Nhiều dự án luật sắp trình Quốc hội có nội dung rất phức tạp
“Đề nghị Ủy ban Pháp luật tập trung cao độ để bảo đảm tiến độ, chất lượng việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, thẩm tra các dự án luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, đặc biệt là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các dự án luật có nội dung quan trọng, phức tạp…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, khi chủ trì cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3/2023 và các tháng tiếp theo, diễn ra hôm nay (ngày 7/3).
Liên quan đến đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật này, do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hôm nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn tiếp tục được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân sống ở nông thôn, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đi kèm với đó là chuyển dịch về lực lượng lao động, chuyển dịch về tài nguyên đất đai. Cụ thể là các nhóm cơ chế, chính sách liên quan đến thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân… được thiết kế trong dự thảo Luật.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6 bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc |
Báo cáo về một số trọng tâm công tác trong tháng 3/2023 và các tháng tiếp theo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các cơ quan tham mưu, phục vụ chuẩn bị kịp thời, kỹ lưỡng các nội dung để tổ chức các phiên họp, hội nghị và các công tác khác của UBTVQH, trong đó, tập trung chuẩn bị Phiên họp thường kỳ tháng 3/2023 của UBTVQH để tổ chức hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và xem xét, quyết định các nội dung khác thuộc thẩm quyền của UBTVQH; chuẩn bị nội dung tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm cho ý kiến về các dự án luật và các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV; xem xét, quyết định Chương trình công tác quý II/2023 và bổ sung, điều chỉnh, cập nhật Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các cơ quan tích cực triển khai công tác giám sát, chú trọng tham mưu triển khai các chuyên đề giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2023 theo kế hoạch, bảo đảm tiến độ, hiệu quả, thiết thực. Chủ động theo dõi, đánh giá, bám sát tình hình để đề xuất các hoạt động giám sát phù hợp nhằm tăng cường giám sát về kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực ngân hàng và những vấn đề bức xúc, cấp bách, nổi lên về kinh tế - xã hội. |
Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả, thực chất, đáp ứng yêu cầu tại Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị.
Nhấn mạnh khối lượng công việc từ nay đến Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội rất lớn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong và ngoài cơ trong triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm từ xa để phục vụ tổ chức các phiên họp, hội nghị và các công tác của UBTVQH. Chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Phiên họp thường kỳ tháng 3/2023 của UBTVQH; chú ý hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và xem xét, quyết định các nội dung khác thuộc thẩm quyền...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng đối với các nội dung về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 |
Đối với công tác lập pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 có nhiều dự án luật rất phức tạp và quan trọng; bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết khác trình Quốc hội xem xét trong năm 2023. Vì vậy, các cơ quan cần hết sức nỗ lực, vừa bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng đối với các nội dung về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả thực hiện các nghị quyết về kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công, trả nợ công tài chính trung hạn…/.
Bình luận