Những dấu ấn nổi bật của các KCN tỉnh Bắc Ninh trong năm 2021
KCN VSIP, tỉnh Bắc Ninh |
Trong năm 2021, mặc dù tỉnh Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh Covid-19, song với sự nỗ lực vượt bậc của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh (Ban Quản lý), các nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN trên địa bàn; nên hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN tiếp tục ghi nhận những dấu ấn nổi bật, đặc trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; góp phần giúp các KCN Tỉnh thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Điểm sáng trong thu hút đầu tư
Năm 2021 công tác xúc tiến đầu tư được Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh tăng cường đẩy mạnh. Trong năm Ban đã tiếp và làm việc với trên 100 lượt nhà đầu tư ở trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư vào các KCN Tỉnh; đồng thời Ban triển khai chương trình xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ trong tháng 12/2021.
Đến nay Bắc Ninh có 16 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 6398 ha, trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 80%. Các KCN Tỉnh thu hút được 1725 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 22,2 tỷ USD; đứng thứ 7 cuả cả nước, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn đến từ các Tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, canon, ADB… |
Kết quả trong năm 2021, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 125 dự án đầu tư thứ cấp ở trong và ngoài nước (84 dự án FDI, 41 dự án DDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới là 1.479,065 triệu USD (FDI:1.178,315 triệu USD; DDI: 6.917,25 tỷ đồng, tương đương 300,750 triệu USD). Đồng thời cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 410 lượt dự án, trong đó có 98 lượt điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm là 334,466 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh dự án thứ cấp trong năm 2021 là 1.813,532 triệu USD.
So với kế hoạch năm 2021, số dự án đăng ký cấp mới đạt 125% (125 dự án/100 dự án) và tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt 165% (1.813,532 triệu USD/ 1.100,00 triệu USD). So với cùng kỳ năm 2021, số dự án cấp mới tăng 13% (125 dự án/111 dự án) và tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng 78% (1.813,532 triệu USD /1.020,69 triệu USD).
Lũy kế dự án thứ cấp tại các KCN Tỉnh đến thời điểm hiện tại là 1.725 dự án, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt khoảng 22,2 tỷ USD.
Cùng với đó, năm 2021 có 06 dự án hạ tầng KCN được Ban Quản lý cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư là 16.984,08 tỷ đồng, tương đương 738,44 triệu USD; điều chỉnh 01 lượt dự án đầu tư hạ tầng KCN với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 1.180,37 tỷ đồng, tương đương 51,32 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư dự án hạ tầng KCN cấp mới và điều chỉnh trong năm 2021 là 18.164,45 tỷ đồng, tương đương 789,76 triệu USD.
Lũy kế đến thời điểm hiện tại, có 24 dự án đầu tư hạ tầng KCN (FDI: 3 dự án; DDI: 21 dự án) được Ban Quản lý các KCN Tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 2.118,45 triệu USD (trong đó có 03 dự án FDI với tổng với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt 263,91 triệu USD; 21 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 35.875,10 tỷ đồng, tương đương 1.854,54 triệu USD).
Năm 2021 Ban Quản lý cấp gia hạn 01 Giấy phép văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; cấp 15 thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 557,61 tỷ đồng, tương đương 24,24 triệu USD.
Sản xuất, kinh doanh tăng trưởng và phát triển
Công nhân đang làm việc tại nhà máy Samsung Việt Nam trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Song song với những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp KCN trong năm 2021 cũng đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tại các KCN có 40 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động tại các KCN là 1.150 dự án.
Năm 2021 các doanh nghiệp KCN sản xuất kinh doanh tốt, vượt mức kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.259.210 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 1.343.762 tỷ đồng, bằng bằng 105% so với cùng kỳ và 103% so với kế hoạch; xuất khẩu đạt 38.516 triệu USD, bằng bằng 110% so với cùng kỳ và 106% so với kế hoạch; nhập khẩu đạt 27.429, bằng 117% so với cùng kỳ và 117% so với kế hoạch; nộp ngân sách là 12.530 tỷ đồng, bằng 110% so với cùng kỳ và 109 so với kế hoạch.
Năm 2021 do các KCN có nhiều dự án đi vào hoạt động sản xuất nên tiếp tục thu hút thêm 337.272 lao động làm việc trong các KCN, tăng thêm 5.668 người lao động so với năm 2020, với thu nhập bình quân của người lao động là 8,750 triệu đồng/người/tháng.
