Phải coi doanh nghiệp là động lực chính cho phát triển nông nghiệp
Nhiều kết quả ấn tượng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết 5 năm qua, hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được đổi mới, phù hợp và hiệu quả hơn. Nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi và hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đã được ban hành, trong đó tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai, đầu tư, tín dụng nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, bảo hiểm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…
Quang cảnh Hội nghị
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, năm 2017, có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016. Đến tháng 9/2018, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có 8.635 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tăng 2,5 lần so với năm 2012.
Đến tháng 9/2018, cả nước có 13.006 HTX nông nghiệp và trên 62.550 tổ hợp tác được tổ chức lại và thành lập mới theo Luật HTX 2012. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn. Kinh tế trang trại phát triển nhanh, đến cuối năm 2017, cả nước có 35.542 trang trại, tăng 50,8% so với năm 2012. Cả nước đã hình thành 1.029 mô hình chuỗi với 1.407 sản phẩm và 3.162 địa điểm bán sản phẩm thực hiện tiêu chuẩn sản xuất tốt, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trong lĩnh vực trồng trọt, 5 năm qua, đã chuyển đổi khoảng 200.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh thâm canh phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất.
Sản lượng, chất lượng các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế đều tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng mạnh xuất khẩu. Sau 5 năm, giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập trên 1 ha tăng 4,8%; cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ mức 12% năm 2012 lên gần 32% năm 2017; các cây công nghiệp có giá trị cao đóng góp 43% cho tăng trưởng trồng trọt, tăng gần 16%.
Chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Đàn giống được cải thiện đáng kể, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao với kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào sản xuất phổ biến. Sau 5 năm thực hiện cơ cấu lại, sản lượng thịt hơi các loại tăng 30%; thịt gia cầm tăng bình quân 17%; thịt lợn, thịt bò tăng 12,7%; thịt dê, cừu tăng 14%, sữa tươi tăng 47%; trứng gia cầm tăng 18,7%...
Trong lĩnh vực thuỷ sản, đã chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành nuôi tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất trên biển và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo quản hải sản đánh bắt từ 7 ngày lên trên 20 ngày. Trong 5 năm qua, tổng sản lượng thủy sản tăng từ 5,92 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,7%/năm, giá trị tăng thêm đạt 4,3%/năm. Giá trị trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 206,8 triệu tấn, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2012.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt được sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu.
“Qua 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII đã đề ra. Nhiều mục tiêu đặt ra trong Đề án về cả 3 trụ cột (kinh tế, xã hội, môi trường) đã đạt hoặc gần tiệm cận mục tiêu của năm 2020”, Phó Thủ tướng nói.
Song vẫn thiếu bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, thách thức đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng khắc phục, giải quyết để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trang của các sản phẩn nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.
“Quá trình phát triển nông nghiệp vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, những yếu kém nội tại chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hiện chất lượng tái cơ cấu ở một số nơi còn thấp. Sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Ở nhiều địa phương, sản xuất nông nghiệp còn mang tính phong trào, thiếu quy hoạch, kế hoạch, chưa gắn với thị trường dẫn đến dư thừa sản phẩm, khó tiêu thụ.
“Quy mô của nhiều sản phẩm còn nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nên giá trị gia tăng thấp, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam”, Phó Thủ tướng cho biết.
Tập trung thu hút doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, thì vấn đề thu hút ngành càng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cần đặc biệt quan tâm.
Phó Thủ tướng Trịnh ĐỊnh Dũng phát biểu tại Hội nghị
“Phải coi doanh nghiệp là động lực chính cho phát triển nông nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới đảm đương được các nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho sản xuất (vốn, giống, nhân lực, công nghệ…); tổ chức sản xuất; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức tiêu thụ sản phẩm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, phải gắn thu hút doanh nghiệp cho đầu tư phát triển nông nghiệp với hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào nông nghiệp.
“Tái cơ cấu nông nghiệp cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, đặc biệt là ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến cho phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩn nông nghiệp có năng suất, chất lượng, khối lượng đột phá và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, phải tăng cường công tác quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..); bảo vệ người nông dân, bảo vệ người tiêu dùng.
“Người nông dân phải được ăn, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Không vì lợi nhuận trước mắt mà đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về nhiệm vụ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải lấy thị trường khu vực và quốc tế là nhân tố quyết định cạnh tranh thành công của nông sản Việt Nam, đồng thời, phải coi trọng thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân.
“Thị trường trong nước với 90 triệu dân phải được đặc biệt coi trọng, người dân phải được sử dụng các sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Về nhiệm vụ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải lấy thị trường khu vực và quốc tế là nhân tố quyết định cạnh tranh thành công của nông sản Việt Nam, đồng thời, phải coi trọng thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân.
“Thị trường trong nước với 90 triệu dân phải được đặc biệt coi trọng, người dân phải được sử dụng các sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, các bộ, ngành sẽ sẽ tập trung tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính… Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sản xuất./.
Bình luận