Nền nông nghiệp Việt Nam đang chững lại, không phát triển
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tham dự Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh CHN, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 20/8, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn còn chậm
Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, trong giai đoạn 1986-2013, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 3,7%/năm.
Tính đến hết năm 2014, đóng góp GDP của khu vực này trong nền kinh tế còn hơn 18%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 70% trong những năm 1990 còn khoảng 47%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2014.
Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được cải thiện; chính trị- xã hội, trật tự an toàn khu vực nông thôn được ổn định.
“Tuy nhiên, so với các nước đi trước ở cùng giai đoạn phát triển như nước ta, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn những năm qua diễn ra còn chậm so với mục tiêu”, Trưởng ban Kinh tế đánh giá.
Nhất là, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao; năng suất lao động và thu nhập của người nông dân còn thấp....
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định, thực tế cho thấy, hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam đang chững lại, không phát triển được.
“Hội nhập thị trường đang đặt ra câu hỏi liệu người nông dân Việt Nam có thể làm giàu trên tiềm năng nông nghiệp đang có hay không?” , TS. Lịch băn khoăn.
Nguyên nhân của hiện trạng trên, theo GS, TS. Vương Đình Huệ là do: “chưa có đột phá về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn…”.
Còn TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, thì cho rằng, do lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Cụ thể, so với tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp còn rất yếu kém. Ngoài phân đạm, đa số thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc cơ giới nông nghiệp… vẫn chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ nước ngoài.
Công nghiệp chế biến chưa phát triển hoàn chỉnh thành các cụm gắn với vùng nguyên liệu, và có giá trị gia tăng thấp. Đi kèm với đó, những yếu kém của hệ thống kho tàng, bốc dỡ, vận chuyển, thanh toán… làm cho giá thành của sản xuất cao, hao hụt nhiều, giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của nông sản.
Cần xây dựng trên lợi thế của nhà nông
Để nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh với nền sản xuất nông nghiệp thế giới, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất cái ta có sang sản xuất cái thị trường cần, sản xuất các mặt hàng có lợi thế theo từng vùng, từng tỉnh từ đó xây dựng lợi thế quốc gia.
Trong mô hình sản xuất cần phải liên kết tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao, năng suất cao, liên kết các doanh nghiệp gắn sản xuất tiêu thụ với chế biến.
Cũng xuất phát từ quan điểm tư duy, TS. Trần Du Lịch cho rằng, chúng ta phải làm rõ về mặt tư duy, hiểu rõ rằng con đường xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp phải dựa trên lợi thế của nhà nông.
Bên cạnh đó, phải ứng dụng công nghệ sinh học và yếu tố khoa học kỹ thuật để khắc phục những nhược điểm tác động tự nhiên trong sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, do nông nghiệp luôn luôn chịu 2 loại rủi ro do tác động bất lợi của thiên nhiên và thị trường (giá cả, tỷ giá), nên để phát triển bền vững, vị chuyên gia này chỉ rõ, vai trò của Nhà nước là cần tìm cách để bảo hiểm do tác động xấu của thiên nhiên, tăng độ an toàn cho người dân. Đặc biệt, với cơ chế thị trường, giúp chuyển rủi ro thị trường từ người sản xuất sang người kinh doanh.
Cuối cùng, TS. Trần Du lịch đề xuất, cần thay đổi cơ bản phương thức và mô hình tổ chức sản xuất.
“Chúng ta không thể dựa vào những hộ nông dân quy mô nhỏ để làm nông nghiệp được, mà phải phát triển được mô hình hợp tác như hợp tác xã”, TS. Lịch nhấn mạnh.
Còn PGS,TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng, cần thay đổi quan niệm phát triển nông nghiệp từ lượng sang chất, chuyển sang nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, khẳng định vai trò trụ cột dẫn dắt trong nông nghiệp.
“Cần tổ chức kinh doanh nông nghiệp hiện đại lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nông dân làm nền tảng, hợp tác xã là tổ chức liên kết nông dân và kết nối nông dân với doanh nghiệp tạo thành chuỗi kinh doanh hiện đại”, ông Thiên đề xuất./..
Bình luận