Nền kinh tế tóc bạc: Nghiên cứu chính sách của Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam
ThS. Nguyễn Thị Thanh Lam
Học viện Ngoại giao
Email: lamntt@dav.edu.vn
Trần Ngọc Phương Thảo
Sinh viên Học viện Ngoại giao
Email: phuongthaodav614@gmail.com
Tóm tắt
Bài viết phân tích thực trạng và chính sách phát triển kinh tế tóc bạc tại Trung Quốc – quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Qua đó, bài viết tiến hành phân tích SWOT để xác định tiềm năng và thách thức nhằm phát triển kinh tế tóc bạc tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị giúp xây dựng một hệ sinh thái kinh tế bền vững và phù hợp với điều kiện văn hóa, kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Từ khóa: kinh tế tóc bạc, Trung Quốc, Việt Nam, già hóa dân số
Summary
The article analyzes the current situation and policies for developing the silver economy in China – a country with extensive experience in addressing population ageing. It conducts a SWOT analysis to identify the opportunities and challenges for developing the silver economy in Vietnam. The authors propose recommendations for building a sustainable economic ecosystem tailored to Vietnam’s cultural, economic and social conditions.
Keywords: silver economy, China, Vietnam, ageing population
GIỚI THIỆU
Già hóa dân số là xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, thể hiện tình trạng tuổi thọ trung bình trong xã hội tăng và tỷ lệ sinh giảm. Tại Việt Nam, dân số đã bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011, và dự kiến sẽ đạt đến thời kỳ dân số già vào năm 2036, đặt ra những thách thức to lớn về an sinh xã hội, y tế và lao động (Tú, 2023). Tuy nhiên, xu hướng này cũng mở ra cơ hội phát triển một hệ sinh thái kinh tế mới – nền kinh tế tóc bạc – tập trung vào việc phục vụ và khai thác tiềm năng của người cao tuổi, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hiện nay, trong khi nhiều quốc gia phát triển đã có chiến lược toàn diện để thúc đẩy nền kinh tế tóc bạc, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu trong việc nhận thức và triển khai các chính sách liên quan. Việt Nam vẫn chưa phát triển đầy đủ chính sách hoặc mô hình kinh tế cụ thể để giải quyết các thách thức và tận dụng những cơ hội tiềm năng mà già hóa dân số mang lại. Trong khi đó, Trung Quốc - một quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh, đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược trong việc phát triển “nền kinh tế tóc bạc”, với trọng tâm tập trung vào nhóm dân số cao tuổi, như một động lực cho phát triển kinh tế. Các chính sách này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của người cao tuổi, cả trong vai trò là người lao động và người tiêu dùng; đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính xã hội. Việc học hỏi và điều chỉnh các mô hình này từ Trung Quốc có thể mang lại nhiều bài học quý giá và cung cấp những hướng đi thực tiễn cho Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế thích ứng với dân số già.
Do đó, bài viết tập trung phân tích chính sách và mô hình phát triển kinh tế tóc bạc của Trung Quốc, đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Qua phân tích SWOT, bài viết sẽ làm rõ các cơ hội và thách thức, đồng thời đưa ra các khuyến nghị phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, nhằm xây dựng một nền kinh tế tóc bạc bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Theo lý thuyết vòng đời, người cao tuổi thường có xu hướng tiết kiệm thấp hơn người trẻ trong độ tuổi lao động, làm giảm tổng mức tiết kiệm và đầu tư vào nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng sản lượng (BBörsch-Supan và cộng sự, 2008). Đồng thời, sự gia tăng tỷ lệ người cao tuổi tạo ra gánh nặng lên ngân sách quốc gia, do chi phí cao hơn cho lương hưu, y tế, và các dịch vụ xã hội khác (Otsu và cộng sự, 2016). Kết quả nghiên cứu của (Hviding và cộng sự, 1998) cũng chỉ ra rằng, quá trình già hóa dân số có thể làm giảm GDP bình quân đầu người.
