Phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch trong giai đoạn 2016-2020
Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành du lịch Đồng Tháp đã chú trọng thực hiện tốt các hạng mục, đề án, đẩy mạnh công tác quảng bá truyền thông và xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp (giữa)
trao bằng khen cho các cán bộ, nhân viên có thành tích tốt trong công tác
Hình ảnh du lịch Đồng Tháp đã dần gây được sự chú ý đến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. Năm 2016 được xem là năm khởi động của ngành du lịch Đồng Tháp, với những quy hoạch tổng thể cho từng khu, từng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Mở rộng các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Hiện nay tiềm năng du lịch Đồng Tháp rất lớn, với nhiều loại hình du lịch được du khách ưa chuộng hiện nay.
Vườn quốc gia Tràm Chim ở Huyện Tam Nông với diện tích tự nhiên hơn 7000 ha; với hệ động, thực vật phong phú, hệ chim nước có 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Một số loài quý hiếm như: Ngan cánh trắng, Cốc đế, Ô tác, Công đất, Choi choi lưng đen, Cổ rắn, Giang sen, Bồ nông chân xám, Già sói... và đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ, lớn nhất trong họ Hạc - một tài sản thiên thiên vô giá của vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp.
Cùng đó là các khu di tích được xếp hạng Quốc Gia: Khu di tích Xẻo Quýt với diện tích khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh, kênh rạch chằng chịt, lau sậy...đây là căn cứ cách mạng (từ năm 1960-1975) của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ.
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc: Đây là công trình ghi ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà nho yêu nước và là thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi lần đầu tiên cụ Nguyễn Sinh Sắc đặt chân tới sống và làm nghề bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân… Trong khuôn viên khu di tích, ngoài lăng cụ Phó bảng còn có nhà sàn Bác Hồ. Một số cảnh phục dựng nhằm bảo tồn giá các trị vật thể và phi vật thể về nếp ăn, ở, cách thức sống và trưng bày các làng nghề truyền thống của địa phương.
Khu di tích Gò Tháp Huyện Tháp Mười cách đây khoảng 2000 năm là nơi sinh sống của các cư dân cổ. Tại đây, giới khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di vật văn hóa cổ, đặc biệt là các di vật văn hóa thuộc nền văn minh Óc Eo.
Khu du lịch Gáo Giồng với diện tích 350 ha, đây được mệnh danh là lá phổi của Đồng Tháp Mười, Gáo giồng được thiên nhiên ưu đãi với không gian thoáng mát, khung cảnh hữu tình, khí hậu trong lành. Ngoài ra, còn có khoảng 15 loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm.
Làng hoa Sa Đéc rộng khoảng 60 ha với 600 hộ và 3.600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh, làng hoa kiểng Sa Đéc là một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam. Điểm đặc biệt là ở làng này là có 4 mùa xuân. Dù bất cứ tháng nào, trong năm du khách cũng được ngắm thỏa thích cả một rừng hoa với đủ màu sắc, hương thơm và đây cũng là nghề truyền thống của người dân Sa Đéc
Khu du lịch làng bè Bình Thạnh tọa lạc tại ấp Bình Tân huyện Cao Lãnh với quy mô 1km với các dịch vụ ẩm thực, dịch vụ tham quan trải nghiệm, mở rộng kết nối các địa điểm du lịch trong huyện, tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, hình thành các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Đồng Tháp
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết: “ Hiện nay chúng tôi đã có đề án cụ thể cho phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn: 2016 – 2020. Trong đó chú trọng đến công tác kêu gọi đầu tư, quy hoạch tổng thể, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các khu du lịch trên địa bàn. Đặc biệt chúng tôi cố gắng phát huy công tác quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh đến du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó là nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới và gắn kết các điểm, các khu du lịch trong tỉnh,”
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo với UBND Tỉnh Đồng Tháp: “Cần phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch, dịch vụ hậu cần phục vụ du khách, tạo thêm nhiều điểm đến ấn tượng để thu hút khách du lịch đến địa phương. Để đưa các sản phẩm du lịch chất lượng đến với du khách trong nước và quốc tế./.
Bình luận