Nâng cao nội lực nghiên cứu của Việt Nam bằng lý thuyết và phương pháp luận khoa học của người Việt
Trước đây, giới nghiên cứu khoa học trong nước thường thừa hưởng và phát huy các phương pháp nghiên cứu được phát triển bởi các học giả ở những quốc gia phát triển. Một trong số đó là sử dụng các mô hình phương pháp nghiên cứu định lượng như phân tích hồi quy đơn biến, đa biến, hồi quy Logistic, hồi quy Poisson… và các phương pháp kiểm định truyền thống trong phân tích dữ liệu về kinh tế, xã hội, tâm lý…
Cổng thông tin SM3D của tác giả Vương Quân Hoàng và cộng sự là cầu nối cho các nhà nghiên cứu tập sự và những nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển tiếp cận tới các nguồn dữ liệu khoa học mới mẻ và phong phú |
Song song với các phương pháp nghiên cứu truyền thống trên, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam đã biên soạn lý thuyết Mindsponge và phương pháp luận khoa học BMF (Bayesian Minsponge Framework) để sử dụng trong nghiên cứu khoa học xã hội, tâm lý học, tài chính hành vi…
Lý thuyết Mindsponge và BMF đã được 330 nhà nghiên cứu đến từ 215 tổ chức ở 38 quốc gia/vùng lãnh thổ sử dụng trong 168 tài liệu khoa học đã xuất bản (bao gồm các bài báo khoa học, sách, bài báo hội thảo, luận án và bài giảng).
Lý thuyết Mindsponge và phương pháp BMF được đúc kết trong 2 cuốn sách lý thuyết và phương pháp luận có tiêu đề: Mindsponge Theory (tạm dịch: Lý thuyết Mindsponge) [1] và The Mindsponge and BMF Analytics for Innovative Thinking in Social Sciences and Humanities (tạm dịch: Mindsponge và khung phân tích BMF cho tư duy đổi mới trong khoa học xã hội và nhân văn) [2]. Hai cuốn sách này đã được lưu trữ tại trong nhiều thư viện của các trường Đại học danh giá của thế giới như, Đại Học Havard, Đại học New York, hệ thống trường thuộc Đại học California (tại Berkeley, Los Angeles, Irvine và San Diego), Đại học Washington tại St. Louis, Đại học Bonn,… Ngoài ra, sách cũng đã được Thư viện quốc gia của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland và Thư viện quốc gia Thụy Điển lưu trữ.
Ngày 18/1/2024 đánh dấu bài nghiên cứu ứng dụng phương pháp BMF đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Việt trên tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01/2024 với tiêu đề: “Tác động của yếu tố xã hội đến phản ứng của nhà đầu tư chứng khoán cá nhân trong khủng hoảng: Bằng chứng từ Trung Quốc và Việt Nam” [4]. Với vai trò là nhà nghiên cứu sử dụng lý thuyết Mindsponge và phương pháp BMF trong nghiên cứu trên, cá nhân tôi nhận thấy rằng đây là phương pháp nghiên cứu dễ sử dụng, tốn ít chi phí, và có thể mở rộng hợp tác với các tác giả khác (dù họ chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu).
Ngoài hướng dẫn chi tiết trong 2 quyển sách trên, để có thể hoàn thành nghiên cứu [4] với vai trò tác giả chính, các tài liệu và cơ hội , hợp tác, làm việc và học hỏi được cung cấp trên website https://mindsponge.info/ (hay còn gọi là Cổng thông tin SM3D) cũng đã giúp tôi rất nhiều.
Cổng thông tin SM3D của tác giả Vương Quân Hoàng và cộng sự là cầu nối cho các nhà nghiên cứu tập sự và những nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển tiếp cận tới các nguồn dữ liệu khoa học mới mẻ và phong phú của hàng trăm nghiên cứu đã được công bố sử dụng lý thuyết Mindsponge và phương pháp BMF. Dữ liệu và mã code của phần mềm R của các bài nghiên cứu BMF thường được lưu trữ trên các cơ sở dữ liệu mở, nên ai cũng có thể tải về và thực tập chạy phân tích dữ liệu. Đáng nói là, tất cả dữ liệu truy cập và mã code được sử dụng đều miễn phí. Điều này rất quý giá đối với các nhà nghiên cứu tại Việt Nam vì kinh phí có phần hạn chế.
Đồng thời Cổng thông tin SM3D cũng tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu đăng ký tham gia thực hiện nghiên cứu và viết bài khoa học cùng đội ngũ AISDL. Thông qua các cơ hội hợp tác quý giá này, bản thân tôi đã được trải nghiệm thực tế, hiểu hơn về quá trình nghiên cứu và xuất bản học thuật, để từ đó có đủ tự tin, kiến thức, và kỹ năng để trở thành tác giả chính của bài nghiên cứu [4].
Qua các trải nghiệm và sản phẩm thực tế, tôi cảm thấy rằng, Lý thuyết Mindsponge, phương pháp luận BMF và Cổng thông tin SM3D đã phần nào cho thấy sự phát triển nội lực nghiên cứu khoa học của người Việt. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được quán triệt trong Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hy vọng rằng nền khoa học Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều hơn các lý thuyết, phương pháp, và sáng kiến thể hiện được tầm vóc và nội lực của người Việt trong cộng đồng khoa học quốc tế.
References
[1] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.de/dp/8367405145
[2] Vuong QH, Nguyen MH, La VP. (2022). The Mindsponge and BMF Analytics for Innovative Thinking in Social Sciences and Humanities. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C4ZK3M74/
[3] Phượng M, Thường C. (2024). Sách lý thuyết và phương pháp luận khoa học của người Việt được lưu trữ trong thư viện Đại học Harvard. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/8895/sach-ly-thuyet-va-phuong-phap-luan-khoa-hoc-cua-nguoi-viet-duoc-luu-tru-trong-thu-vien-dai-hoc-harvard.aspx
[4] Tri NP, Quý NV, Giang H, Hoàng NM. (2024). Tác động của yếu tố xã hội đến phản ứng của nhà đầu tư chứng khoán cá nhân trong khủng hoảng: Bằng chứng từ Trung Quốc và Việt Nam Tạp chí Kinh tế và Dự báo., 864(1).
Bình luận