Tuy nhiên, một số học giả đã nhấn mạnh khả năng bù đắp tác động tiêu cực của già hóa dân số thông qua các thay đổi trong lực lượng lao động. Onofri (2004) cho rằng, tỷ lệ tham gia lao động có thể tăng lên, đặc biệt khi tuổi thọ kéo dài và người cao tuổi quyết định kéo dài thời gian làm việc, đóng góp thêm vào nền kinh tế. Nghiên cứu của Fougère và Merette (1999b) sử dụng mô hình tăng trưởng nội sinh cho thấy, quá trình già hóa dân số có thể có tác động tích cực đến GDP bình quân đầu người trong dài hạn thông qua việc tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực. Fukuda và Morozumi (2024) cũng đã đưa ra những kết luận tương tự, cho rằng, dân số già hóa có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Với cách tiếp cận trung lập, Aisa và Pueyo (2013) nhận định rằng, già hóa dân số có thể mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế, tùy thuộc vào các yếu tố nội sinh của nền kinh tế, như: tiết kiệm quốc gia và tích lũy vốn. Các tác động tiêu cực từ sự phụ thuộc của người cao tuổi và tác động tích cực từ tích lũy vốn có thể tương tác phức tạp với nhau, yêu cầu cần có sự đánh giá toàn diện về ảnh hưởng của già hóa dân số đối với phát triển kinh tế trong từng bối cảnh cụ thể.
THỰC TRẠNG NỀN KINH TẾ TÓC BẠC CỦA TRUNG QUỐC
Trung Quốc hiện đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, gây ra những tác động lớn về kinh tế và xã hội. Năm 2023, người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 21,1% dân số Trung Quốc (tương đương 297 triệu người), trong đó có hơn 216 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 15,4% tổng dân số cả nước. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng nhanh trong những thập kỷ tới. Đến năm 2050, nhóm dân số trên 65 tuổi có thể chiếm tới 30% tổng dân số, tương đương 380 triệu người. Đồng thời, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên có thể chiếm tới 39,9% dân số Trung Quốc, tăng gần gấp đôi so với hiện nay (de Guzman, 2024). Điều này làm cho Trung Quốc trở thành quốc gia có xã hội siêu già theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.
So với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới, tốc độ già hóa dân số của Trung Quốc diễn ra rất nhanh. Tỷ lệ người cao tuổi ở Trung Quốc hiện đang thấp hơn Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng với tốc độ già hóa hiện nay, Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua nhiều quốc gia phát triển. Trong khi Nhật Bản mất hơn 25 năm để tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 7% lên 14%, thì Trung Quốc chỉ mất chưa đầy 20 năm cho sự gia tăng tương tự. Điều này làm nổi bật sự nghiêm trọng của vấn đề già hóa dân số tại Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu.
Từ giữa những năm 2012, Trung Quốc bắt đầu quá trình già hóa dân số và từ giai đoạn này trở đi, kinh tế Trung Quốc có biểu hiện suy giảm rõ rệt. Song song với tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội ngày càng lớn, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần, từ 7,77% (2013) xuống chỉ còn 5,25% (2023), với một số năm biến động mạnh như năm 2020 giảm xuống 2,24% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dù năm 2021 có sự phục hồi kinh tế, với GDP tăng lên mức 8,45%, nhưng sau đó lại tiếp tục giảm (Hình 1). Sự gia tăng dân số già kéo theo gánh nặng về chi phí chăm sóc và trợ cấp, trong khi lực lượng lao động trẻ giảm dần khiến nền kinh tế gặp khó khăn trong việc duy trì mức tăng trưởng cao (World Bank, 2024).
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với tổng dân số Trung Quốc, giai đoạn 2013-2023
Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB) |
Già hóa dân số, do đó, đang tạo ra những thách thức lớn đối với các hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, đe dọa sự phát triển bền vững và khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Việc gia tăng nhanh chóng số lượng người cao tuổi khiến hệ thống bảo hiểm và lương hưu đối mặt với áp lực tài chính nặng nề. Lực lượng lao động giảm khiến số lượng người thụ hưởng lương hưu và các dịch vụ an sinh xã hội tăng lên, đặc biệt là khi tỷ lệ người già phụ thuộc (người trên 65 tuổi so với nhóm lao động) được dự báo sẽ đạt khoảng 52% vào năm 2050, nghĩa là mỗi 2 người lao động sẽ phải hỗ trợ 1 người cao tuổi. Trong khi đó, hệ thống lương hưu của Trung Quốc hiện phải dựa nhiều vào trợ cấp chính phủ để tránh thâm hụt, với tỷ lệ đóng góp lên tới 28% (20% từ chủ sử dụng lao động và 8% từ người lao động) – một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới, nhưng vẫn không đảm bảo được tính bền vững lâu dài do nhu cầu chi trả ngày càng tăng cao (China, 2023).
