Vẫn còn mảng u ám

Tại Hội thảo “Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng Việt Nam” do Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn ra ngày 29/11, PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện cho thấy thực trạng thị trường mua bán nợ ở Việt Nam có rất nhiều mảng màu u ám.

Đầu tiên, nếu như hàng hóa trên thị trường mua bán nợ của các nước rất đa dạng thì “hàng hóa chủ yếu trên thị trường mua bán nợ ở Việt Nam là trái phiếu và các khoản nợ của khách hàng đối với các tổ chức tín dụng”, PGS. TS. Đào Văn Hùng cho biết.

Đã vậy, trái phiếu Chính phủ chiếm tới 90% tổng giá trị của thị trường trái phiếu, còn phần lớn trái phiếu doanh nghiệp là các trái phiếu không được niêm yết. Giá trị vốn hóa của thị trường thấp, chỉ chiếm khoảng 9% GDP theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Không những nghèo hàng hóa, các chủ thể tham gia thị trường còn rất hạn chế. Bên mua chỉ gồm Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), và các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (AMC).

Bên bán nợ có hai nhóm là các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC hoặc AMC và các doanh nghiệp bán nợ cho DATC. Quy mô của các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Việt Nam cũng rất nhỏ và chủ yếu là nhà đầu tư trong nước. Có rất ít quỹ đầu tư nước ngoài có mặt ở thị trường này, PGS.TS Đào Văn Hùng nhận xét.

Một thực tế nữa là Việt Nam vẫn đang thiếu các cơ quan định giá và định mức tín nhiệm một cách khách quan, chuyên nghiệp. Vì thế, việc định giá các khoản nợ xấu sao cho minh bạch, đúng giá trị thị trường để không dẫn đến hiện tượng tiêu cực, bị trục lợi trong khi bán cũng là một vấn đề gây “đau đầu”.

Nhận thấy tầm quan trọng của thị trường mua bán nợ trong việc thúc đẩy xử lý nợ xấu, khi ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14, Quốc hội đã cho phép cho phép mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ xấu, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Như vậy là ngoài VAMC, nguồn lực để xử lý nợ xấu được huy động từ toàn xã hội, miễn là có nguồn lực thật.

Tuy nhiên, vào thời Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 (tháng 6/2017), có ý kiến cho rằng, sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng một thị trường mua bán nợ sẽ được hình thành đầy đủ và hoạt động sôi động ngay sau đó.

Không thể xử lý nhanh nợ xấu

Ông Vi Tuấn Hiệp – Chánh văn phòng Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đưa ra nhận định như vậy trong Hội thảo.

Theo ông Hiệp, giai đoạn những năm 2000-2010, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam (TCTD) đã phát triển rất mạnh để đáp ứng nhu cầu về vốn của thị trường. Vì vậy, để cạnh tranh lẫn nhau và thu hút khách hàng, các TCTD này đã giảm tiêu chuẩn cấp tín dụng để có được khách hàng, từ đó những ‘khoản vay dưới chuẩn’ nảy sinh, làm nợ xấu gia tăng nhanh chóng.

Theo con số thống kê từ các tổ chức và ngân hàng trung ương, tỷ lệ nợ xấu vào giai đoạn này đã chiếm 15-20% tổng dư nợ tín dụng của cả ngành, trong khi theo thông lệ quốc tế, con số này chỉ khoảng 3%.

Ngay sau đó, Việt Nam đã học hỏi các mô hình trên thế giới và đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý nợ xấu bao gồm cấp thêm vốn cho các định chế tài chính để nâng cao năng lực tài chính của họ trong việc xử lý nợ xấu; điều chỉnh các quy định về đánh giá, xếp loại nợ hướng tới thông lệ quốc tế và hình thành các công ty quản lý tài sản theo hai hình thức: tập trung và phân tán.

Tại Việt Nam, hiện có hai tổ chức xử lý nợ xấu: Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ tài chính, tập trung xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu của Nhà nước là chính và những khoản nợ này rất khó xử lý và không đạt được như mong muốn; và Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), thực hiện việc mua nợ xấu của tất cả các TCTD thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu.

