Blockchain thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện Chương trình công tác Đảng năm 2024 của Đảng bộ Viện Chiến lược phát triển, Đảng ủy Viện phối hợp với Hội đồng Khoa học Viện Chiến lược phát triển tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Blockchain và triển vọng phát triển kinh tế ở Việt Nam”. Báo cáo viên là ông Lê Thái Dương, Giám đốc điều hành U2U Venture Builder.

Nhận diện cơ hội và thách thức phát triển Blockchain ở Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu khai mạc Hội nghị

Chia sẻ tại Hội nghị diễn ra vào chiều nay (ngày 31/5), ông Dương cho hay, với 4 các đặc tính, gồm: Minh bạch, bất biến, phi tập trung, an toàn và bảo mật, ở Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2018, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về Blockchain. Những năm sau đó (2019-2020), Chính phủ bắt đầu quan tâm Blockchain và thực hiện nghiên cứu, thí điểm. Từ năm 2021 đến nay, Blockchain bắt đầu được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, như: Dịch vụ công, tài chính, quản lý tài sản, y tế, giáo dục...

Nhận diện cơ hội và thách thức phát triển Blockchain ở Việt Nam
Theo ông Lê Thái Dương, nếu như trên thế giới có nhiều công ty nổi bật đang ứng dụng công nghệ Blockchain như: Samsung, IBM, Maersk…, thì ở Việt Nam cũng có nhiều tên tuổi như: Viettel, VNPT, TPBank, Vietinbank, VIB…

“Riêng ứng dụng của Blockchain đối với lĩnh vực hành chính công, thì được triển khai cụ thể vào: Dịch vụ công; danh tính số; tài chính số; quản lý hồ sơ, chứng từ…”, ông Dương chia sẻ.

Khi phân tích tác động của Blockchain đến nền kinh tế số, Giám đốc điều hành U2U Venture Builder cho biết, công nghệ này mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực như: Tăng tính bảo mật, cải thiện tính minh bạch, giảm chi phí giao dịch, tạo dựng nền tảng cho nền kinh tế phi tập trung và đặc biệt là thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Nhận diện cơ hội và thách thức phát triển Blockchain ở Việt Nam
Ông Trần Đức Vinh, đồng sáng lập Hệ sinh thái Unicorn Ultra (U2U) chia sẻ tại Hội nghị

Dưới góc nhìn của một tổ chức cung cấp dịch vụ nền tảng công nghệ Blockchain, ông Trần Đức Vinh, đồng sáng lập Hệ sinh thái Unicorn Ultra (U2U) cho biết, nếu như trong lĩnh vực internet, các doanh nghiệp cần tới từ hơn 10 năm để trở thành những kỳ lân, thì với Blockchain chỉ cần dưới 4 năm.

“Nền tảng công nghệ Blockchain của U2U có điểm khác so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành là sở hữu tốc độ giao dịch nhanh với chi phí phù hợp, độ bảo mật cao, tương thích với tất cả các Blockchain và nhất là có khả năng mở rộng không giới hạn.” Đây là những điểm mạnh để tiếp sức cho các start up hoàn toàn biến cơ hội trở thành những kỳ lân công nghệ có vốn hóa hàng tỷ USD thành hiện thực trong thời gian ngắn…

Nhận diện cơ hội và thách thức

Chia sẻ về những cơ hội đối với Việt Nam khi phát triển Blockchain, ông Dương cho rằng, đây là lĩnh vực mới, xuất phát điểm là như nhau so với các quốc gia khác. Việt Nam nằm trong top 3 các quốc gia chấp nhận tiền điện tử, với nguồn nhân lực trẻ, năng động và chất lượng cao. Đặc biệt, ở Việt Nam hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển, nhất là trong lĩnh vực Blockchain. Với Blockchain, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, cải tiến chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm mới.

Nhận diện cơ hội và thách thức phát triển Blockchain ở Việt Nam
Ông Lê Thái Dương, Giám đốc điều hành U2U Venture Builder cho rằng, để thúc đẩy Blockchain ở Việt Nam phát triển cần triển khai nhiều giải pháp

Bên cạnh những mặt thuận lợi và cơ hội như nêu trên, việc phát triển Blockchain ở Việt Nam theo ông Dương, đang đối mặt với không ít thách thức, như: Chi phí triển khai cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhận thức của thị trường, cũng như hệ thống quy định pháp lý còn hạn chế.

Tuy Blockchain mang lại nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế lẫn các hệ sinh thái kinh doanh, nhưng theo ông Vinh, do nhận thức của xã hội còn hạn chế về lĩnh vực này, nên chưa tách bạch giữa vai trò, chức năng của nhà mạng với các hoạt động ký sinh, nên thậm chí có những cái nhìn lẫn lộn, đánh đồng giữa nhà mạng và nhà cung cấp các loại tiền ảo, tiền số. Điều này gây nên những cái nhìn không chuẩn xác, thậm chí thiếu thiện cảm với các doanh nghiệp phát triển, sáng tạo nền tảng công nghệ Blockchain.

“Chúng tôi rất mong muốn cơ quan quản lý quan tâm nghiên cứu, để cấp mã ngành cho lĩnh vực phát triển nền tảng công nghệ Blockchain, thay vì kéo dài “khoảng trống” pháp lý như hiện tại. Làm được điều này sẽ tiếp sức cho các đơn vị như U2U có thêm động lực phát triển vì sự cường thịnh của Việt Nam.”, ông Vinh chia sẻ.

Ngoài ra, để khắc phục những thách thức trên, qua đó thúc đẩy Blockchain phát triển lành mạnh hơn, để đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, ông Dương đề xuất nhiều giải pháp như: (i) Xây dựng khung pháp rõ ràng về Blockchain; (ii) Cần có chính sách hỗ trợ về phí, thuế đối với lĩnh vực còn rất mới này; (iii) Tăng cường giáo dục và đào tạo, để tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, chất lương cao; (iv) Tập trung khuyến khích đổi mới, nghiên cứu; (v) Tạo môi trường thử nghiệm Blockchain linh hoạt./.