Tuy nhiên, nhóm người cao tuổi đã và đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thị trường tiêu dùng của Trung Quốc. Theo Trung tâm nghiên cứu về lão hóa Trung Quốc, tổng mức tiêu dùng của người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ vào khoảng 12-15,5 nghìn tỷ NDT vào năm 2030 và tỷ lệ trên GDP quốc gia sẽ tăng lên 8,3%-10,8%; đến năm 2050, tổng mức tiêu dùng của người già cả nước sẽ là 40-69 nghìn tỷ NDT, tỷ lệ trên GDP quốc gia sẽ tăng lên 12,2%-20,7% (Guangming, 2024).
Chính vì những điều này, Chính phủ Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh một loại hình kinh tế là “Nền kinh tế tóc bạc”, mở ra tiềm năng lớn cho các ngành dịch vụ và sản phẩm chăm sóc người cao tuổi, từ y tế đến các thiết bị hỗ trợ và sản phẩm sinh hoạt chuyên biệt.
Chính sách phát triển nền kinh tế tóc bạc của Trung Quốc
Trước xu thế già hóa dân số ngày càng nhanh tại Trung Quốc, Chính phủ đã tiến hành các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế tóc bạc – một hệ thống kinh tế bao gồm nhiều hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi. Bằng cách thiết lập các chính sách cụ thể, chính quyền Trung Quốc không chỉ tìm cách giải quyết nhu cầu ngày càng gia tăng trong xã hội, mà còn hướng tới một mô hình phát triển kinh tế bền vững, mang lại hạnh phúc và an sinh cho người cao tuổi.
Vào ngày 15/1/2024, Văn phòng Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về Phát triển nền kinh tế Tóc Bạc nhằm cải thiện phúc lợi cho người cao tuổi”. Đây là văn bản đầu tiên tập trung vào phát triển nền kinh tế tóc bạc, nhấn mạnh việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và khai thác tiềm năng của thị trường tiêu dùng này. “Ý kiến” gồm 26 biện pháp, tập trung vào 4 trụ cột chính.
Thứ nhất, phát triển đời sống dân sinh và giải quyết các nhu cầu cấp thiết của người dân. Trung Quốc đề ra các biện pháp cụ thể để hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi. Chính sách khuyến khích các cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dưỡng lão cung cấp dịch vụ bữa ăn cho người già. Các dịch vụ chăm sóc tại nhà, dịch vụ tiện ích trong cộng đồng cũng được mở rộng và cải thiện. Ngoài ra, Chính sách còn định hướng các cửa hàng bán lẻ sản phẩm phục vụ người cao tuổi và phát triển các cơ sở dịch vụ phù hợp ngay trong cộng đồng. Về mặt chăm sóc y tế, chính phủ Trung Quốc đã phát triển mô hình “y tế cộng đồng và điều dưỡng tại nhà”, giúp người cao tuổi nhận được dịch vụ y tế ngay tại nhà. Đồng thời, tăng cường phát triển các khoa lão khoa tại các bệnh viện, bao gồm cả bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc, nhằm kết hợp giữa chăm sóc y tế và chăm sóc điều dưỡng. Bên cạnh đó, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi được cải tạo để tăng cường năng lực phục vụ người cao tuổi bị khuyết tật, trong khi các hoạt động thể thao và văn hóa phù hợp với người cao tuổi cũng được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và rèn luyện.
Thứ hai, mở rộng nguồn cung sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trung Quốc chú trọng vào việc cải thiện chất lượng và số lượng sản phẩm phục vụ người cao tuổi, đồng thời thúc đẩy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp Nhà nước và sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ đã quy hoạch khoảng 10 khu kinh tế và công nghiệp chất lượng cao phục vụ nền kinh tế tóc bạc, bao gồm: Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và Khu vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, đồng thời, thực hiện các dự án thí điểm tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực như dịch vụ chăm sóc và chuyển đổi thân thiện với người cao tuổi. Ngoài ra, việc thúc đẩy phát triển thương hiệu và bồi dưỡng các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế bạc cũng là một ưu tiên. Trung Quốc đang triển khai các chương trình thí điểm tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chăm sóc người già và chuyển đổi thân thiện với người cao tuổi.
