Lương Đặng Dũng

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì

Tóm tắt

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thống nhất việc hiểu về cạnh tranh là khả năng của các tập đoàn, doanh nghiệp, ngành, quốc gia trong việc tạo ra thu nhập, việc làm tốt hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế. Bài viết này đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Từ khóa: năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam, hội nhập

Summary

The Organization for Economic Cooperation and Development (OECD) has agreed that competition is the ability of corporations, businesses, industries, and countries to create better income and jobs in competitive conditions. This article evaluates the current situation of Vietnamese enterprises’ competitiveness, and, on that basis, proposes some solutions to improve competitiveness in the context of integration.

Keywords: competitiveness, Vietnamese businesses, integration

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng không chỉ đem lại tác động tích cực, mà còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 cho biết, chỉ có 27% doanh nghiệp tư nhân sẽ mở rộng hoạt động trong 2 năm tiếp theo, thậm chí các doanh nghiệp giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp tăng cao. Nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường; chi phí không chính thức lớn; rào cản về thể chế... Vì vậy, việc nhận thức rõ khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp là cần thiết, để từ đó có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập.

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp

Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 10-NQ/TW đã đề cập tới việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế, chính sách tài chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ở góc độ Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng và phát triển các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, có quy mô, nguồn lực lớn mạnh. Nghị quyết số 35/NQ-CP đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Từ năm 2014 đến nay, hàng năm Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có các nhiệm vụ và giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách nhà nước để khuyến khích và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, số doanh nghiệp hoạt động trong các thành phần kinh tế tăng dần qua các năm (Hình 1).

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy, các chính sách của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ riêng năm 2023, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp. Con số này gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Tính chung cả năm 2023, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là hơn 3,5 triệu tỷ đồng (Tổng cục Thống kê, 2023).

Hình 1: Thống kê số lượng doanh nghiệp đang hoạt động giai đoạn 2018-2022

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Nguồn: Niên giám Thống kê năm 2023

Khả năng tiếp cận vốn tín dụng

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ban đầu bằng vốn tự phát với số vốn hạn chế. Khi hoạt động ổn định và bước đầu có hiệu quả, họ đều mong muốn gia tăng và mở rộng nguồn vốn đầu tư sản xuất, song có rất nhiều khó khăn trong quá trình huy động vốn tín dụng. Theo khảo sát của VCCI và USAID (2023), chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp nhận được khoản vay theo chương trình và hơn 56% doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ đã gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, việc tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn.

Theo Sách trắng doanh nghiệp 2023, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chiếm 97,3% trong tổng số doanh nghiệp cả nước (doanh nghiệp siêu nhỏ 69,3%; doanh nghiệp nhỏ 24,5%; doanh nghiệp vừa 3,5%). Doanh nghiệp quy mô lớn có số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm 2,7% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng nguồn vốn thu hút cho sản xuất kinh, doanh nhiều nhất với 37,6 triệu tỷ đồng, chiếm 69,1% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Điều này cho thấy, tiềm lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp còn thấp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo.

Tuy nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng đã và đang phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng nền kinh tế, ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay xuống mức rất thấp, nhưng độ hấp thu của doanh nghiệp rất khó khăn.

Năng lực tiếp cận và đổi mới công nghệ

Mức độ đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối thấp, ngay cả khi so sánh với các quốc gia ở trình độ phát triển tương tự (Hình 2). Sự hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ mới đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đầu tư vào công nghệ cho phép các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả hơn các yếu tố đầu vào, công lao động ít hơn và hạn chế chất thải hơn. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp Việt Nam thiếu đầu tư vào công nghệ mới, thực hiện đổi mới công nghệ chưa đủ và không đạt được hiệu quả như mong muốn, dẫn đến tăng trưởng năng suất của Việt Nam bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.

