Nhiều thách thức đặt ra cho thương mại điện tử năm 2024
Bùng nổ xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh
Dựa trên số liệu thu thập từ một số tổ chức uy tín trên thế giới và kết quả điều tra từ khoảng 11.000 cá nhân người tiêu dùng và gần 10.000 doanh nghiệp, báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương công bố cho thấy, TMĐT Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020, và 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt tới 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước (Hình).
Hình: Doanh thu TMĐT B2C Việt Nam giai đoạn 2018-2023
Nguồn: Báo cáo TMĐT Việt Nam của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) |
Cũng theo theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Trong năm 2023, nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp.
Điều này có thể nhận thấy trong xu hướng mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trong khi các chợ truyền thống đã giảm nhiều số lượng người mua, thì dịch vụ giao hàng cho các sàn TMĐT lại phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu đặt hàng, mua sắm online của người tiêu dùng.
Trong năm 2023, nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp |
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, Việt Nam là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Thị trường TMĐT tại Việt Nam đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch TMĐT, hệ thống thanh toán trực tuyến an toàn, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Điều này là nền tảng để TMĐT có thể tiếp tục phát triển trong năm 2024.
Thúc đẩy TMĐT phát triển cần gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tuy vậy, những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến… vẫn là những bài toán cần tìm thêm phương án cho TMĐT Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Để TMĐT phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay của các bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.
Với cùng định hướng đó, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cũng đã và đang triển khai các giải pháp như: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; Mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các Sàn TMĐT, nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới – Go Export, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng TMĐT lớn trên thế giới…
Ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, trong xu hướng của TMĐT, xuất nhập khẩu trực tuyến đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm. Nhiều năm qua, VECOM đã phối hợp với một số đối tác và hội viên tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn trực tuyến. Đặc biệt, Diễn đàn xuất nhập khẩu trực tuyến (VOIEF) được VECOM tổ chức trong các năm 2017 và 2020 đã thu hút sự quan tâm cao của đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Phát huy hiệu quả từ Diễn đàn, dự kiến vào tháng 5/2024, VECOM sẽ đồng hành cùng Liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến tiếp tục tổ chức sự kiện này. Thông qua Diễn đàn này sẽ đánh giá được các thành tựu và đánh giá xu hướng, công nghệ, giải pháp để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp liên quan tới xuất - nhập khẩu./.
Bình luận