Các kênh mua sắm cho người cao tuổi cũng được mở rộng thông qua các lễ hội mua sắm theo chủ đề trên các nền tảng thương mại điện tử và siêu thị lớn. Một trong những thị trường tiềm năng nhất chính là các dịch vụ, ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe. Chính phủ Trung Quốc đã sớm quan tâm tới “cuộc sống ảo” của nhóm dân số già khi vào cuối năm 2020, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch Hành động đặc biệt về thích ứng và cải thiện khả năng truy cập ứng dụng internet”, khởi động dự án kéo dài một năm nhằm thích ứng và cải thiện khả năng truy cập ứng dụng Internet cho người cao tuổi, có hiệu lực từ tháng 01/2021.
Thứ ba, tập trung phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng. Chính phủ khuyến khích sáng tạo và cải tiến sản phẩm cho người cao tuổi, tạo ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông minh, bao gồm ứng dụng robot chăm sóc và robot dịch vụ gia đình. Các sản phẩm và thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng cũng được phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Lĩnh vực chống lão hóa cũng được quan tâm. Trung Quốc đang đẩy mạnh kết hợp giữa công nghệ sinh học và y học để phát triển các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ phát hiện sớm bệnh tật ở người cao tuổi. Ngoài ra, các sản phẩm tài chính phục vụ hưu trí được cải tiến để phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và hưu trí của người cao tuổi. Về mặt du lịch nghỉ dưỡng, Chính phủ lập kế hoạch phát triển các điểm đến phù hợp cho người cao tuổi, xây dựng môi trường không rào cản và thực hiện cải tạo nhà ở thân thiện với người cao tuổi. Một dự án cải thiện khả năng tiếp cận kỹ thuật số cũng đang được thực hiện nhằm giúp người cao tuổi dễ dàng hơn trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ.
Thứ tư, tăng cường nguồn lực và tối ưu hóa môi trường phát triển. Chính phủ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng, sức khỏe thông minh và chăm sóc người cao tuổi; đồng thời, lập kế hoạch cho các dự án nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ có tính chiến lược. Nhu cầu về đất cho các cơ sở dịch vụ chăm sóc người già và ngành công nghiệp kinh tế bạc cũng được ưu tiên, đồng thời, hỗ trợ tái sử dụng các cơ sở hiện có để xây dựng trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các tổ chức tài chính tăng cường hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ sở dịch vụ chăm sóc người già. Việc xây dựng đội ngũ nhân lực có tay nghề trong lĩnh vực này được đặc biệt chú trọng, đồng thời thiết lập các biện pháp chống gian lận nhằm bảo vệ người cao tuổi.
Đến ngày 05/3/2024, “Báo cáo công tác Chính phủ của Hội đồng Nhà nước năm 2024” đã đưa ra đề xuất: tăng cường cung cấp vật tư, dịch vụ và trợ cấp lương hưu cho người già và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế bạc.
Ngày 13/6/2024, “Ý kiến chỉ đạo về đẩy nhanh phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở nông thôn” đã được ban hành. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai toàn diện và có hệ thống, đặc biệt là phát triển các dịch vụ chăm sóc người già ở nông thôn ở cấp quốc gia. Với sự điều chỉnh chính sách này, Trung Quốc mong muốn tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và ngành công nghiệp, đẩy mạnh quy mô, tiêu chuẩn hóa, và xây dựng thương hiệu cho nền kinh tế tóc bạc, đồng thời phát triển các sản phẩm công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. “Ý kiến” tập trung hướng tới mục tiêu đến năm 2025, hệ thống chăm sóc người cao tuổi ở nông thôn của Trung Quốc sẽ được cải thiện hơn nữa, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân. Mỗi huyện (hoặc thành phố, khu vực) sẽ có ít nhất một cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những người gặp khó khăn đặc biệt, với trọng tâm là chăm sóc người cao tuổi khuyết tật. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ của các trung tâm dịch vụ chăm sóc người già tại các khu vực cấp thị trấn, phường trên toàn tỉnh sẽ đạt ít nhất 60%. Các dịch vụ hỗ trợ và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người già, như: chăm sóc người khuyết tật, kết hợp y tế với chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ bữa ăn, thăm viếng, học tập và giải trí cũng sẽ tiếp tục được mở rộng.
