Dự báo xuất khẩu dệt may năm 2016 chỉ đạt 92% kế hoạch

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2013, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 17%, năm 2014 con số này tăng lên 20,9%; nhưng năm 2015 tụt xuống còn 10,9%. Riêng 10 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội này dự báo, 2 tháng cuối năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 5,1 tỷ USD, dự kiến mức tăng cho cả năm 2016 là 28,5 tỷ USD, tương ứng là 5%. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu năm nay của ngành dệt may đạt 31 tỷ USD là khó thực hiện.

Có thể nói, từ mức tăng trưởng xuất khẩu hai con số trong nhiều năm nay giảm xuống chỉ còn 5% cho thấy ngành hàng có giá trị xuất khẩu nhất nhì Việt Nam đang gặp những khó khăn không nhỏ.

Vậy, nguyên nhân của tình trạng “tục dốc” nhanh như trên là do đâu?

Trao đổi với báo điện tử Pháp luật Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2016, do khó khăn chung của thị trường thế giới, tổng cầu nhập khẩu hàng dệt may tại các thị trường lớn đều giảm. Cụ thể, Mỹ giảm 4,74%, EU giảm 1,5%, Hàn Quốc giảm 0,2%. Chỉ có thị trường Nhật Bản tăng nhẹ lên 3,6%. Ngoài ra, tình hình kinh tế, tiêu dùng cho hàng dệt may trên thế giới không mấy cải thiện nên dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành dệt may.

Bên cạnh đó, các sản phẩm dệt may nước ta cũng phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... Các nước này đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ của họ, đặc biệt là về tỷ giá so với đồng USD để phát triển ngành dệt may và thu hút đơn hàng. Hơn nữa, giá gia công ngành may trong 3 năm gần đây của các nước này lại không tăng.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường xuất khẩu chính hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2016 vẫn là Trung Quốc với hơn 50% tổng lượng xuất khẩu. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến doanh nghiệp xuất khẩu sợi có thể gặp rủi ro khi quá phụ thuộc vào thị trường này.

Nhiều thách thức trong năm 2017

Trong năm 2017, ngành dệt may Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục gặp khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ.

Ngoài ra, một trong những khó khăn của ngành gặp phải là chi phí ngành ngày càng cao liên quan đến vận tải lưu kho hàng lẻ, chi phí dịch vụ vận chuyển, cân trọng lượng container trước khi xuất khẩu của các hãng tàu nước ngoài bị đẩy lên cao bất hợp lý. Đặc biệt, việc Hãng vận tải biển Hanjin phá sản dẫn đến việc tăng giá thành vận chuyển đường biển trong thời gian tới, ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành dệt may đang bị thiếu hụt, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, như: quản trị may, thiết kế thời trang, kỹ sư chuyên ngành sợi, dệt nhuộm. Một số dự án của Tập đoàn và đơn vị thành viên gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động…

Ngoài ra, Hiệp hội Dệt may cũng dự báo, trong năm 2017, tổng nhu cầu dệt may thế giới sẽ vẫn tăng trưởng chậm.

Xuất khẩu dệt may năm 2016 được dự báo chỉ đạt 92% so với kế hoạch đề ra

Đặc biệt, với nhiều diễn biến khách quan khác, như: việc Anh rời EU và Tổng thống mới đắc cử Mỹ tuyên bố không ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang 2 thị trường lớn là EU và Mỹ.

Tuy nhiên, việc tạm dừng TPP cũng vẫn được đánh giá là một cơ hội tốt cho dệt may nước ta. Trao đổi với báo Tiền phong Online bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 22/11/2016, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc tạm dừng TPP chính là cơ hội để ngành dệt may sẽ chủ động hơn về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Một vấn đề tác động lớn đến ngành dệt may trong năm 2017 còn là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0). Công nghiệp 4.0 với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và internet sẽ tạo ra các lợi thế hết sức to lớn. Cuộc cách mạng này nâng cao mức thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống khi các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra với chi phí thấp, việc thực hiện được đơn giản hóa.

Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 dự báo cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các ngành sản xuất. Đó là nguy cơ mất việc làm cao đối với một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy. Một báo cáo mới đây của ILO vào ngày 07/07/2016) dự báo, máy móc công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể thay thế 85% lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập kỷ tới.

Bàn về những vấn đề đặt ra đối với chính sách phát triển ngành dệt may trong bối cảnh công nghiệp 4.0, dẫn lời TS. Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam trên Báo điện tử VOV cho rằng, đối với ngành dệt may, một ngành có tính thời trang cao, có nhiều công đoạn sản xuất, công nghiệp 4.0 khó có thể đồng loạt thay thế lao động tay chân của con người trong thời gian ngắn, nhất là công đoạn may.

Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc, song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất dệt may cũng khác nhau.

Mặt khác, Phó Chủ tịch Vitas cũng cho biết, dệt may Việt Nam trong công nghiệp 4.0 sẽ phải đối mặt với nguy cơ chuyển dần sản xuất quay lại các nước, như: Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc… là các quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Đồng thời tạo ra sự chênh lệch lớn về trình độ và thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp, trong ngành và giữa các ngành nghề với nhau.

Giải pháp nào trong thời gian tới?

Đứng trước hàng loạt thách thức đặt ra, năm 2017, theo ông Lê Tiến Trường, để ngành dệt may Việt Nam phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh thì trong thời gian tới, cần tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước; quản lý tốt hơn các dự án đầu tư vào dệt may.

Ngoài ra, cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành dệt may phù hợp với tốc độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Thống nhất quy hoạch, cấp phép các khu công nghiệp dệt may và hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật đang gây vướng mắc cho doanh nghiệp dệt may. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dệt may. Ban hành các chính sách thu hút công nghệ tiên tiến…

Nhằm hóa giải thách thức từ việc tạm dừng TPP, ngành cũng cần biến thách thức thành cơ hội bằng cách chủ động được nguồn nguyên liệu, như trồng sợi thế nào để phục vụ ngành may mặc tốt hơn.

Ngoài ra, đối với áp lực từ công nghiệp 4.0, theo TS. Trương Văn Cẩm, cần nhìn sự tác động của nó đến ngành dệt may bằng cái nhìn thực tế, khách quan phù hợp với đặc điểm của một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp với giá cả hợp lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ) để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn; liên kết với đối tác, khách hàng để nắm bắt xu hướng, nhu cầu đối với các loại sản phẩm, có nguy cơ di chuyển sản xuất về lại thị trường đang tiêu thụ.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.

Các doanh nghiệp dệt may cũng cần tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất hiện có để tăng tích lũy, chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới công nghệ. Chuyển dần từng bước sang xu hướng khai thác thị trường nội địa./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/8703/kim-ngach-xuat-khau-det-may-ca-nam-2016-uoc-dat-28-5-ty-dola.aspx

http://vov.vn/kinh-te/cong-nghiep-40-tac-dong-gi-den-nganh-det-may-viet-nam-573009.vov

http://www.tienphong.vn/kinh-te/tam-dung-tpp-la-co-hoi-cho-det-may-nong-nghiep-1075848.tpo

http://baophapluat.vn/thi-truong/vi-sao-xuat-khau-det-may-viet-nam-tut-doc-308961.html