Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2023 vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương trong quý I/2023 đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của ngành Công Thương.

Theo đó, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đạt kỷ lục tại nhiều quốc gia, đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu; tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ucraina; tình trạng đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng đang trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều quốc gia, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương là một nỗ lực lớn.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cán cân thương mại hàng hóa quý I/2023 vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngành Công Thương bàn giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu
Chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại nhiều địa phương vẫn có mức tăng trưởng cao

Tăng trưởng tiêu dùng trong nước khá ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt, một số vật tư hàng hóa chiến lược (xăng dầu, điện, than) được đáp ứng đầy đủ.

Chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại nhiều địa phương vẫn có mức tăng trưởng cao, có 48/63 địa phương đạt mức tăng trưởng dương trong quý I/2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực Công Thương địa phương còn một số hạn chế, như: mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công Thương thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước; nhiều địa phương tăng trưởng thấp (thậm chí tăng trưởng dưới 1%) do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn; ít dự án đầu tư mới được triển khai; các dự án chuyển tiếp chậm tiến độ…

Tháo gỡ thực chất các khó khăn đối với địa phương trong lĩnh vực Công Thương

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 - một trong những năm động lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của các bộ, ngành; của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để hệ thống chính trị, người dân hiểu được bối cảnh, tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới tác động rất nhanh đến kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (200%), để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai các dự án lớn của địa phương, của ngành trên địa bàn.

Thứ ba, tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án có vai trò tạo “cú huých” về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động địa phương.

Thứ tư, đề nghị các địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn nhằm tạo động lực, dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển (vật liệu, cơ khí chế tạo, thương mại, dịch vụ...).

Thứ năm, tập trung chấn chỉnh kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành, khắc phục tâm lý e ngại trong cơ quan liên quan, có cơ chế bảo vệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hoá thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ trong chỉ đạo điều hành./.