Năng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
Công ty gạch ốp lát Thăng Long của Viglacera trong KCN Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh |
Năm 2021, hoạt động quản lý nhà nước tại Ban Quản lý các KCN Tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên mọi lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, lao động, cải cách hành chính, an ninh trật tự…
Trong đó, công tác cải cách hành chính được tăng cường đẩy mạnh. Cùng với việc duy trì cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với gần 50% thủ tục hành chính, trong năm 2021, Ban đã đăng ký 39% thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ” vượt so với yêu cầu 30% của Tỉnh. Số lượng hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính của các doanh nghiệp được tiếp nhận tại bộ phận một cửa của Ban tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh trong năm là trên 9.600 hồ sơ (tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái); doanh nghiệp đã ủng hộ và thực hiện hình thức nộp hồ sơ trực tuyến với tỷ lệ cao (trên 60%). Số lượng văn bản đi - đến phát hành, tiếp nhận và xử lý trong năm 2021 lên tới hơn 11.000 văn bản. Trong khi chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn hạn chế. Song, với quyết tâm chính trị cao, Ban đã chỉ đạo tiếp nhận, xử lý hồ sơ, văn bản đảm bảo đúng và sớm so với thời hạn quy định, lưu trữ hồ sơ đầy đủ, dễ truy xuất. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị. Kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, không để trả chậm hay hồ sơ quá hạn. Từng bước đổi mới và xây dựng môi trường văn hóa công sở hiện đại, thân thiện, nhiệt tình và chuyên nghiệp.
Ban Quản lý tiếp tục chú trọng công tác quản lý nhà nước sau đầu tư. Các công tác khác được thực hiện kịp thời, theo quy định của pháp luật hiện hành. Hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc được thực hiện thường xuyên.
Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý các KCN với các đơn vị liên quan trong thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các KCN; hỗ trợ giải quyết kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp KCN; nắm bắt kịp thời mọi hoạt động trong các KCN, đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm trong KCN.
Song song với việc chú trọng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN, công tác phòng chống dịch Covid-19 được Ban Quản lý đặc biệt quan tâm, ứng phó linh hoạt theo diễn biến thực tế và những văn bản chỉ đạo của cấp trên. Do vậy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp tại tỉnh Bắc Ninh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Song các doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh để kịp bàn giao các đơn hàng đúng theo tiến độ đã cam kết với các đối tác ở trong và ngoài nước. Hiện tại, Ban quản lý đang thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Phát triển mạnh mẽ các KCN trong năm 2022
Nhà máy Samsung Việt Nam trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2021, theo Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết, để tiếp tục xây dựng và phát triển các KCN của Tỉnh nhanh, mạnh và phát triển bền vững, năm 2022 Ban Quản lý các KCN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KCN trên các lĩnh vực, cụ thể:
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo việc cải cách thủ tục hành chính lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư vào KCN, chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư…
Chỉ đạo sát sao công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường...:Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư, doanh nghiệp thứ cấp thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Đẩy mạnh phát triển 6 KCN tập trung mới thành lập. Bám sát các chỉ đạo của Tỉnh về việc phát triển các KCN theo chiều sâu; hình thành các trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao.
Thực hiện tốt công tác quản lý lao động, nhất là lao động nước ngoài; tiếp tục hỗ trợ nhập cảnh, tiếp nhận, cách ly lao động người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh Bắc Ninh trong thời gian Việt Nam công bố dịch Covid-19 phù hợp với tình hình thực tế.
Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN theo Đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt nhằm tạo quỹ đất thu hút đầu tư trong các năm tới.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác Hỗ trợ doanh nghiệp và Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh (Tổ phản ứng nhanh 3 nhất)”nhằm kịp thời nắm bắt tình hình và hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp KCN. Rà soát các dự án sau cấp phép đầu tư và kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các trường hợp cần thiết.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra đối với doanh nghiệp KCN, tránh chồng chéo và đảm bảo hiệu quả. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của các Bộ ngành Trung ương và của Tỉnh.
Tăng cường trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tham gia xây dựng mô hình KCN an toàn về an ninh trật tự, mô hình KCN điển hình tiên tiến đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Tỉnh
Phấn đấu trong Quý I năm 2022 có ít nhất 01 Văn phòng đại diện của Ban tại KCN được thành lập và đi vào hoạt động
Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tốt dịch COVID-19 tại cơ quan và các KCN trên địa bàn Tỉnh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển KCN trên địa bàn Tỉnh theo hướng tăng trưởng toàn diện và bền vững./.
Bình luận