Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1486/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng là 6.700,3 km2; gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Cao Bằng và 09 huyện (Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, Trùng Khánh).
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên sẵn có, như: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, thác Bản Giốc.. |
Đến năm 2030, Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản có bước phát triển mới;
Phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch phát triển nhanh, bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước và chủ động ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của Vùng, trung tâm giao thương kinh tế, văn hoá, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hợp tác đối ngoại được mở rộng; quốc phòng, an ninh vững mạnh, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó, về kinh tế tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,72%/năm.
Tỷ trọng các khu vực kinh tế trong GRDP: Nông nghiệp khoảng 12,5% GRDP; công nghiệp - xây dựng khoảng 21,7%; dịch vụ khoảng 63,3% và thuế trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2,5%.
GRDP bình quân/người khoảng 102 triệu đồng/người (giá hiện hành).
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân trên 4,0%/năm; duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030.
Tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực, sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng
Quy hoạch nêu cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại, sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng.
Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với các tuyến cao tốc và quốc lộ đối ngoại kết nối với các địa phương lân cận và các trung tâm đô thị, kinh tế lớn của Vùng và cả nước, kết nối thuận lợi với các đầu mối giao thông quốc gia (sân bay, cảng biển); phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường để thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.
Tập trung phát triển dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tạo động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Cao Bằng. Đẩy mạnh liên kết hoạt động du lịch với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nhất là Hà Giang, Lạng Sơn và Bắc Kạn; thúc đẩy hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).
Tăng cường đổi mới, sáng tạo, có chính sách tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản. Phát triển nhanh và đột phá trong sản xuất nông nghiệp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hình thành các vùng chuyên canh gắn với chế biến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và sản phẩm đặc trưng.
Đưa Cao Bằng trở thành một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó phương hướng phát triển ngành thương mại, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu, khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu hướng tới thị trường Trung Quốc và các nước lân cận trong khu vực, phấn đấu đưa tỉnh Cao Bằng trở thành một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc.
Phát triển thương mại điện tử, trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm, siêu thị, chuỗi cửa hàng, mạng lưới chợ và các loại hình thương mại khác theo hướng kết hợp giữa hình thức truyền thống và chuyển đổi số. Xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới và khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng.
Phát triển mạnh thương mại nội địa gắn với đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, chủ động hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, đồng bộ các trung tâm logistics gắn với các cửa khẩu quốc tế trở thành trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa. Phát triển hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu phù hợp với nhu cầu và quy định, tiêu chuẩn của pháp luật.
Phát triển du lịch xanh
Về phương hướng phát triển ngành du lịch, phát triển du lịch xanh, gắn với giữ gìn cảnh quan sinh thái và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Cao Bằng.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên sẵn có (như Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, thác Bản Giốc...), tăng cường liên kết hoạt động du lịch với các trung tâm du lịch lớn của cả nước, với các tỉnh lân cận và với các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc, phấn đấu xây dựng tỉnh Cao Bằng thành trung tâm thu hút du lịch của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Phát triển du lịch cảnh quan tự nhiên, khai thác có hiệu quả các giá trị di sản Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân gôn; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng; du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
Phát triển các dịch vụ hỗ trợ đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Phát triển mô hình làng, bản văn hoá kết hợp du lịch. Khuyến khích xây dựng các khu nghỉ sinh thái thấp tầng mang sắc thái kiến trúc của địa phương.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng ngày càng hiện đại và bền vững
Về phương hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng ngày càng hiện đại và bền vững, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, sinh thái, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, phát thải các - bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thu hút đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật mới, hiện đại, đặc biệt là công nghệ số, công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn. Hình thành các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn để gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc hữu, đặc trưng và có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cao Bằng.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, có chính sách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
Khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô phù hợp gắn liền với các cơ sở bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn các nguồn gen sản vật quý của địa phương và góp phần tạo sinh kế bền vững, ổn định cho người dân. Xây dựng các trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung, khuyến khích tại các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh và Hà Quảng.
Phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng; đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa theo mô hình trang trại và nông trại, khai thác hiệu quả các giống bò địa phương tập trung ở các huyện: Bảo Lâm, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa. Phát triển đàn lợn, bao gồm cả lợn lai, lợn ngoại và lợn đen, giống bản địa theo thế mạnh, điều kiện từng địa phương, tập trung tại các huyện: Bảo Lâm, Hạ Lang và một số huyện khác như: Hà Quảng, Quảng Hòa, Nguyên Bình.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp hiện đại, hiệu quả, đa mục đích, bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu theo 03 trọng tâm:
(i) Phát triển thị trường tín chỉ các-bon;
(ii) Phát triển điện sinh khối;
(iii) Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác. Bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, chú trọng phục hồi rừng tự nhiên. Phát triển hệ thống rừng đặc dụng, bảo tồn và phát huy tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; tăng diện tích thâm canh các loại cây giống có giá trị kinh tế cao, bảo đảm hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao sinh kế cho người dân. Chú trọng phát triển lâm nghiệp theo liên kết chuỗi từ phát triển, bảo vệ, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản thông qua khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến và thương mại lâm sản.
Tận dụng nuôi trồng thủy sản ở các khu vực sông ngòi và hồ chứa sẵn có theo hình thức phù hợp. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, chú trọng đến việc sử dụng các giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái của Tỉnh và có năng suất cao. Mở rộng diện tích nuôi một số loại đặc sản, giá trị cao.
Tỉnh Cao Bằng công bố Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 Ngày 30/6/2022 tại tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị “Công bố Đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa ... |
Bình luận