Công tác phân giao nhiệm vụ cán bộ đạt nhiều chuyển biến tích cực

Trên quan điểm thống nhất là tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; quyết liệt, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ; coi mục tiêu phục vụ nhân dân, con người là trung tâm cho mọi quyết định, xây dựng xã hội ổn định, an toàn, môi trường sống, điều kiện sống tốt nhất cho người dân, các cấp lãnh đạo Vĩnh Phúc đều quán triệt đồng bộ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm cá nhân về nhiệm vụ được phân công, lãnh đạo chỉ đạo nhưng không làm thay; tăng cường triển khai, rà soát, tháo gỡ các các điểm nghẽn, các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Nhiều điểm nhấn nổi bật trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội Vĩnh Phúc

Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao Quyết định giao nhiệm vụ năm 2023 cho người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Tỉnh cũng quyết liệt đẩy mạnh phân công, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, công tác xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà khi giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp được thực hiện một cách nghiêm túc và quán triệt tới tất cả các cơ quan quản lý các cấp.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt thực thi của toàn bộ lãnh đạo chính quyền Tỉnh cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, năm 2022, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch, trong đó, có nhiều nhiệm vụ khó, mới.

Cụ thể, đối với công tác phân giao nhiệm vụ cho cán bộ, người đứng đầu các đơn vị, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm và mở rộng đối tượng với 43 người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, theo đó mở rộng đối tượng giao chỉ tiêu với nhiều nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó cho 3 nhóm đối tượng, gồm 11 người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khối Đảng, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; 12 Giám đốc sở; Bí thư, Chủ tịch UBND 9 huyện, thành phố và 2 Bí thư Đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, năm 2022, người đứng đầu các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh hoàn thành 20/23 nhiệm vụ, đạt xấp xỉ 87%; 12 Giám đốc các sở hoàn thành 28/60 nhiệm vụ và hoàn thành từ 80% trở lên 22/60 chỉ tiêu, nhiệm vụ; Bí thư, Chủ tịch UBND 9 huyện, thành phố hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu của 5 nhóm nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, với nhiều đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, Trưởng các ban Đảng, Bí thư các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo vượt chỉ tiêu kết nạp Đảng; kết quả thành lập mới các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tư nhân đạt cao nhất từ trước đến nay. Nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận, điển hình như: Trưởng các Ban Đảng đã lãnh đạo thực hiện vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên, chỉ tiêu phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; tham mưu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng. Trong đó, lãnh đạo 12 sở, ngành đã mạnh dạn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, quyết liệt, góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó; nhiều việc mới được giao đã hoàn thành ngay trong năm, nhiều nhiệm vụ có tính ứng dựng cao, thiết thực, mang lại lợi ích cho người dân. Đáng chú ý, việc thành lập mới tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tư nhân đạt cao nhất từ trước đến nay với 33 tổ chức, trong đó, phát triển được 5 tổ chức Đảng trong nghiệp FDI.

Đối với các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, các huyện, thành phố đều đạt từ 80% trở lên các chỉ tiêu được giao; 8/9 huyện, thành phố có tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt và vượt chỉ tiêu; 7/9 huyện, thành phố hoàn thành chỉ tiêu giải quyết trên 90% đơn thư khiếu nại tố cáo và không có địa phương nào để phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người kéo dài; 5 địa phương đạt và vượt chỉ tiêu xử lý các tồn tại về đất đai.

Năm 2023, Ban thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với người đứng đầu đảm bảo sát, đúng, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị địa phương; mở rộng đối tượng giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với 48 đồng chí thuộc 4 nhóm. Trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được giao 3 nhiệm vụ; các huyện, thành phố được giao 3 nhóm nhiệm vụ, các nhiệm vụ được giao phải bám sát nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tiếp tục giao những việc khó, việc phức tạp chưa hoàn thành trong năm 2022 để thực hiện bằng được; căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, cơ quan, đơn vị để tiếp tục lựa chọn giao những việc khó, việc mới.

10 điểm nhấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội Vĩnh Phúc năm 2022

Với những nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, tổng hợp đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy có 10 điểm nhấn nổi bật.

Thứ nhất, phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới rõ nét; cấp ủy, chính quyền ngày càng sâu sát, cụ thể, gần dân, sát dân và hướng tới nhân dân. Điều này thể hiện ở kết quả thực tế trong năm, khi Tỉnh đã ban hành 44 cơ chế, chính sách; trong đó chủ yếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao đời sống, thu nhập và phúc lợi cho nhân dân; các chính sách rất sát, đúng và hướng tới người dân (nghị quyết về giáo dục, y tế, văn hoá và con người Vĩnh Phúc).

Nhiều điểm nhấn nổi bật trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội Vĩnh Phúc
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 12/2022 của UBND Tỉnh đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2022 và giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2023

Thứ hai, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, phân công, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; thực hiện giao việc và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với người đứng đầu các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các sở, ban, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm và mang lại hiệu quả cao. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là căn cứ quan trọng để phân loại, đánh giá cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp thông qua việc kiểm tra giám sát của đảng, thanh tra, kiểm tra và giám sát chính quyền.

