Nửa đầu năm 2021, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý II/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 956,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7% và tăng 6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 101,1 nghìn tỷ đồng, giảm 17,8% và giảm 1,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 55,4% và giảm 5,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,1% và tăng 4,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55%.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 224 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng mức và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 20,3%).
Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế để khống chế dịch Covid-19, đồng thời một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa kém sôi động. Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước tính đạt 249,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ |
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thường xuyên liên hệ với các địa phương để tổng hợp và cập nhật tình hình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.
Đồng thời tiếp tục bám sát, hướng dẫn địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, hạn chế tồn ứ nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt, nông sản không bị ách tắc do khâu lưu thông.
Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Đề án đã đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện: Thông tin truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tăng cường thực hiện và tổ chức các hoạt động phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi như: “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.
Đồng thời, lồng ghép vào chương trình hành động hằng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc./.
Bình luận