Hình 2: Mức độ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Úc (2021)

Ở Việt Nam, chỉ có một nhóm doanh nghiệp đang tích cực hấp thụ và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, trong khi phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động ở trình độ công nghệ thấp.

Khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%)… Phần lớn doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị (39,4%) hoặc nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại (39,3%), mà ít có nghiên cứu và phát triển. Quan trọng hơn là doanh nghiệp ít sáng tạo, thậm chí thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, năng lực nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu Nhà nước chưa mạnh. Hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế do thiếu các phòng thí nghiệm và thiết bị nghiên cứu. Cơ sở thông tin phục vụ việc xây dựng chính sách đổi mới sáng tạo, thực hiện chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn yếu kém.

Sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo VCCI (2024) , hiện nay đại đa số doanh nghiệp Việt Nam đều đã tham gia vào mạng lưới xuất - nhập khẩu hàng hóa toàn cầu với tỷ lệ là 99,7% doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn phản ánh đúng thực tế về mức độ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Trong đó, hơn 82,4% doanh nghiệp đang tham gia thương mại quốc tế cả hai chiều, vừa dưới vai trò là nhà tiêu thụ hàng hóa của chuỗi cung ứng (nhập khẩu), vừa là nhà cung cấp hàng hóa cho thế giới (xuất khẩu). Ngoài ra, có 16% doanh nghiệp cho biết, họ chỉ xuất khẩu thuần túy và 1,3% là các nhà nhập khẩu thuần túy.

Chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay được xem như là một dây chuyền sản xuất trong đó có sự cùng tham gia phối hợp chủ yếu của khối doanh nghiệp nhiều quốc gia vào các công đoạn khác nhau từ khâu thiết kế cho đến phân phối và hỗ trợ, tạo ra và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong đó, các công đoạn ở đầu chuỗi giá trị gồm: nghiên cứu và phát triển, thiết kế và những công đoạn ở cuối chuỗi giá trị như marketing, tạo thương hiệu và phân phối đều là những công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao. Ngược lại, những công đoạn ở giữa như: sản xuất nguyên phụ liệu, gia công lắp ráp là những công đoạn có hàm lượng công nghệ thấp và tạo ra ít giá trị gia tăng. Qua số liệu khảo sát của VCCI, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào toàn bộ công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên tập trung lớn số lượng vào các khâu phân phối (35,3%), sản xuất nguyên phụ liệu (34,5%), nghiên cứu và phát triển (33,2%) và gia công lắp ráp (30%). Trong đó, ngoại trừ nghiên cứu và phát triển, tất cả các công đoạn kể trên đều nằm ở phần giữa của chuỗi giá trị, đặc biệt sản xuất nguyên phụ liệu và gia công lắp ráp là các công đoạn đem lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị thì lại là 2 công đoạn có lượng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận. Những công đoạn như marketing và tạo thương hiệu là những khâu có ít doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận nhất, lần lượt chiếm 17,4% và 16,8% số doanh nghiệp được khảo sát (Hình 3). Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt Nam chưa có thương hiệu toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm, hàng hóa có sức cạnh tranh cao và có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong thị trường khu vực và thị trường thế giới.

Hình 3: Công đoạn doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận chủ yếu

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Nguồn: VCCI (2024)