Trong năm 2024, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường quỹ an sinh xã hội trị giá 2,88 nghìn tỷ NDT (406 tỷ USD), khiến quỹ này “lớn hơn và mạnh hơn” để hỗ trợ dân số già.
Nhìn chung, các chính sách “nền kinh tế tóc bạc” của Trung Quốc không chỉ là một cách để cải thiện chất lượng sống cho người cao tuổi mà còn tạo động lực cho nền kinh tế và thúc đẩy phát triển công nghệ. Do đó nền kinh tế tóc bạc của Trung Quốc được đánh giá là có tiềm năng phát triển vô cùng lớn trong tương lai.
Đánh giá về sự phát triển của nền kinh tế tóc bạc của Trung Quốc
Mô hình phát triển nền kinh tế tóc bạc của Trung Quốc là một chiến lược tổng thể nhằm khai thác tiềm năng kinh tế từ nhóm dân số già đang tăng nhanh. Theo số liệu của Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc, quy mô “nền kinh tế bạc” hiện nay của Trung Quốc ước tính khoảng 7.000 tỷ NDT (982 tỷ USD), chiếm khoảng 6% tổng GDP của Trung Quốc. Đáng chú ý, cho tới năm 2035, quy mô này dự kiến tăng lên 30.000 tỷ NDT (4.200 tỷ USD), tương đương khoảng 10% tổng GDP khi đó (Trần, 2024).
Mô hình phát triển kinh tế tóc bạc của Trung Quốc đạt được những thành tựu quý giá về việc tận dụng nhu cầu của dân số già để thúc đẩy kinh tế: (i) Trung Quốc đã xây dựng chính sách tích hợp giữa chăm sóc xã hội và phát triển thị trường, không chỉ nâng cao chất lượng sống, mà còn tạo ra một ngành kinh tế lớn cho sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các khu công nghiệp đặc thù và tiêu chuẩn hóa dịch vụ chăm sóc giúp gia tăng cơ hội kinh doanh cho cả khu vực công và tư nhân, đồng thời giảm áp lực lên ngân sách nhà nước; (ii) Mô hình kinh tế tóc bạc không chỉ tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, mà còn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp liên quan, từ chăm sóc sức khỏe đến công nghệ và dịch vụ hỗ trợ.
Về ngành công nghiệp chăm sóc sức khoẻ, các biện pháp kết hợp như chăm sóc tại nhà và y tế cộng đồng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn làm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế công. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2023, mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Nền kinh tế tóc bạc mở ra cơ hội kinh doanh trong thị trường người tiêu dùng lớn tuổi, nhất là đối với các sản phẩm cải thiện sức khỏe và hỗ trợ dinh dưỡng. Các doanh nghiệp nội địa, như Mengniu và Yili, đã phát triển các dòng sản phẩm đặc biệt như sữa bột dành cho người cao tuổi, đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng đa dạng và giúp nâng cao sức khỏe.
Về công nghệ chăm sóc sức khỏe, nhiều công ty công nghệ điển hình như Yufang Medical hay Shanghai Life Technology đang tập trung phát triển thiết bị giám sát sức khỏe từ xa như Robot từ xa, kỹ thuật chụp ảnh đám mây MGI và các sản phẩm nhà thông minh để hỗ trợ người cao tuổi duy trì sức khỏe và cuộc sống độc lập.
