"Ngành Tài chính cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa"
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 được tổ chức vào sáng nay (ngày 07/7).
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị/Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng đánh giá cao vai trò quan trọng của ngành tài chính
Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cho biết, tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.
Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó: thu nội địa đạt 44,1% dự toán, giảm 7,1%; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,1% dự toán, giảm 22,3% so với cùng kỳ 2019.
Trong thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực DNNN đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15%. Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.
Cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.Tính đến cuối tháng 6, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 149 nghìn đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh; tổng số tiền được gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180 nghìn tỷ đồng) do khi tính toán tác động dựa trên tình hình thực hiện những tháng cuối năm 2019, chưa dự báo được những khó khăn nghiêm trọng của kinh tế 6 tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, tổng chi NSNN tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Nhìn chung, công tác điều hành chi NSNN thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.
Đến nay, NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó: chi cho công tác phòng chống dịch là 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.
Ngân sách trung ương cũng đã chi 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...). Bên cạnh đó, đã xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong bối cảnh khó khăn, "chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của ngành tài chính". Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
“Chính phủ, các cấp, các ngành, cả nước đều kỳ vọng, muốn các đồng chí đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển để chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra những động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi, phát triển, tận dụng tốt cơ hội sớm khống chế thành công dịch bệnh”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng được nghe nhiều ý kiến từ nhiều địa phương thể hiện quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu năm nay, hoặc chỉ điều chỉnh rất ít. Quyết tâm này đáng trân trọng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn.
Thời gian khó khăn vừa qua chính là thời điểm thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của dân tộc ta, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực vượt khó vươn lên.
Kết quả quan trọng đạt được trên cả 3 trụ cột: phòng, chống dịch; duy trì tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng, điều này có đóng góp quan trọng của đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị cùng lãnh đạo Bộ Tài chính/Ảnh: Bộ Tài chính
Ngành tài chính đã xử lý kịp thời mọi khoản kinh phí, bảo đảm nhiệm vụ phòng, chống dịch, cách ly xã hội, hỗ trợ người dân, viện trợ nhân đạo, đặc biệt ngay trong lúc dịch bệnh chưa kết thúc, đã đề xuất các chính sách hỗ trợ phí, thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đề xuất chính sách chưa nâng lương cho cán bộ, công chức…
Tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành phải phấn đấu cao nhất để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đã đề ra; Bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối với các nền kinh tế.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như các nước có tỉ lệ nợ công rất cao, mặt bằng lãi suất rất thấp thì chúng ta có tỉ lệ nợ công liên tục giảm và đang ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất còn cao, tình hình vĩ mô ổn định.
Để thực sự phát huy vai trò huyết mạch của ngành tài chính, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng đề nghị tập trung nghiên cứu, triển khai một số quan điểm, định hướng chủ đạo.
Trước hết, Bộ Tài chính, cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách. Cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi NSNN, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Tôi đề nghị các đồng chí cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, năng lượng mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta”, Thủ tướng nói.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Cho biết nhiều nước trên thế giới đã liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ lên đến trên 11.000 tỷ USD, đưa mức thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
Về tỉ lệ nợ công/GDP, chúng ta đã giảm xuống mức dưới 55%. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3%-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
“Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Bộ Tài chính phải có tầm nhìn bao quát rộng hơn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là một cơ quan tổng hợp của Chính phủ trong quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường giá cả, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá.
“Chúng ta cương quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%”, Thủ tướng nói. Rà soát, thực hiện hiệu quả các biện pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán và các dịch vụ tài chính, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro, phòng chống hiệu quả mua bán, sáp nhập bất hợp pháp, xử lý nghiêm các vi phạm.
Về thu ngân sách, không để mất cân đối lớn. Về chi ngân sách, thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ.
Đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng gợi mở một số biện pháp xử lý vấn đề giải ngân chậm: Một là, nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào. Thứ hai, thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương do một số bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Thứ ba, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được. Thứ tư, lần này sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu bí thư, chủ tịch, các giám đốc sở, chủ dự án phải xuống tận các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn. Nếu cứ nói sơ sơ, không phê bình, đấu tranh thì làm sao giải ngân được, Thủ tướng kiên quyết. Cần chế tài mạnh trong vấn đề này.
Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, không để xảy ra những nhũng nhiễu, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngành tài chính phải hợp tác chặt chẽ, một ngành phục vụ các ngành, các địa phương và nhân dân./.
Bình luận