"VAMC ra đời đã khơi thông cục máu đông trong sức khỏe của nền kinh tế. Tính đến hiện tại, VAMC đã mua lại và quản lý 300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Các năm 2014-2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã giảm xuống dưới 3%, ở ngưỡng an toàn", ông Hiệp cho biết.

Ông Hiệp nhận định: "Thị trường Việt Nam kỳ vọng nợ xấu phải được xử lý nhanh và hiệu quả nhưng đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng xử lý nợ xấu nhanh là không thể. Bởi quá trình xử lý nợ xấu gặp quá nhiều vấn đề phức tạp và vướng mắc về mặt pháp lý".

Thứ nhất, việc xử lý nợ xấu luôn phải đặt mục tiêu công khai và minh bạch lên hàng đầu, do đó, không thể nhanh được. Thông tin về các khoản nợ và tài sản đảm bảo (TSĐB) thiếu minh bạch. Các TCTD thường có xu hướng che giấu thông tin bất lợi về khoản nợ để thúc đẩy giao dịch mua bán nợ. Điều này khiến cho việc thẩm định một khoản nợ rất khó khăn, phức tạp.

Thứ hai, hồ sơ khoản nợ, TSĐB có tính chất phức tạp, mất thời gian về mặt pháp lý, quy trình. Bên mua nợ, khi mang hồ sơ đi thẩm định và tìm hiểu thực trạng mới ‘vỡ lẽ’ rằng khoản nợ được chào mua không ‘đẹp’ như kỳ vọng, khiến quá trình xử lý nợ diễn ra rất chậm.

Thứ ba, theo kinh nghiệm quốc tế, việc xử lý nợ xấu thường được tập trung và được một tổ chức đứng ra xây dựng kho dữ liệu về nợ xấu. Đây là một điều rất cần thiết để các bên tham gia như các nhà đầu tư trong và ngoài nước kết nối để tìm kiếm những khoản nợ, TSĐB đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có những trung tâm quản lý dữ liệu về nợ xấu như vậy. Vì lẽ đó, việc xây dựng một kho dữ liệu được quy chuẩn hóa tại Việt Nam là điều vô cùng cấp thiết.

Khi được hỏi về cách thức định giá các khoản nợ trên thị trường, ông Hiệp cho biết việc định giá hiện được diễn ra theo hai hình thức: thỏa thuận và định giá độc lập. Trong đó, Nhà nước khuyến khích hình thức thứ hai, tức định giá qua các công ty độc lập.

Tuy nhiên, công tác định giá nợ xấu chưa có quy định cụ thể, bởi bản chất định giá nợ xấu gắn với việc định giá quyền truy đòi nợ, tức khả năng trả nợ hay sức khỏe của doanh nghiệp đó.

"Theo đó, VAMC trong thời gian qua chủ yếu định giá khoản nợ thông qua định giá TSĐB. Tức là VAMC chỉ mua về và xác định bán tài sản đó để thu hổi nợ chứ không phải để tái cơ cấu lại doanh nghiệp trong khi đó lại có quá nhiều phương thức định giá tài sản", ông Hiệp cho biết.

Việc định giá tài sản không dựa trên sức khỏe của doanh nghiệp và không dựa trên sự hợp tác, phối hợp của doanh nghiệp là vấn đề nghiêm trọng cần phải được khắc phục.

Làm gì để xử lý nợ xấu

Với các vấn đề tồn tại trên thị trường mua bán nợ như vậy, VAMC đưa ra một số khuyến nghị nhằm minh bạch hóa và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, bao gồm:

- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động xử lý nợ xấu: hoàn tất thủ tục pháp lý TSBĐ; thu giữ tài sản; định giá tài sản; hoạt động tố tụng, thi hành án; khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường;

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu;

- Hệ thống hóa cơ sở xác định giá trị khoản nợ, quản lý dữ liệu, thông tin về nợ xấu, TSBĐ;

- Nâng cao năng lực của các tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu (VAMC, DATC);

- Hạn chế hình sự hóa các sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng và ưu tiên áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự kinh tế để khắc phục hậu quả, giảm bớt tổn thất;

- Hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ trên thị trường: định giá, bảo lãnh, chứng khoán hóa nợ xấu

- Thúc đẩy hoạt động của Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu./.