Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cách nào?
Ngày 16/01/2017, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam vẫn rất yếu
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 40% GDP, 31% xuất khẩu, 29% các khoản thu vào ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động...
Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nền kinh tế là không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, dù thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng thực tiễn khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn, đối mặt với nhiều thách thức trong cạnh tranh và hội nhập.
Doanh nghiệp nhỏ và vẫn rất khó khăn |
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết,hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp 4 khó khăn phổ biến là: (1) ít vốn và khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế khi muốn đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển kinh doanh mở rộng sản xuất; (2) Khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, nhất là các công nghệ đòi hỏi vốn lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) Quy mô doanh nghiệp nhỏ nên khó tổ chức được các phòng, ban, bộ phận chuyên sâu; (4) Các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khá đông đảo, nhưng đều gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về năng lực và kinh phí hoạt động.
Với những khó khăn đó, theo ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực cho biết, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đa phần làm dịch vụ, chỉ khoảng 20% là hoạt động sản xuất; Có 42% doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng và 85% doanh nghiệp hoạt động chính thức có doanh thu dưới 2 tỷ, lượng doanh nghiệp tư nhân vẫn tăng hằng năm, nhưng quy mô bình quân vẫn nhỏ.
Luật Hỗ trợ DNNVV: Bước tiến về chính sách
Theo các đại biểu trong hội thảo, sự yếu kém của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là do các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều bất cập.
Cụ thể là: Các chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá kết quả hỗ trợ; Các chính sách chỉ mới dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung, chưa có quy định ưu đãi rõ ràng; Nội dung hỗ trợ chưa thực tế, hình thức thực hiện chưa phù hợp với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp còn rất chậm…
Trước những bất cập trên, Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng với các chính sách, chương trình đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước đang nhận được nhiều sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Dự thảo này gồm 6 chương với 45 điều, trong đó hai chương quan trọng nhất đó là chương II (Các nội dung hỗ trợ cơ bản, như: gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường…) và Chương III (Chương trình hỗ trợ trọng tâm, bao gồm: (i) Chương trình hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; (ii) Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (iii) Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành).
Đánh giá về Dự thảo Luật, chuyên gia kinhh tế Võ Trí Thành cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với những chính sách hỗ trợ thiết thực, “nói đi đôi với làm” hứa hẹn sẽ giúp ích được các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Chính vì vậy, Dự thảo Luật càng được thông qua càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi trình bày tại Quốc hội vào tháng 10/2016, Dự thảo Luật đang vấp phải nhiều ý kiến, như: (1), Liệu hỗ trợ có nên dành cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không? Hay chỉ hỗ trợ một bộ phận doanh nghiệp? (2) Các chương trình hỗ trợ sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước; (3) Liệu cách thể hiện của Luật nên chung chung hay là cụ thể; (4) Dự thảo Luật có xung đột với các luật khác hay không?
Còn theo quan điểm cá nhân của ông Nguyễn Hoa Cương, thì bài toán là không phải hỗ trợ cho doanh nghiệp nào, mà là làm sao để thực sự có 1 bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ chất lượng, hội nhập trong nền kinh tế.
Ông Cương cho biết, trước mắt, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 17% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, và 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ như quy định trong Dự thảo Luật có thể làm giảm nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, đây được xem như là một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng mức độ tích lũy của doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tích lũy, có điều kiện phát triển thành quy mô lớn.
Về việc Luật nên chung chung hay là cụ thể, ông Cương cho biết, nếu để Luật chung chung thì không biết bao giờ mới có văn bản dưới luật, “có lẽ năm 2020 mới có được sự hỗ trợ đầu tiên”, nên Luật càng cụ thể, thì càng tốt.
Để có thể mang lại hỗ trợ hiệu quả nhất với đồng ngân sách hạn hẹp, cơ quan soạn thảo Luật mong nhận được sự đồng hành, cùng phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp góp ý cho dự thảo Luật để tìm ra giải pháp hữu hiệu trợ giúp doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa để khối doanh nghiệp này không chỉ lớn mạnh về số lượng, mà còn cả chất lượng.
Cần liên kết để tăng tính cạnh tranh
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì theo các đại biểu trong hội thảo, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa các hàng hóa và dịch vụ đang ngày càng gay gắt, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực; áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; Phát triển bảo vệ tài sản trí tuệ; Phát triển nguồn nhân lực; quản trị doanh nghiệp hiện đại…
Ở góc độ khác, PGS, TS. Đỗ Đức Thịnh cho biết, khi được hỏi làm cách nào để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì 90% doanh nghiệp trả lời rằng là nâng cao chất lượng và hạ giá thành của sản phẩm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, thì doanh nghiệp không nên bàn đến cạnh tranh về giá nữa, mà phải cạnh tranh bằng thương hiệu.
“Các doanh nghiệp khi tiến hành cạnh tranh bằng thương hiệu nên tìm hiểu xem nhu cầu của khách hàng là gì, rồi cố gắng, nỗ lực tối đa đáp ứng nhu cầu đó, đừng học theo đối thủ cạnh tranh”, PGS, TS. Đỗ Đức Thịnh đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một giải pháp khác để nâng cao năng lực cạnh tranh được chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đưa ra, đó là tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, đây là giải pháp nhanh và hữu hiệu để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể xây dựng thương hiệu của mình, cũng như cần có chính sách, giải pháp thông thoáng hơn khuyến khích sự dẫn dắt, lan tỏa của các doanh nghiệp lớn đã có thương hiệu, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Chia sẻ những kinh nghiệm trong chiến lực cạnh tranh, bà Đỗ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Hội tụ Nhân tài - một doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành công cho rằng, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa không nỗ lực vươn lên, mà vẫn giữ quy mô siêu nhỏ thì không thể cạnh tranh, định vị được trên thị trường thế giới.
"Phải xác định được cạnh tranh với ai, cạnh tranh để làm gì, ngoài câu hỏi về lợi nhuận thì phải còn có khả năng kết nối với doanh nghiệp khác, cạnh tranh để cùng phát triển, không phải để kìm hãm nhau, cũng như chú ý đến phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ để giảm chi phí năng cao năng suất lao động…", bà Dương chia sẻ./.
Bình luận