Dự kiến năm 2017 tăng trưởng đạt 10,23%

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2017 là năm có nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam với áp lực của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại cùng với tình hình xuất - nhập khẩu dệt may cuối năm 2016, đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, từ quý II năm 2017 với quyết tâm cao, ngành dệt may Việt Nam đã từng bước ổn định, vượt qua thách thức, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến sẽ đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016.

"Dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 2 tháng cuối năm đạt 5,27 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 31 tỷ USD, tăng trưởng 10,23% so với năm 2016", Hiệp hội cho biết.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,91 tỷ USD tăng 8,7% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu vải đạt 1,07 tỷ USD giảm nhẹ 0,65%. Xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,51 tỷ USD, tăng 19,93% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến xuất khẩu dệt may năm 2017 sẽ đạt 31 tỷ USD

Có được kết quả này là nhờ việc các doanh nghiệp đã khắc phục được những khó khăn trong những tháng đầu năm; đầu tư cải thiện hệ thống sản xuất, tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường, khiến tình hình xuất khẩu của ngành được cải thiện đáng kể. Việt Nam hiện có gần 6.000 doanh nghiệp dệt may và hơn 2,5 triệu người lao động trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, năm 2017, ngành dệt may phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, bên cạnh những thị trường xuất khẩu chính được giữ vững, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, một số thị trường có sự bứt phá, như: Trung Quốc, Nga, Campuchia... Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị tăng cao, như: vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt.

Vượt qua thách thức

Tuy nhiên, một số khó khăn mà ngành dệt may gặp phải cũng như vai trò của Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh theo xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0 hướng tới phát triển bền vững trong ngành.

Đặc biệt, “Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế tiền lương, bảo hiểm, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp dệt may", VITAS cho hay.

Một trong những vấn đề mà ngành Dệt may đang "trăn trở" đó là: Hiện mặt hàng vải nhập khẩu về để gia công xuất khẩu sẽ không phải chịu thuế, nhưng vải trong nước sản xuất khi doanh nghiệp mua để gia công xuất khẩu lại phải chịu thuế.

Tuy nhiên, ở một thực tế khác, Việt Nam lại đối mặt với những khó khăn nhất là ở khâu đơn giá, vì hiện nhiều khu vực thị trường đang có xu hướng giảm sẽ tác động đến dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác, như: Myanmar, Campuchia… làm gia tăng áp lực lên thị phần với Việt Nam tại những khu vực lớn.

Ngoài ra, yếu tố thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau đã làm cho tính cạnh tranh của ngành Dệt may gặp nhiều khó khăn. Hiện các doanh nghiệp trong nước theo lĩnh vực dệt may đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu về vốn, thiếu đầu tư, tiềm lực kinh tế yếu mà lại thiếu sự liên kết, nên tính cạnh tranh không cao.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, chỉ riêng mặt hàng vải, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu tới 86% để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, do chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu chính của dệt may.

Năm 2018, ngành dệt may dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ trong năm tới. Để đạt được mục tiêu này, Ngành cần phải thay đổi phương thức sản xuất sao cho phù hợp với những yêu cầu, tiêu chuẩn mà các quốc gia nhập khẩu yêu cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao hơn.

Hiệp hội Dệt may khuyến cáo các doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình thị trường, chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp; tăng cường mở rộng thị trường nội địa với đa dạng hóa các mặt hàng để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Để đảm bảo xuất khẩu bền vững, ngành cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, có lựa chọn, tránh dàn trải. Đồng thời, không nên bỏ qua thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ.

Ngoài đầu tư công nghệ, doanh nghiệp cần tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa, hạn chế nhập khẩu, đào tạo bài bản cho các nhà thiết kế.../.