Về công nghệ hỗ trợ khác trong bối cảnh kỹ thuật số ngày càng phát triển, nhiều công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc đang điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ của họ để phục vụ người dùng cao tuổi, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ nhóm dân số này. Tencent và WeChat đã cùng nhau phát triển “Chế độ dễ dàng” dành riêng cho người cao tuổi, cho phép người dùng chỉnh cỡ phông chữ lớn hơn, nút bấm to và màu sắc sắc nét hơn. Tương tự, Gaode Map của Alibaba đã triển khai “Chế độ dành cho người cao tuổi” trong dịch vụ gọi xe. Chỉ cần quét mã QR, người dùng lớn tuổi có thể đặt chuyến đi một cách dễ dàng, và các thành viên gia đình có thể theo dõi hành trình, đảm bảo an toàn. Hơn 15 triệu chuyến đi đã được thực hiện qua tính năng này, phục vụ hơn 6,6 triệu người cao tuổi kể từ tháng 2 năm 2021. Cách tiếp cận của các công ty lớn này cho thấy sự chú trọng vào việc lắng nghe và đáp ứng nhu cầu thực tế của người cao tuổi, giúp họ hòa nhập vào thế giới số một cách thuận tiện hơn (CBBC, 2024).
KHUYẾN NGHỊ KÍCH HOẠT NỀN KINH TẾ BẠC CHO VIỆT NAM
Tiềm năng phát triển kinh tế tóc bạc tại Việt Nam được thể hiện qua phân tích SWOT như Hình 2.
Hình 2: Phân tích SWOT về tiềm năng phát triển nền kinh tế tóc bạc tại Việt Nam
Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của Trung Quốc, ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên bắt tay ngay vào nghiên cứu, đưa ra tầm nhìn, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc.
(i) Về tầm nhìn và đổi mới nhận thức. Với số lượng người cao tuổi dự báo sẽ đạt gần 17 triệu người vào năm 2039, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển một hệ sinh thái kinh tế đa dạng, phục vụ nhu cầu phong phú của nhóm dân số này (Hà Lê, 2024). Nền kinh tế bạc không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực truyền thống, như: chăm sóc sức khỏe hay bảo hiểm mà còn mở rộng ra các ngành khác, như: du lịch, công nghệ, bất động sản và giáo dục. Điều này đòi hỏi chúng ta cần thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của người cao tuổi. Người cao tuổi cần được nhìn nhận là những người tiêu dùng tiềm năng, là kho tàng kinh nghiệm sống và tri thức quý báu. Họ có thể đóng vai trò cố vấn, nhà đào tạo, hoặc tham gia vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với sức khỏe.
(ii) Về hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiện nay, Việt Nam đã có những văn bản pháp luật và nghị quyết liên quan để không chỉ bảo vệ quyền lợi mà còn phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12, ngày 23/11/2009 đặt nền móng cho việc bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ, chăm sóc, và phát huy vai trò của người cao tuổi, đồng thời kêu gọi xây dựng môi trường sống thân thiện với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn tồn đọng một số nội dung chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng và thiếu sự đồng bộ, cụ thể hóa trong các lĩnh vực thiết yếu, như: bảo hiểm, hưu trí, y tế và phát triển dịch vụ thân thiện với người cao tuổi, dẫn đến khó khăn trong việc thúc đẩy nền kinh tế tóc bạc. Để giải quyết vấn đề này, cần ưu tiên xây dựng chính sách và pháp luật đồng bộ về kinh tế tóc bạc. Trước hết, việc sửa đổi và bổ sung Luật Người cao tuổi là rất cần thiết, nhằm đưa ra những quy định cụ thể hơn về quyền lợi của người cao tuổi trong việc tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, như: nhà nước, doanh nghiệp, và cộng đồng trong việc chăm sóc và phát huy vai trò của nhóm đối tượng này.
(iii) Về xây dựng kế hoạch và chính sách hành động cụ thể.
Thứ nhất, cần tập trung vào chính sách hỗ trợ tài chính cho người cao tuổi. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm y tế mở rộng và các gói tài chính đặc thù cần được phát triển nhằm đáp ứng khả năng chi trả và nhu cầu của người cao tuổi. Học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Việt Nam có thể mở rộng hệ thống bảo hiểm hưu trí cơ bản và triển khai các sản phẩm tài chính ưu đãi cho người cao tuổi, như gói tiết kiệm dành riêng hoặc chương trình tín dụng hỗ trợ. Các chính sách này không chỉ bảo vệ quyền lợi người cao tuổi, mà còn khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực tài chính dành cho nhóm đối tượng này.
