Bức tranh về tình hình phát triển DN Việt Nam năm 2020

Trong bối cảnh hết sức khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành các kết luận, nghị quyết, chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai.

Các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp, được nhân dân cả nước đồng tình, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tình hình dịch bệnh ở nước ta vẫn được kiểm soát tốt, qua đó, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng DN cũng như mang lại những kỳ vọng lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong năm 2021. Theo Báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020[1].

Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng được đẩy mạnh với nhiều bước tiến mang tính đột phá, bao gồm việc ký kết và đưa vào thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có chất lượng, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Có thể nói, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, song, các thông tin, nhận định tích cực về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam đã đem lại niềm tin, động lực cho cộng đồng DN, tác động lớn đến tình hình phát triển DN trong năm 2020.

Cụ thể, trong năm 2020, cả nước có 134.941 DN thành lập mới, giảm 2,3% so với năm 2019. Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2019. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2020 là 5.577.570 tỷ đồng (tăng 39,3% so với năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của DN thành lập mới là 2.235.626 tỷ đồng (tăng 29,2% so với năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động là 3.341.944 tỷ đồng (tăng 47% so với năm 2019) với 39.476 DN đăng ký tăng vốn (Bảng).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng DN thành lập mới ở nhóm ngành dịch vụ đã có sự giảm sút so với năm 2019 (giảm 7,6%), trong đó, chủ yếu vẫn là các ngành chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19 là: nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 33,6%); hoạt động dịch vụ khác (giảm 31,1%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 22%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 17,7%).

Bảng: DN đăng ký thành lập mới năm 2020

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Ở chiều ngược lại, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng như công nghiệp và xây dựng đều có sự gia tăng đáng kể so với năm 2019 (số DN thành lập mới tăng lần lượt 30,1% và 10,2% so với năm 2019).

Sự tăng trưởng với tỷ lệ cao của số lượng DN đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu. Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn, đồng thời, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có chiều hướng gia tăng khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh[2]. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được tập trung phát triển, DN nông nghiệp phát triển mạnh[3].

Một điểm nhấn tươi sáng khác trong bức tranh tình hình DN năm 2020 là số DN quay trở lại hoạt động trong năm 2020 tăng 11,9% so với năm 2019, với 44.096 DN. Số DN quay lại hoạt động trong năm 2020 tăng trên hầu hết các lĩnh vực. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng hầu hết các lĩnh vực đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều DN đã tìm được hướng kinh doanh mới, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, thì thị trường trong nước với gần 100 triệu dân chính là cơ hội cho DN phục hồi, là động lực chính cho sản xuất, phát triển kinh tế.

Bên cạnh những sắc màu tươi sáng và tích cực, thì bức tranh về tình hình DN trong năm 2020 cũng có những mảng màu tối đáng lưu ý. Trong năm 2020, có 101.719 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm: 46.592 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 62,2% so với năm 2019), 37.663 DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể (giảm 13,8% so với năm 2019), 17.464 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,7% so với năm 2019).

Trong đó, việc số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với năm 2019 cho thấy, sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của đại dịch Covid-19 đến tình hình hoạt động của DN.

Ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến nhiều DN vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể DN, chưa “đóng cửa” DN hoàn toàn ở thời điểm này.

Tuy nhiên, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đây cũng là dịp để các DN tái cấu trúc, tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. Các DN nhạy bén sẽ chuyển trạng thái từ “đóng băng” sang nắm bắt ngay những thời cơ mới để phát triển. Đây là cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn.

Nhìn từ bức tranh DN năm 2020, có thể thấy, mặc dù gặp phải nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, số lượng DN thành lập mới có sự sụt giảm nhẹ so với năm ngoái, nhưng quy mô của DN gia nhập thị trường tiếp tục được mở rộng, số vốn đăng ký tăng thêm tiếp tục tăng lên, số DN thành lập mới và số DN quay trở lại hoạt động có sự gia tăng sau thời điểm thực hiện giãn cách xã hội... đã cho thấy niềm tin của các DN về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội như năm nay.

Nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh

Thành quả trên cũng đến từ những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục gia nhập thị trường cho DN. Trong đó, nổi bật là Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 122/2020/NĐ-CP, ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN… do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. Cụ thể:

Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 tiếp tục tạo ra bước đột phá về thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho DN khi thành lập và hoạt động kinh doanh thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi gia nhập thị trường.

