Thời gian qua, Quảng Trị luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

PCI là bức tranh về môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương dưới lăng kính của cộng đồng doanh nghiệp, là tấm gương soi mình quan trọng để địa phương tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, là thước đo khoảng cách phải khỏa lấp trong chính sách giữa ban hành và thực thi, và cũng là nguồn thông tin khách quan đáng tin cậy, hữu ích trước mỗi quyết định đầu tư hay mở rộng đầu tư của doanh nghiệp.

Một trong những điểm sáng tích cực trong kết quả đánh giá PCI của tỉnh Quảng Trị là chi phí gia nhập thị trường. Đây là một trong mười chỉ số thành phần cấu thành PCI, nhằm xác định về thời gian hoàn thành các thủ tục và giấy tờ cần thiết để doanh nghiệp chính thức đi vào hoat động, cũng như đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các địa phương với nhau. Bởi lẽ, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành trình tự và thủ tục đăng ký kinh doanh là thống nhất ở các địa phương, nhưng trên thực tế thì quá trình triển khai thực hiện luôn có sự khác nhau và tác động khá lớn vào năng lực cạnh tranh cũng như niềm tin của doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư kinh doanh tại địa phương.

Một góc TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Theo báo cáo PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố thường niên cho thấy, so với cả nước ngoại trừ hai năm 2012 và 2013 chỉ số gia nhập thị trường của Quảng Trị có sự sụt giảm thì các năm khác chỉ số này liên tục tăng và xếp ở những thứ hạng khá cao. Cụ thể chi phí gia nhập thị trường năm 2010 đạt 8,11 điểm, đứng thứ 1/63 tỉnh/thành; năm 2011 đạt 9,07 điểm, đứng thứ 9/63 tỉnh/thành; năm 2012 đạt 9,05 điểm, đứng thứ 20/63 tỉnh/thành; năm 2013 đạt 7,25 điểm, đứng thứ 45/63 tỉnh/thành; năm 2014 đạt 9,21 điểm, đứng thứ 2/63 tỉnh/thành; năm 2015 đạt 8,66 điểm, đứng thứ 16/63 tỉnh/thành và năm 2016 đạt 8,97 điểm đứng thứ 5/63 tỉnh/thành.

Mức điểm tăng cao đó chính nhờ sự đóng góp tích cực của chỉ tiêu về thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp (Hiện tại, Quảng Trị là 02 ngày làm việc, còn giá trị trung vị của cả nước là 10 ngày, xếp thứ 2/63); chỉ tiêu về thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (là 3 ngày làm việc trong khi giá trị trung vị của cả nước là 7 ngày, xếp thứ 4/63); chỉ tiêu về % doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động (Quảng Trị là 1,92% trong khi giá trị trung vị của cả nước là 13,24%, xếp thứ 2/63). Kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ không quá 10 ngày nhà đầu tư được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và tối đa 4 ngày làm việc hoàn thành việc cấp giấy phép cho người nước ngoài.

Để có được những kết quả tích cực này là từ sự đóng góp rất lớn trong việc phối hợp tốt giữa các cơ quan có liên quan khi thực hiện công tác đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, khắc dấu, cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh, rút ngắn đáng kể thời gian để một doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường từ đó làm giảm chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp và được doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Mặc dù vậy, chỉ số gia nhập thị trường của Tỉnh vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp, nhưng hoàn toàn có khả năng cải thiện nhằm giữ vững những thứ hạng cao của chỉ số này, góp phần quan trọng nâng cao tổng điểm PCI của Quảng Trị. Đó là thời gian doanh nghiệp chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất Quảng Trị hiện nay là 30 ngày (khá cao so với mức trung vị của cả nướclà 15 ngày). Hoặc chỉ tiêu thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai mới chỉ đạt 49,37%, xếp thứ 57/63 cả nước và thứ 10/12 so với các tỉnh trong vùng Duyên hải miền Trung.

Trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng như hiện nay, Quảng Trị nhận thức rất sâu sắc vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vừa giải quyết việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách lại vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Chính vì lẽ đó, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời quan tâm, chú trọng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp được tập trung chỉ đạo nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Những nỗ lực, cam kết của chính quyền địa phương trong việc phát huy những điểm sáng tích cực trong kết quả đánh giá PCI là bước đi đúng đắn và hiệu quả góp phần từng bước nâng cao thứ hạng PCI của địa phương.

Nhằm giữ vững và phát huy tính tích cực của chỉ số gia nhập thị trường, trong thời gian tới Quảng Trị cần quyết tâm giảm hơn nữa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, thực hiện đơn giản hóa và tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai; hoàn thiện sơ đồ hóa quy trình liên thông về cấp các giấy chứng nhận liên quan đến đầu tư - đất đai - xây dựng; giảm bớt các thủ tục hành chính về đất đai không cần thiết và giảm thời gian chờ đợi để đươc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức tiến tới giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể khởi sự kinh doanh trong thời gian nhanh nhất có thể.

Việc tăng cường cải thiện PCI, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tạo dựng và dần khẳng định đưa hình ảnh, cơ hội đầu tư hợp tác của Quảng Trị đến gần hơn với doanh nghiệp, nhà đầu tư là khâu đột phá chiến lược tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.