Thứ hai, cần xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ chăm sóc toàn diện. Theo mô hình của Nhật Bản, việc phát triển các trung tâm chăm sóc ban ngày, dịch vụ chăm sóc tại nhà, và các cơ sở dưỡng lão chất lượng cao là rất cần thiết. Tại Việt Nam, chính quyền địa phương nên khuyến khích đầu tư tư nhân vào các mô hình này, kết hợp với hệ thống hỗ trợ từ Nhà nước để đảm bảo chi phí hợp lý. Ngoài ra, việc mở rộng các chuyên ngành lão khoa trong hệ thống y tế và đào tạo nhân lực y tế chuyên biệt cũng là yếu tố quan trọng nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc.
Thứ ba, cần tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia kinh tế - xã hội. Chính sách hỗ trợ linh hoạt, như: giảm giờ làm việc, tạo cơ hội việc làm bán thời gian hoặc phát triển các chương trình đào tạo kỹ năng mới sẽ giúp người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào lực lượng lao động. Ví dụ, tại Trung Quốc, chính quyền đã thực hiện các chương trình khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động cao tuổi, đặc biệt trong các ngành nghề phù hợp, như: dịch vụ, giáo dục, và các công việc mang tính hướng dẫn, cố vấn. Trung Quốc cũng xây dựng các trung tâm đào tạo kỹ năng để giúp người cao tuổi học tập các công nghệ mới hoặc nâng cao năng lực trong lĩnh vực mới, như thương mại điện tử, nơi họ có thể làm việc tại nhà hoặc bán thời gian. Những chính sách này không chỉ hỗ trợ người cao tuổi duy trì thu nhập, mà còn giúp họ cảm thấy được tôn trọng và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp tương tự, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và du lịch, nơi người cao tuổi có thể phát huy kinh nghiệm và kiến thức tích lũy của mình.
Các chính sách phát triển kinh tế tóc bạc này được đưa ra cần được nội địa hóa và lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, với sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan nằm tạo tiền đề để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế tóc bạc tại Việt Nam.
(iv) Về hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng, việc hợp tác quốc tế trở thành một yếu tố quan trọng để Việt Nam xây dựng và phát triển nền kinh tế bạc. Hợp tác không chỉ mang lại cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước mà còn giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ hiện đại và giải pháp quản lý hiệu quả. Trung Quốc là một đối tác tiêu biểu trong lĩnh vực này. Với kinh nghiệm phong phú trong việc ứng phó với già hóa dân số, Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình trao đổi chuyên gia và đào tạo cán bộ chuyên ngành lão khoa. Ngoài ra, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Nhật Bản trong việc phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, với khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,75 triệu USD, nhằm cải thiện điều kiện kinh tế và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam. (World Bank, 2024)
KẾT LUẬN
Bài viết đã làm rõ thực trạng và chính sách phát triển kinh tế tóc bạc tại Trung Quốc, cung cấp những bài học quan trọng có thể áp dụng cho Việt Nam. Thông qua phân tích SWOT, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển nền kinh tế tóc bạc, đặc biệt ở các lĩnh vực, như: dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng, phát triển công nghệ hỗ trợ và giáo dục kỹ năng suốt đời. Đồng thời, các khuyến nghị đưa ra không chỉ hướng tới việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người cao tuổi, mà còn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với điều kiện văn hóa và xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, bài viết cũng còn một số hạn chế khi chưa đi sâu vào phân tích vai trò của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy nền kinh tế tóc bạc tại Việt Nam, cùng với tác động lâu dài của các khuyến nghị chính sách đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội chưa được mô phỏng một cách chi tiết. Các nghiên cứu tiếp theo có thể phân tích vai trò của các bên liên quan, như: doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương trong phát triển nền kinh tế tóc bạc; đồng thời, sử dụng các công cụ mô phỏng kinh tế để đánh giá tác động dài hạn của các chính sách đề xuất đối với tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aisa, R., and Pueyo, F. (2013), Population aging, health care, and growth: A comment on the effects of capital accumulation, Journal of Population Economics, 1285-1301.
2. BBörsch-Supan, A., Reil-Held, A., and Schunk, D. (2008), Saving incentives, old-age provision and displacement effects: Evidence from the recent German pension reform, Journal of Pension Economics and Finance, 295-319.
3. C. P. (2023), How Severe Are China's Demographic Challenges? | ChinaPower Project, retrieved from https://chinapower.csis.org/china-demographics-challenges/.
