Những cung đường đèo đẹp và hiểm trở nhất
Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang)
Đèo Mã Pí Lèng là con đường đèo dài khoảng 20km, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc. Cao hơn 1200m so với mực nước biển Mã Pí Lèng như dải lụa quanh uốn khúc, lượn theo sườn núi với những vực sâu thẳm là một thử thách lớn cho những ai yêu thích du lịch mạo hiểm. Trông từ xa con đèo như xẻ đôi, một bên là đỉnh Mã Pí Lèng, một bên là Săm Pun (Sam Pun) - nơi có cột mốc biên giới và của khẩu thông sang Điền Bông, Trung Quốc.
Đèo Pha Đin (Sơn La – Điện Biên)
Đèo Pha Đin còn gọi là dốc Pha Đin, nối liền giữa hai tỉnh Sơn La - Điện Biên, lừng danh từ trong chiến dịch Điện Biên Phủ bởi phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn mà vẫn trường tồn. Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng dân tộc Thái là "Phạ Đin", trong đó Phạ nghĩa là trời, Đin là đất hàm ý ở đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Từ đỉnh đèo nhìn xuống, Pha Đin hiện ra một địa thế rất hiểm trở, chênh vênh, con đường mỏng manh vắt vẻo giữa một bên là vách núi, một bên là vực sâu hun hút. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường dài ngoằn ngoèo với 8 cung đường đua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có rất nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.
Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu)
Đèo Ô Quy Hồ có cung đường dài ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4B. Trong đó, 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu, 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc - Việt Nam với chiều dài lên tới gần 50km. Đỉnh đèo Ô Quy Hồ giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời. Khi mùa đông đến, đỉnh đèo Ô Quy Hồ có thể phủ kín băng tuyết. Đèo Ô Quy Hồ còn được gọi là đèo Hoàng Liên Sơn hay đèo Mây cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn.
Đèo Khau Phạ (Yên Bái)
Đèo Khau Phạ nằm trên quốc lộ 32, có điểm khởi đầu là đoạn cắt quốc lộ 32 với quốc lộ 279 với chiều dài trên 30km. Thuộc khu vực giáp danh giới giữa huyện Văn Chấn, Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái và đi qua nhiều địa danh nổi tiếng khác như: La Pán Tẩn, Tú Lệ, Chế Nha, Nậm Có... từ thành phố Yên Bái ngược theo quốc lộ 32 chừng 5h đồnh hồ qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ, huyện Mù Căng Chải sẽ hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng.
Do nằm ở độ cao hơn 1200m so với mực nước biển, nền nhiệt khá thấp nên trên đỉnh đèo Khau Phạ thường xuyên có mây mù. Đường đèo lại hiểm trở, quanh có uốn lượn, vắt qua núi non chập trùng.
Đèo Mã Phục (Cao Bằng)
Đèo cách thành phố Cao Bằng khoảng 20km về phía đông, thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Mặc dù đèo khá hiểm trở song lại có rất nhiều cảnh đẹp. Đèo Mã Phục dài khoảng 3,5km; cao khoảng 700m so với mực nước biển. Nó quanh co uốn lượn theo triền núi đá vôi. Từ chân đèo lên đến đỉnh đèo tính ra có đến 7 tầng dốc gấp khúc. Một bên đèo là vách núi cao chót vót, một bên là vực sâu với những khe núi hẹp. Đèo Mã Phục là con đường độc đáo, là cửa ngõ đi các huyện phía đông của tỉnh Cao Bằng.
Đèo Bắc Sum (Hà Giang)
Đèo Bắc Sum nằm giữa Vị Sum và Quản Bạ, uốn lượn và ngoành ngoèo đưa du khách đến với hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn. Từ đây nhìn xuống phía dưới, bạn sẽ thấy con đường nhỏ uốn lượn và những ngôi nhà chênh vênh trên những ngọn núi cao.
Đèo Ngang (Hà Tĩnh - Quảng Bình)
Đèo Ngang hay còn có tên gọi khác là Hoàng Sơn Quan, thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tỉnh, cách thành phố Hà Tĩnh 75km về hướng nam. Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, nối hai tỉnh Hà Tĩnh và Quãng Bình.
Phong cảnh đèo Ngang hùng vĩ, dưới chân đèo là những bãi tắm sạch, đẹp. Trên đèo có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và nhiều am, miếu cổ. Nơi đây được quy hoạch thành khu di lịch Đèo Ngang – Hòn La với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.
Đèo Hải Vân (Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế)
Đèo Hải Vân dài 20km, nằm ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng thuộc dãy Trường Sơn. Với độ cao gần 500m so với mực nước biển, đèo Hải Vân nổi tiếng là đường đèo đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất Việt Nam.
Đèo Cả (Phú Yên - Khánh Hòa)
Đèo Cả dài 12km, nằm trên quốc lộ 1A tiếp giáp với biển, là địa danh nối liền hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa. Là một trong những đèo có địa hình hiểm trở bậc nhất miền Trung thế nhưng với vẻ đẹp rất riêng của mình, đèo Cả đã chinh phục hàng vạn khách thập phương.
Ở đây, thiên nhiên được vẽ nên bằng những gam màu xanh sống động, dịu mát với sự pha trộn hài hòa của đất trời và biển đảo.
Đèo Ngoạn Mục (Ninh Thuận)
Có thể nói Ngoạn Mục là một trong những đường đèo đẹp nhất Việt Nam. Chính tên đèo đã phần nào phản ánh được sự hấp dẫn của nó. Đèo dài 18,5km kéo dài từ độ cao 200m đến 980m. Đây cũng là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam.
Dọc theo đường đèo là rừng cây xanh, thác nước, và những mảng mây trắng. Con đường đèo dốc này chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển Nam Trung bộ với cao nguyên Đà Lạt bằng sự quyến rũ lãng mạn và hùng vĩ.
Đèo Phượng Hoàng (Đắc Lắc)
Nằm trên quốc lộ 26, nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, đèo Phượng Hoàng như cánh chim giữa trời đưa người lữ hành ngắm cảnh trời mây xinh đẹp. Tạm biệt vùng biển với cát vàng với mây xanh miền duyên hải, du khách đi ngược từ vùng duyên hải xinh đẹp qua đèo Phượng Hoàng, cánh chim giữa núi đồi bạt ngàn, để lên non cao Đắk Lắk.
Bình luận