Nhà đầu tư có quyền kiện Chính phủ khi có dấu hiệu vi phạm cam kết trong TPP
Ngày 23/06, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong Kỷ nguyên FTA thế hệ mới”.
Vào TPP: Cơ chế giám sát ngày càng chặt chẽ
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính bày tỏ lo lắng nhất về những cam kết của TPP, bởi trong những hiệp định khác, việc giám sát chưa được thực hiện nghiêm chỉnh lắm và đi vào thực thi cũng chưa có một cơ chế nào hữu hiệu. Còn trong TPP, cơ chế giám sát này rất chặt chẽ.
Ví dụ như với dệt may, Hoa Kỳ rất lo ngại và họ yêu cầu xuất xứ và quy trình chặt chẽ cơ bản từ A-Z. Thông qua cơ sở dữ liệu và quản lý rủi ro, họ nắm rất chắc năng lực sản xuất của Việt Nam, vì vậy, họ sẽ có ngay những đoàn giám sát khi có dấu hiệu bất thường về xuất khẩu tăng đột biến.
Bên cạnh đó, cơ chế pháp lý cũng là điều ông Tùng lo lắng, trước đây khi tham gia các hiệp định tự do, nếu làm sai thì cũng chưa hề có vụ kiện, giải quyết tranh chấp nào trong các nước ký kết. Còn với TPP, cơ chế nhà nước kiện nhà nước và cơ chế nhà đầu tư kiện nhà nước khi xảy ra vi phạm. Đây là thách thức và rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Về vấn đề trên, ông Hoàng Mạnh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, với cam kết trong TPP, nhà đầu tư sẽ được khởi kiện Chính phủ tại trọng tài quốc tế. Quy định này sẽ cho phép doanh nghiệp kiện từ giai đoạn đăng ký đầu tư và được áp dụng đối với các hợp đồng đầu tư. Với nội dung minh bạch hóa thủ tục giải quyết tranh chấp, xét xử công khai và cho phép sự tham gia của 3 bên.
Toàn cảnh diễn đàn
“Đây được coi là cam kết quan trọng và hoàn toàn mới, nhất là đối với các nước trong khối ASEAN. Nội dung này, Việt Nam cũng chưa từng cam kết ở hiệp định nào trước đó. Mặc dù việc minh bạch này sẽ tạo gánh nặng pháp lý, nhưng có tác động tích cực đến sự hành xử của từng nước”, ông Phương khẳng định.
Ngoài ra, đối với các cam kết phi thương mại trong TPP, như: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, môi trường, lao động cũng rất nghiêm ngặt. Sẽ không có hiện tượng các nước hạ thấp tiêu chuẩn môi trường, lao động để thu hút đầu tư, ông Phương cho biết.
Doanh nghiệp Việt phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chúng ta được hưởng nhiều ưu đãi, thì cũng phải mở cửa nhiều. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp thờ ơ với việc đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu các cơ hội, cũng như hạn chế những thách thức do các hiệp định tự do đem lại.
Lấy ví dụ đơn giản trong công tác xúc tiến thương mại, ông Sơn cho biết, xúc tiến thương mại là một hoạt động quan trọng để quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp đến với với các đối tác nước ngoài. Thế nhưng, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với các hoạt động này, nhiều chương trình xúc tiến thương mại mời đến hàng tháng, mà các doanh nghiệp không đi, đăng ký xong rồi bỏ đấy.
Vì thế, theo ông Sơn, chính trong bối cảnh này, chúng ta cần phải nhìn nhận lại mình để thay đổi tư duy và thái độ, bởi trong tương lai, doanh nghiệp phải tự mình vươn lên để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, do các loại hỗ trợ của Nhà nước bắt buộc phải giảm và cắt bỏ theo các cam kết của các hiệp định thương mại tự do.
Đối với hoạt động đầu tư, ông Hoàng Mạnh Phương cũng lưu ý các doanh nghiệp, đó là nên cẩn trọng khi xem xét các phương án đầu tư ở các nước có ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để tìm ra địa điểm đầu tư có lợi nhất cho doanh nghiệp mình.
Còn theo ông Hoàng Quang Phòng, kinh nghiệm từ trong khó khăn cho thấy, tinh thần đột phá sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tính kiên trì và nghị lực phải được hỗ trợ và trụ vững trên nền tảng quản trị doanh nghiệp tốt và chất lượng của nguồn nhân lực.
“Chính vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành để những thành tựu kinh doanh và giá trị doanh nghiệp được duy trì bền vững. Đây cũng là một trong những định hướng ưu tiên trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp ở nước ta”, ông Phòng chia sẻ./.
Bình luận