4. CBBC (2024), Why you should consider targeting the elderly market in China, retrieved from https://www.cbbc.org/news-insights/why-you-should-consider-targeting-elderly-market-china.
5. CGTN (2024), China broadens concept of 'silver economy,' seizes sector opportunities, retrieved from https://news.cgtn.com/news/2024-01-22/China-broadens-concept-of-silver-economy-seizes-sector-opportunities--1qzOOdpa03C/p.html.
6. de Guzman, C. (2024), China Unveils 'Silver Economy' Plan for Aging Population, retrieved from https://time.com/6555949/china-silver-economy-aging-population-plan/.
7. Đoàn, V. (2024), Phát triển nền kinh tế bạc: 10 gợi mở cho Việt Nam, truy cập từ https://vneconomy.vn/phat-trien-nen-kinh-te-bac-10-goi-mo-cho-viet-nam.htm.
8. Fougère, M., and Mérette, M. (1999), Population ageing and economic growth in seven OECD countries, Economic Modelling, 411-427.
9. Fukuda, S., and Morozumi, R. (2004), Economic growth under the demographic transition: A theory and some international evidence, retrieved from http://ndl.ethernet.edu.et/bitstream/123456789/56677/1/117.pdf#page=30.
10. G. D. (2024), Seize the new development opportunities brought by the silver economy, retrieved from http://www.xinhuanet.com/comments/20240202/299fadb12296482488699af72636681b/c.html.
11. Guangming (2024), Somewhat surprisingly, the online shopping rate of netizens aged 60 and above reached 69.8%, retrieved from https://baijiahao.baidu.com/s?id=1813238038480250066&wfr=spider&for=pc
12. Hà Lê (2024), Dân số Việt Nam già hóa, nhu cầu viện dưỡng lão gia tăng, truy cập từ https://laodong.vn/suc-khoe/dan-so-viet-nam-gia-hoa-nhu-cau-vien-duong-lao-gia-tang-1347916.ldo.
13. Hviding, K., and Mérette, M. (1998), Macroeconomic Effects of Pension Reforms in The Context of Aging Populations: Overlapping Generations Model Simulations for Seven OECD Countries, retrieved from https://www.oecd-ilibrary.org/content/paper/638376177076.
14. Ingrosso, F. (2021), China’s Silver Economy - An Unmissable Opportunity, retrieved from https://daoinsights.com/opinions/chinas-silver-economy-an-opportunity-that-cant-be-missed/
15. Onofri, P. (2004), The Economics of an Aging Population, Edward Elgar Publishing, retrieved from Econpapers: https://econpapers.repec.org/bookchap/elgeebook/3381.htm.
16. Otsu, K., and Shibayama, K. (2016), Population aging and potential growth in Asia, Asian Development Review, 56-73.
17. Silver economy (2024), retrieved from https://baike.baidu.com/item/%E9%93%B6%E5%8F%91%E7%BB%8F%E6%B5%8E/4539949?fr=ge_ala.
18. T. A. (2023), Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ dân số già, truy cập từ https://dantri.com.vn/suc-khoe/viet-nam-chuan-bi-buoc-vao-thoi-ky-dan-so-gia-20230829171637591.htm.
19. Thái Bình (2024), Bộ Y tế Việt Nam và Cục Giám sát Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc ký kết ghi nhớ hợp tác, truy cập từ https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-viet-nam-va-cuc-giam-sat-duoc-pham-quoc-gia-trung-quoc-ky-ket-ghi-nho-hop-tac-169241112204010819.htm.
20. Trần, Đ. (2024), Trung Quốc và "nền kinh tế bạc", truy cập từ https://www.baodanang.vn/channel/5408/202401/trung-quoc-va-nen-kinh-te-bac-3964157/.
21. World Bank (2024), World development indicators, retrieved from https://databank.worldbank.org/source/world-development-indicators.
22. World Bank. (2024), Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng ở Việt Nam, truy cập từ https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2021/09/29/world-bank-japan-support-promoting-community-based-care-for-the-elderly-in-vietnam.
Ngày nhận bài: 21/11/2024; Ngày phản biện: 6/12/2024; Ngày duyệt đăng: 13/12/2024 |
Bình luận