Người tiêu dùng trẻ đặc biệt quan tâm tới ESG
ESG là tên tắt của cụm từ chỉ các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Theo đánh giá của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ), ESG ngày càng trở thành vấn đề được quan tâm trên toàn cầu và riêng tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, ESG nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Mối quan tâm này xuất phát từ việc Chính phủ quyết tâm tạo hành lang pháp lý mới, đưa dần các quy chuẩn ESG vào các chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ, đồng thời bản thân người tiêu dùng cũng ngày càng có sự lựa chọn khắt khe hơn cho các sản phẩm chọn mua hàng.
Trong số 25 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát, các yếu tố ESG có ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi mua sắm ở Ấn Độ, Philippines và Việt Nam |
Khảo sát của PwC cũng chỉ ra rằng, tình trạng bất ổn trên toàn cầu và các vấn đề chuỗi cung ứng đang khiến nhiều người tiêu dùng dành nhiều sự quan tâm hơn đối với thị trường trong nước. 80% người được khảo sát bày tỏ ý định sẵn sàng trả giá cao hơn mức trung bình cho các sản phẩm địa phương hoặc nội địa.
Cho đến nay, phần lớn người tiêu dùng đang phải đối mặt với mức lạm phát cao hơn. Trên 75% dự kiến sẽ duy trì hoặc tăng mức chi tiêu hiện tại trên hầu hết các danh mục trong 6 tháng tới. Đặc biệt, 47% người được hỏi mong muốn chi tiêu nhiều hơn cho hàng nhu yếu phẩm. Một thông tin đáng chú ý cho tương lai mua sắm, có hơn 25% người tiêu dùng có kế hoạch giảm chi tiêu trong một số ngành hàng, bao gồm hàng xa xỉ /cao cấp (37%), ăn uống (34%), nghệ thuật, văn hóa và thể thao (30%); và thời trang (25%).
Nhìn chung, sự gia tăng giá của mặt hàng nhu yếu phẩm là vấn đề phổ biến nhất tác động đến trải nghiệm mua sắm. Hơn một nửa số người tiêu dùng toàn cầu (57%) nói rằng, họ hầu như luôn luôn hoặc thường xuyên gặp phải tình trạng giá hàng tạp hóa tăng cao. Số liệu này ở Mỹ và Canada là 69%, theo sau Nam Phi (76%) và Brazil (74%) là các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tình trạng lạm phát giá cả hàng hóa. Trong khi đó, tại Việt Nam, kết quả báo cáo trong mua sắm tại cửa hàng và trực tuyến đều cũng cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu.
Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương Vụ, PwC Việt Nam, ông Mohammad Mudasser nhận xét, người tiêu dùng Việt Nam đang áp dụng những cách thức mua hàng mới, đặc biệt là ở các đô thị loại 1. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lạm phát, khách hàng đã nhanh chóng điều chỉnh hành vi mua sắm của mình. Họ không thỏa hiệp với chất lượng sản phẩm, lựa chọn và dịch vụ thấp hơn mà tích cực chuyển đổi giữa các kênh mua hàng để đảm bảo trải nghiệm mua sắm phù hợp. “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khi tận dụng những chỗ trống trong cung cấp dịch vụ. Đây sẽ là bài kiểm tra sự nhạy bén và sức bền của doanh nghiệp; đảm bảo giải quyết tình trạng gián đoạn, đáp ứng kỳ vọng và duy trì mối quan hệ với khách hàng”, ông nói.
Trong số 25 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tham gia cuộc khảo sát, các yếu tố ESG có ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi mua sắm ở Ấn Độ, Philippines và Việt Nam và ít có khả năng ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản, Pháp và Hồng Kông. Đối với việc cân nhắc mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam, các yếu tố quản trị (59%) và xã hội (51%), vượt trội hơn cam kết môi trường (46%). Các yếu tố ESG có ý nghĩa lớn hơn đối với thế hệ Gen Z và những người trẻ thuộc thế hệ Millennials và ít hơn đối với thế hệ Gen X và Baby Boomers.
Tỉ lệ người tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng hành vi mua sắm bởi các yếu tố ESG của thương hiệu cao hơn mức trung bình toàn cầu |
Các yếu tố quan trọng nhất để thương hiệu nuôi dưỡng và xây dựng niềm tin xoay quanh ESG là bảo mật dữ liệu và trải nghiệm khách hàng. Bảo mật dữ liệu cá nhân được xếp hạng đầu (58%) có tác động lớn đến niềm tin thương hiệu - đã tăng 11 điểm trong 6 tháng qua.
Theo PwC, việc đo lường hiệu quả tiêu dùng bằng các tiêu chí ESG sẽ không còn là tùy chọn mà trở thành yêu cầu cần thiết trong thời gian tới. ESG sẽ là một tiêu chí đánh giá trong phễu lọc doanh nghiệp, tạo nên sức bền của doanh nghiệp và là động lực tạo và thúc đẩy giá trị. Các nhà đầu tư kêu gọi cần có thêm cái nhìn sâu hơn vào rủi ro và thực thi ESG và các chính phủ các quốc gia đang xem xét ESG như các tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính phổ biến.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã thể hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26 và một nền tảng pháp lý mới hướng đến việc thực thi các cam kết tại COP 26 đang được định hình. Những thay đổi này sẽ tác động đến tất cả các ngành, đặc biệt là tới cách vận hành, cách lựa chọn sản phẩm để phát triển và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng của các ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam.
Gần 2.000 doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện kiểm kê khí nhà kínhLiên quan đến việc thúc đẩy các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam thực thi ESG, tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu 6 lĩnh vực gồm năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất; chất thải và gần 2.000 doanh nghiệp, trải dài trên hầu hết các tỉnh thành phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính kể từ ngày 18/1/2022. Cùng với đó, tháng 1 năm 2022, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạy ý kiến của Thủ tướng, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thị trường nhằm tạo cơ sở trao đổi, mua bán tín chỉ carbon giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Triển khai thực hiện tốt thị trường carbon sẽ giúp các doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng carbon thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Thỏa thuận Paris. |
Bình luận