PCI 2016: Đà Nẵng giữ vững “ngôi vương” 4 năm liên tiếp
Ngày 14/03/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016. Báo cáo này dựa trên khảo sát 10.037 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 2042 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 và 2016.
Quảng Ninh vượt Đồng Tháp lên vị trí thứ hai
Báo cáo PCI 2016 cho biết, điểm PCI tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 58,20 điểm, gần tương đương với mức điểm 2 năm trước. Khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và nhóm cuối đã thu hẹp đáng kể, hiện chỉ còn 17 điểm, thấp hơn mức 19 điểm năm 2015.
Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí “dẫn đầu” trong số các tỉnh, TP của Việt Nam trên bảng xếp hạng PCI. Năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, Thành phố này được các doanh nghiệp vinh danh là quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Điểm số của Đà Nẵng cũng lần đầu tiên bứt phá lên mức 70 điểm kể từ năm 2010.
Xếp hạng PCI năm 2016 |
Bảng xếp hạng PCI 2016 chứng kiến sự đổi ngôi của Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng, lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm điều tra PCI. Trong khi đó, Đồng Tháp đứng ở vị trí số 3, tiếp tục duy trì lần thứ 9 liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành.
Bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là sự quay trở lại ấn tượng của Bình Dương trong nhóm năm tỉnh/thành phố đứng đầu. Nhìn lại lịch sử PCI, trong ba năm đầu đánh giá chỉ số này, Bình Dương liên tục dẫn đầu. Tám năm sau đó, điểm số Bình Dương rơi liên tục và dừng lại ở mốc 58 điểm, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành Khá. Năm nay, với 63,57 điểm, Bình Dương đã trở lại góp mặt trong nhóm rất Tốt, xếp vị trí số 4, tăng đến 21 bậc trên bảng xếp hạng.
Điểm rất đáng ghi nhận trong PCI 2016 là sự cải thiện điểm số PCI của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên qua nhiều năm điều tra PCI đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt, lần lượt ở vị trí 14 và 21 trên bảng xếp hạng. Năm nay, điểm số PCI của Cần Thơ đạt 61,14 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Còn 6 lĩnh vực cần cải thiện
Báo cáo PCI cho biết, trong suốt giai đoạn 2006-2016 ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp theo là các lĩnh vực Đào tạo lao động, Tính năng động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều tra PCI 2016 cho thấy, một số xu hướng đáng quan ngại ở các lĩnh vực sau, như: tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý thì vẫn cần cải thiện.
Ví dụ như đối với tính minh bạch, đáng quan ngại là mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008. Lưu ý rằng mức biến động của chỉ tiêu này tương đối mạnh, trồi sụt theo thời gian và chưa có xu hướng cải thiện ổn định, bền vững.
Hay chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 cũng chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Năm nay, trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013. 9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).
Cũng theo báo cáo PCI 2015, từ cảm nhận của 1.550 doanh nghiệp FDI cho thấy, Trong hai năm 2015-2016, những thay đổi pháp luật đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những cải cách này đã gặt hái được thành quả, gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để biến lợi thế, tiềm năng của mình thành hiện thực. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng môi trường chính sách còn nhiều ưu đãi đối với DNNN và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, các quy định hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn còn phiền hà, đặc biệt là tình trạng một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức./.
Bình luận