Ngay cả khi đã tham gia khá tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, vẫn có đến hơn một nửa số doanh nghiệp trả lời khảo sát (53,5%) cho biết họ không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (Hình 5). Như vậy, có thể thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu mà thiếu đi định hướng rõ ràng. Đây cũng là điểm yếu thường thấy ở các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa – nơi mà chủ doanh nghiệp có chuyên môn kỹ thuật rất tốt, nhưng chưa được đào tạo bài bản về quản trị. Do thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp, cũng như thiếu tư duy và khả năng hoạch định chiến lược, nhiều doanh nghiệp theo đuổi những cơ hội kinh doanh ngắn hạn, nhất thời, chưa thực sự chú trọng đến xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và bền vững với những mục tiêu, sứ mệnh được xác định rõ ràng. Đại dịch Covid-19 cùng những biến động kinh tế, chính trị, xã hội diễn ra trong thời gian qua đã và đang khiến chuỗi giá trị toàn cầu dịch chuyển theo những xu hướng nhất định, được cho là mang lại lợi thế cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với mức độ mở cửa lớn và hội nhập sâu rộng, với kinh nghiệm tham gia xuất - nhập khẩu lâu năm, đáng lẽ doanh nghiệp Việt Nam phải trong trạng thái sẵn sàng để đón đầu các làn sóng dịch chuyển. Tuy nhiên, khảo sát của VCCI cho thấy, việc tận dụng được các cơ hội này để tạo ra các bước nhảy vọt là điều rất khó khăn khi mà các doanh nghiệp Việt Nam đang ở trạng thái thiếu chủ động và thiếu sự chuẩn bị như hiện nay,

Trong số những doanh nghiệp có đặt ra mục tiêu khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tỷ lệ lớn nhất doanh nghiệp (66,7%) cho biết, họ mong muốn sẽ tạo được dấu ấn thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường; 60,1% số doanh nghiệp mong trở thành nhà cung ứng cấp cao trong chuỗi giá trị; 55,1% mong muốn thu về nhiều giá trị gia tăng hơn từ chuỗi giá trị (Hình 4). Có thể thấy rằng, những khía cạnh mục tiêu nói trên đều là những yếu điểm chủ yếu đang làm hạ thấp vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu mà lâu nay Việt Nam vẫn đang tìm cách khắc phục.

Hình 4: Mục tiêu của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
Nguồn: VCCI (2024)

KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, qua nghiên cứu thực trạng, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Đối với Nhà nước

Một là, cần hỗ trợ về vốn và tiếp cận tín dụng để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, cần có sự hài hòa lợi ích của nhân tố là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cơ chế, chính sách của Nhà nước. Phát triển thị trường tín dụng dành cho doanh nghiệp; trong đó, phát triển các sản phẩm phù hợp: thủ tục, hồ sơ, lãi suất...; phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm doanh nghiệp có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi. Tăng cường liên kết ngân hàng với doanh nghiệp, ngân hàng với các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, với các hiệp hội doanh nghiệp.

Cụ thể, thúc đẩy hình thành mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để cung cấp vốn; tạo kênh huy động vốn (đặc biệt là vốn trung và dài hạn) cho doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán; đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính. Các địa phương, chính quyền cũng cần chủ động thành lập các tổ chức, các quỹ hỗ trợ vốn, quỹ bảo lãnh tín dụng... tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Tăng cường các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp nhằm giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp. Thông qua các nguồn vốn ưu đãi, tận dụng các công cụ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như công cụ về đào tạo nhằm tiếp cận, học hỏi trình độ quản lý hiện đại, trình độ công nghệ.

Hai là, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ mới và đổi mới trong tổ chức (thông qua thay đổi cơ cấu, chiến lược và văn hóa). Cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp được cải thiện và phát triển. Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, cần có chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích phát triển thị trường chuyển giao khoa học và công nghệ giữa trong nước và nước ngoài.

Một điều kiện tiên quyết để đổi mới công nghệ là khả năng tiếp cận với công nghệ và thông tin quốc tế (Vuong và Nguyen, 2024). Trọng tâm chính của các chính sách chuyển giao công nghệ phải là cung cấp thông tin kỹ thuật cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tin kỹ thuật này bao gồm thông tin về nguồn gốc, chi phí và sự phù hợp của công nghệ nước ngoài đối với ngành công nghiệp địa phương và kèm theo cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu công nghệ mới vào quy trình sản xuất, kinh doanh.

