 - 2030.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh xây dựng các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; quy hoạch hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn, khu chức năng; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo phân loại đến từng đơn vị hành chính; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Mục tiêu đến năm 2030, đưa Hà Nam phát triển toàn diện và bền vững trở thành một trong các trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước về công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Trung tâm thương mại, dịch vụ logistics và đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; du lịch văn hóa, tâm linh; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và kết nối thuận lợi với các vùng và cả nước. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Hội thảo đã được nghe ý kiến góp ý trực tiếp của các chuyên gia và nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản. Các chuyên gia đã đi sâu vào phân tích những lợi thế, hạn chế của tỉnh Hà Nam như tiềm năng về đất đai, hạ tầng giao thông kết nối, nhu cầu nước, quy hoạch vùng thủy lợi, …
Đánh giá cao các ý kiến góp ý rất tâm huyết của các đại biểu đại diện một số bộ, ngành, các chuyên gia, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các ý kiến cơ bản đã bao phủ hết những lĩnh vực quan trọng mà tỉnh Hà Nam đang quan tâm.
Thứ trưởng lưu ý tỉnh tiếp thu các ý kiến và đề nghị tỉnh Hà Nam cần quan tâm đến quan điểm, mục tiêu phát triển, trong đó các trụ cột phát triển cần phân tích chi tiết để rõ nét định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới./.
Bình luận