Thứ tư, đổi mới hoạt động của HĐND các cấp thông qua chất lượng các hoạt động giám sát, chất vấn sâu sát, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm; cụ thể: Tăng cường hoạt động giám sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri; nhiều vấn đề nóng, điểm nghẽn của Tỉnh được thảo luận, chất vấn, tháo gỡ tại kỳ họp.

Thứ năm, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Thứ sáu, các chỉ số kinh tế của Tỉnh có nhiều khởi sắc trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang phục hồi tích cực. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Vĩnh Phúc nằm trong tốp các Tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước; GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc; thu ngân sách của Tỉnh cán mốc mới, xấp xỉ đạt 40 ngàn tỷ đồng. Cơ cấu thu chủ yếu từ sản xuất đạt trên 80%, chi ngân sách đạt mục tiêu đề ra; cơ cấu tín dụng chủ yếu cho vay sản xuất; nợ xấu chiếm 0,71% tổng dự nợ.

Thứ bảy, cải cách hành chính thực sự đi vào chiều sâu (chỉ số PCI xếp thứ 5, chỉ số Par index xếp thứ 5, chuyển đổi số xếp thứ 12… toàn quốc), là một trong 3 địa phương được trao giải thưởng địa phương xuất sắc trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2022; thu hút đầu tư đạt kế hoạch đề ra ở mức cao, sau 2 năm đạt 1,6 tỷ USD, gần đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ (từ 2 đến 2,5 tỷ USD); giải quyết việc làm ổn định, lương và thưởng công nhân ở mức cao cả nước.

Thứ tám, lĩnh vực văn hoá, du lịch, thể thao có nhiều khởi sắc. Phong trào văn hoá văn nghệ thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, toàn Tỉnh duy trì hơn 2.700 câu lạc bộ thể thao quần chúng và hàng nghìn câu lạc bộ dân ca, dân vũ; Tam Đảo trở thành Khu du lịch quốc gia và Thị trấn du lịch ấn tượng nhất thế giới năm 2022; Tỉnh đã góp phần cùng các địa phương trên cả nước tổ chức thành công các giải đấu, sự kiện lớn trên thế giới (Seagame 31, giải Hoa hậu du lịch, Đại hội thể thao toàn quốc, ban hành Nghị quyết về văn hoá con người Vĩnh Phúc.

Thứ chín, giáo dục và đào đạo thu được nhiều kết quả tích cực, đạt được nhiều giải quốc gia và quốc tế; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,97%, cao nhất từ trước đến nay, điểm trung bình xếp thứ 2 toàn quốc; Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng được đẩy mạnh; công tác giáo dục - đào tạo được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Thứ mười, các vấn đề an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, chi đảm bảo an sinh xã hội của Tỉnh được tăng cường. Theo đó, năm 2023 giao dự toán 1.009.589 triệu đồng; tăng 1,13 lần so với năm 2022 và gấp 4,45 lần so với năm 2021. Toàn tỉnh xây dựng 364 nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí 25.520 triệu đồng; Chi 11.157 xuất quà Tết và 215 tấn gạo với tổng kinh phí 14.700 triệu đồng; an sinh xã hội 1.745 triệu đồng, tăng 32,2% so với năm 2021. Ước toàn Tỉnh bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cho ngân hàng chính sách cho vay giảm nghèo, tạo việc làm là 118 tỷ đồng; lũy kế nguồn vốn từ ngân sách Tỉnh bổ sung cho vay giảm nghèo, tạo việc làm đạt trên 655 tỷ đồng.

Tiếp tục phát huy thành quả thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2023

Phát huy kết quả đạt được năm 2022, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh, Tỉnh xác định tiếp tục giữ vững tăng trưởng cao đối với các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế - xã hội với các giải pháp đồng bộ, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đã đề ra. Theo đó, Tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; tiếp tục tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực; bám sát tình hình trong và ngoài nước để kịp thời điều hành dự toán ngân sách Tỉnh cho phù hợp với năm 2023.

Để đảm bảo mục tiêu thu hút vốn FDI và DDI, Vĩnh Phúc sẽ triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, chip điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cho thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Tỉnh cũng sẽ triển khai cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, giải ngân 100% vốn đầu tư được giao trong năm 2023; giải quyết vấn đề định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; khoanh vùng khai thác đất đáp ứng nguồn vật liệu thi công san lấp mặt bằng. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách đảm an sinh xã hội; các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; văn hóa, du lịch, thể thao tạo bước chuyển biến toàn diện, vững chắc cho Tỉnh trong năm bản lề tiếp theo của kế hoạch 5 năm và giai đoạn tới./.

Về các chỉ tiêu về kinh tế, năm 2023, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP - giá so sách 2010 tăng 8,0 ‑ 9,5%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 32.398 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.398 tỷ đồng; thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI. Tỷ lệ dân số đô thị đạt 48%.

Về các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, năm 2023, Tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,04%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,75% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Giải quyết việc làm mới cho khoảng 16-17 nghìn lao động, trong đó: đưa 1 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 37%.