Ba là, cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bên trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hoạt động phối hợp phải được tiến hành toàn diện: xây dựng chính sách, văn bản pháp luật, thanh tra, kiểm tra, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan thực thi… Thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin thực sự hữu hiệu giữa các cơ quan thực thi; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên và định kỳ về công tác hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các kênh thông tin về chính sách, pháp luật, thị trường, quản trị, tư vấn, bồi dưỡng cho doanh nghiệp kiến thức về kinh doanh, hội nhập, phát triển chuỗi giá trị, các kỹ năng đàm phán, nghiên cứu thị trường. Có giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp, trở thành nhà cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp FDI; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đầu, tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm của doanh nghiệp đầu chuỗi và hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi; khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu; xây dựng cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ; hình thành các cụm công nghiệp liên kết theo ngành/lĩnh vực ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm hình thành hệ sinh thái công nghiệp.

Đối với doanh nghiệp

Một là, xây dựng cơ sở dữ liệu thực hiện minh bạch, bài bản, hệ thống hóa sổ sách kế toán để các tổ chức tín dụng có thể truy cập và sử dụng (tổng tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận hàng năm, tình trạng hoạt động... ) từ đó tạo thuận tiện cho ngân hàng trong việc theo dõi hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thể nhanh chóng đưa ra quyết định cho vay vốn. Các doanh nghiệp phải có thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ ngân hàng và tổ chức tín dụng để xây dựng phương án kinh doanh phù hợp; chủ động tăng hiểu biết về tài chính - tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt tái cơ cấu (chiến lược - tổ chức, hoạt động, tài chính, quản trị….). Doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết cả theo chiều ngang và chiều dọc. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, nâng cấp đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu với việc đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế.

Hai là, nhà quản trị doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực hội nhập thông qua việc thường xuyên cập nhật tri thức mới, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chính trị, ngôn ngữ… của các nước trong khu vực nhằm xây dựng lợi thế về những kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng quản trị trong cạnh tranh, kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ năng quản lý sự biến đổi, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán và giao tiếp, kỹ năng dự báo và định hướng chiến lược phát triển... để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần có các biện pháp tiếp cận đa dạng các hình thức hỗ trợ khác như: chủ động tìm kiếm những nguồn tài trợ khác nhau từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài đi kèm với học hỏi và chuyển giao công nghệ. Chủ động tham gia các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để mở rộng mạng lưới kết nối, tìm kiếm đối tác và khách hàng, học hỏi kinh nghiệm; tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để tiếp cận đối tác và khách hàng, đồng thời gia tăng độ nhận diện của thương hiệu và sản phẩm…/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2023, Nxb Thống kê

3. Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Úc (2021), Báo cáo Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế.

4. Chính phủ (2016), Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

5. Chính phủ (2022), Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

6. Diệp Diệp (2021), Tiếp cận tín dụng vẫn là rào cản với nhiều doanh nghiệp, truy cập từ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM196990.

7. Đặng Thành Lê (2021), Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/nang-cao-nang-luc-ung-dung-cong-nghe-cua-cac-doanh-nghiep-viet-nam-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html.

8. Hạnh Lê (2024), Phát triển doanh nghiệp thúc đẩy tăng năng suất lao động, truy cập từ https://dukdn.nghean.gov.vn/thong-tin-tong-hop/phat-trien-doanh-nghiep-thuc-day-tang-nang-suat-lao-dong-658174.

9. Nguyễn Bá Huy (2023), Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi số, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 5/2023.

10. OECD (2010), Electronic Commerce: Opportunities and Challenges for Government, Paper presented at the Workshop 3, Asia Development Forum, 5-8 June, Singapore.

11. Tổng cục Thống kê (2023), Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 và dự báo xu hướng doanh nghiệp năm 2024.

12. VCCI (2024), Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2022/2023

13. VCCI và USAID (2023), Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022.

14. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024), Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories, AISDL.

Ngày nhận bài: 21/6/2024; Ngày phản biện: 11/7/2024; Ngày duyệt đăng: 22/7/2024