Đồng thời, Nghị định số 122/2020/NĐ-CP là một bước tiến mới trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục về khởi sự kinh doanh cho DN. Nghị định đã tích hợp 4 quy trình gồm: (1) Đăng ký thành lập DN; (2) Đăng ký bảo hiểm xã hội; (3) Khai trình lao động; (4) Đăng ký sử dụng hóa đơn vào 1 quy trình. Theo đó, DN sẽ chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 1 cơ quan và nhận 1 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu DN phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử. Sau khi triển khai những cải cách này, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP, ngày 24/2/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, ngày 04/10/2016 quy định về lệ phí môn bài, hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2020. Theo quy định tại Nghị định này, thì tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số DN mới), hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12). Như vậy, từ ngày 25/02/2020, thủ tục khai, nộp lệ phí môn bài không còn là một trong tám thủ tục của Quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với nhận thức rằng, cơ quan đăng ký kinh doanh là nơi có nguy cơ về dịch bệnh do tập trung đông người, mật độ tiếp xúc cao, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chỉ đạo các Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân, DN sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký DN, nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho DN, đồng thời, tránh sự lây lan của dịch bệnh, bổ sung các hình thức hỗ trợ, như: hướng dẫn qua điện thoại, email, các ứng dụng chat…

Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký DN cũng đã được nâng cấp để các cán bộ, công chức, viên chức vẫn có thể xử lý được các hồ sơ đăng ký DN tại nhà, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, đồng thời, đảm bảo công tác đăng ký DN trên toàn quốc không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 07/12/2020, tỷ lệ đăng ký qua mạng cả nước đạt 76,42%, riêng TP. Hà Nội đạt 98,96% và TP. Hồ Chí Minh đạt 88,47%.

Ngoài ra, số lượng truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN trong năm 2020 cũng tăng đáng kể so với năm trước, đạt hơn 218,86 triệu lượt truy cập, tăng 17% so với năm 2019 và 38% so với năm 2018. Điều này cho thấy, Cổng thông tin đã trở thành địa chỉ tin cậy và cần thiết, giúp người dùng dễ dàng tìm hiểu thông tin về DN và sử dụng các dịch vụ công về đăng ký DN.

Dự báo về triển vọng năm 2021 và một số vấn đề cần lưu ý

Các báo cáo cập nhật triển vọng phát triển của các tổ chức quốc tế (như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…) đều nhận định kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi. IMF, WB đều dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á năm 2020.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 của IMF nhận định, với mức độ hội nhập kinh tế thế giới khá sâu rộng, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra, khi thương mại toàn cầu ảm đạm, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp, công nghiệp chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, tác động của lạm phát và biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, nhờ kiểm soát chặt chẽ đại dịch, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định với dự báo do IMF đưa ra là tăng 1,6% trong năm nay và tăng 6,7% trong năm 2021.

Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam (được WB công bố ngày 21/12/2020) dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm 4% do phải chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 của ADB công bố ngày 15/9/2020 cũng nhận định, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực, dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.

Trong nước, thị trường chứng khoán cũng có phản hồi tích cực khi chỉ số VN-Index ngày 23/12/2020 đạt mốc 1.090 điểm (mốc cao nhất trong 03 năm trở lại đây) (Bông Mai, 2020). Ngoài ra, việc Hoa Kỳ tiếp tục duy trì chính sách hàng rào thuế quan với Trung Quốc cũng được đánh giá là có tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam, giúp cho nền kinh tế nước ta có thêm cơ hội mới[4].

Có thể thấy, tác động từ đại dịch Covid-19 tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số... tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, như: chế biến thực phẩm; y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics… đem lại cơ hội thị trường mới cho các DN Việt Nam có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường, an ninh phi truyền thống; rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn, xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh mới nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm chủ lực.

Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cũng cần đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh; thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội DN, ngành hàng và địa phương; tập trung khai thác thị trường nội địa tiềm năng với gần 100 triệu dân, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; thực hiện chuyển đổi số, đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; hiện đại hóa hệ thống quản trị và quy trình hoạt động của DN…

Rõ ràng, tác động và sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn rất lâu dài và sâu rộng với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nguy cơ, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Đây là thời điểm thử thách dành cho các DN Việt Nam. Những bài học quý giá nhận được từ khoảng thời gian khó khăn này sẽ giúp cho các DN Việt Nam đủ sức khỏe, đủ tiềm lực để phát triển sau biến cố, đổi thay của thị trường, góp phần đưa con thuyền DN Việt Nam vươn ra biển lớn./.


[1] Tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD, tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

[2] 11 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

[3] Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng đầu năm 2020 đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 28,05 tỷ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 9,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019.

[4] Hãng tin Reuters và Bloomberg đồng loạt đưa tin nhà cung cấp Foxconn sẽ chuyển một số hoạt động lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của tập đoàn Apple.