Nhiều điểm cộng trong triển khai kết quả VDPF 2013 và 2014
Sáng 23/6, Hội nghị đánh giá tình hình triển khai kết quả Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2015 đã diễn ra do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức. Hội nghị được nghe các báo cáo tình hình thực hiện triển khai các hành động chính sách VDPF 2013 và 2014.
Ấn tượng trong xóa đói, giảm nghèo
Hành động chính sách VDPF 2013 bao gồm 4 lĩnh vực: Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người; Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ và sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ công; Bảo vệ môi trường; Tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động thông qua đào tạo nghề và phát triển kỹ năng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, các bộ và cơ quan chức năng, địa phương liên quan đã và đang phối hợp khá chặt chẽ trong việc triển khai các hành động chính sách VDPF phù hợp với yêu cầu thực tế, gồm: Xây dựng, rà soát, sửa đổi, ban hành mới các quy dịnh, văn bản pháp luật liên quan; Tổng kết, rà soát các chương trình, chính sách hiện hành, đề xuất xây dựng mới chương trình, hạn chế tình trạng phân tán chính sách, thiếu điều phối, lồng ghép các mục tiêu phát triển kết hợp tăng cường tính gắn kết của các chính sách; Xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch hành động để giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người và nâng cao nhận thức, năng lực của cơ quan nhà nước và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh chính sách; Hỗ trợ, nâng cao kỹ năng và trình độ của các chủ thể tham gia thực hiện các cam kết VDPF.
Tổng hợp báo cáo của các cơ quan tham gia triển khai các hành động chính sách VDPF 2013 cho thấy, kết quả rất tích cực. Khoảng cách giàu – nghèo đã dần được thu hẹp giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 5,97% (năm 2014); tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm 3-4%/năm.
Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) là hoạt động thường niên được bắt đầu tổ chức từ năm 2013, thay thế cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1993. VDPF sẽ không còn tập trung vào vấn đề tài trợ cho Việt Nam như CG mà chuyển sang đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế. |
Ở mục tiêu “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ của người nghèo và sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ công”, năm 2014, đã có 84,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 62% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 45% số hộ gia đình ở nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Có 91% trường học mầm non, phổ thông và 93% trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt. Mức vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo được nâng lên đến 50 triệu đồng; lãi suất hạ từ 7,8%/năm xuống còn 7,2%/năm; tạo điều kiện cho đối tượng này sản xuất, kinh doanh.
Trong thực hiện chủ đề “Tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động thông qua đào tạo nghề và phát triển kỹ năng”, tính đến 30/5/2015, cả nước có 1.456 cơ sở dạy nghề (tăng 116 cơ sở so với cùng kỳ năm 2014). Việc dạy nghề đang có xu hướng gắn bó với nhu cầu thị trường lao động, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng hiện đại. Đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cơ bản giảng viên, giáo viên trong các trường nghề đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, các đối tác phát triển ghi nhận những kết quả to lớn trong xóa đói giảm nghèo của Việt Nam qua việc thực hiện hành động chính sách VDPF 2013. Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý và có biện pháp hợp lý để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đó là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, cần hoàn thiện khung pháp lý, có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia, phát huy hiệu quả đồng vốn xã hội cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách. Cụ thể, Chính phủ cần có cơ chế và ngân sách đối ứng phù hợp để thu hút khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề, cần khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tham gia vào các khóa đào tạo cụ thể, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt, thực hiện các dự án ODA...
Nỗ lực trong cải cách thể chế để phát triển doanh nghiệp
Bên cạnh báo cáo về thực hiện hành động chính sách VDPF 2013 của các cơ quan liên quan, Hội nghị cũng đã nghe về tình hình triển khai thực hiện hành động chính sách VDPF 2014. Khung hành động chính sách VDPF 2014 bao gồm 14 hành động, gồm việc ban hành, sửa đổi 41 văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào 2 lĩnh vực: Cải cách thể chế kinh tế thị trường và Phát triển kinh tế tư nhân.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong lĩnh vực “Cải cách thể chế kinh tế thị trường”, cho tới nay, đã có 11 văn bản quy phạm được ban hành hoặc trình Quốc hội thông qua, 27 dự thảo văn bản đang được xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành và 1 văn bản chưa được triển khai xây dựng. Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, sửa đổi, bổ sung đã góp phân tạo nên một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh các quan hệ xã hội với nhiều nội dung đổi mới theo hướng cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc thị trường.
Trong lĩnh vực “Phát triển kinh tế tư nhân”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã hoàn thành 5 hoạt động, 16 hoạt động đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện.
Triển khai các hành động chính sách VDPF 2014, các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương đã tập trung đánh giá việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, như: đơn giản hóa thủ tục khởi sự kinh doanh; nâng cấp hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục nộp thuế... Đồng thời, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng tích cực tổ chức các diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ, bộ, ngành với các doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các hành động chính sách VDPF 2014 thuộc 2 lĩnh vực trên được triển khai đã cho kết quả tích cực. Các cơ quan được giao chủ trì thực hiện hành động chính sách đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các đối tác phát triển. Do vậy, kết quả thực hiện đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian, nguồn lực, một số hành động chính sách chưa được triển khai hoặc mới bắt đầu triển khai, làm cho các kết quả chưa được như mong đợi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, ngành cần chủ động hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản dưới luật, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tăng cường vai trò làm chủ và tính chủ động của các cơ quan trong việc đề xuất, phối hợp giữa các cơ quan với các đối tác phát triển, bảo đảm thực hiện các cam kết triển khai hành động chính sách VDPF 2014./.
Bình luận