Nhận diện hiện tượng tăng vốn khống trên thị trường cổ phiếu
Kiểm soát lạm phát gặp khó khăn
“Đối với tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. Trong 4 tháng đầu năm, hơn 30.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm trước…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập, khi trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nguy cơ nợ xấu còn tiềm ẩn (ảnh: Quốc hội) |
Dẫu vậy, ông Thanh cho rằng, cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn; giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển; giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế còn lưu ý vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trì trệ, nên đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch. Nguy cơ nợ xấu còn tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.
“Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường…”, ông Thanh đề cập.
Cần giải pháp căn cơ để hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chính phủ cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội. Sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình. |
Dự báo từ nay đến cuối năm 2022 kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần: tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; nâng cao năng lực phòng, chống dịch, điều trị bệnh; kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh.
Cùng với cần đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch trước khi phê duyệt, cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cân đối hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đổi mới mô hình tăng trưởng.
“Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; khẩn trương hoàn thiện danh mục dự án của các nguồn vốn đầu tư chưa được phân bổ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định. Tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tích cực thu hồi nợ thuế…”, ông Thanh lưu ý.../.
Bình luận