Quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây rủi ro…
“Để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công; thực hiện giảm, giãn thuế; điều chỉnh giá bất động sản... nhằm khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai, vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo…”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, vừa diễn ra.
Liên quan đến bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đến nay, nợ xấu nội bảng là 1,92%, tuy nhiên nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023…
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn, nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung, dài hạn (ảnh: sbv) |
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Thống đốc cho rằng, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, NHNN sẽ: (i) Tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; (ii) Tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; (iii) Điều hành tín dụng phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; (iv) Phối hợp các bộ, ngành để tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường.
Theo bà Hồng, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn, nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung, dài hạn. Chính sách tiền tệ ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, theo Thống đốc, ngành Ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía Nhà nước như: Bảo lãnh tín dụng, các chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả...
Trong một diễn biến có liên quan, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, thị trường tài chính - tiền tệ diễn biến rất phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn gặp không ít khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng cao, sức ép lạm phát còn lớn…
Trước thực trạng trên, về phương hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ…/.
Bình luận